Văn hóa - Giải trí   Văn hóa - Giải trí

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Duy trì lửa nghề 

Cập nhật ngày: 17/12/2018 - 05:35

BTN - Những người thợ tráng bánh xứ Trảng chỉ với câu cửa miệng đơn giản “nổi lửa là có gạo ăn” để duy trì, đeo bám cùng nghề. Và dù có làm gì, những người con nhà nòi tráng bánh vẫn quay về với nghề như để duy trì truyền thống của ông bà mình.

Bà Đương tỉ mỉ trải bánh lên vỉ phơi.

Hơn 40 năm với nghề tráng bánh

Tại khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng, bà Phạm Thị Đương được biết đến như một trong những người thợ lành nghề nhất hiện nay. Bà Đương đã có hơn 40 năm theo nghề tráng bánh, và nó đã trở thành một phần trong cuộc sống của bà. Mấy mươi năm trước, từ xứ Trảng, khi theo chồng về đất Cẩm Giang (Gò Dầu) sinh sống, bà Đương cũng phải mang theo mớ vỉ phơi bánh để làm vốn. Bà Đương là đời thứ ba theo nghề của một gia đình có truyền thống làm bánh tráng nơi xứ Trảng.

Ở tuổi 60, bà Đương vẫn còn nhanh nhẹn, khéo léo trong từng động tác tráng, gỡ và dán bánh vào vỉ... Từ khi còn rất trẻ, bà Đương đã thấm nhuần kỹ thuật tráng bánh, bí quyết pha bột từ mẹ và bà. Bà Đương tiếp tục giữ hương vị bánh tráng của gia đình cho đến ngày nay.

Ngoài kỹ năng được dạy, người thợ tráng bánh như bà Đương còn cần có năng khiếu, biết vận dụng các giác quan để có thể cảm nhận được mùi, vị bánh hay nghe tiếng lách tách giòn tan để canh độ nắng cho bánh, có như vậy bánh mới ngon.

Hơn 40 năm với nghề, bà Đương cũng ngần ấy năm quen với việc thức khuya, dậy sớm để tráng bánh, rồi dang mình dưới nắng để phơi bánh, sau đó lại kinh qua sức nóng của những trã than rực hồng để nướng bánh thành phẩm. Công đoạn nào bà cũng làm tỉ mỉ, không quản khó khăn để tạo ra vị bánh rất riêng khiến nhiều người lưu luyến.

 Có thử qua vị bánh tráng của bà Đương mới cảm nhận được những gì người nghệ nhân này đã bỏ vào. Những chiếc bánh gạo giòn tan có vị mằn mặn vừa phải thơm nồng như cốm pha chút chua nhẹ rồi ngọt dần đến khó quên. Chính vì vậy, nhiều người dân xứ Trảng cứ mê mẩn vị bánh có thể dùng ăn chơi hay làm quà cho những người con xa quê. Bà Đương chia sẻ, bánh của bà thường bán sỉ, bán lẻ cho khách tại địa phương, có khi trở thành đặc sản dùng làm quà biếu cho người xứ khác.

Bà Đương cho biết, nhờ nghề tráng bánh mà kinh tế gia đình bà ổn định hàng chục năm qua. Thu nhập từ nghề giúp bà nuôi các con ăn học, khôn lớn. Bốn người con của bà tuy đã học nghề khác, có công việc ổn định nhưng vẫn được bà truyền nghề. Bà Đương nói: “Hai đứa con gái lớn của tôi hiện đang làm công việc khác nhưng tôi cũng đã dạy nghề cho các con mình. Bây giờ, tôi an tâm khi đã có truyền nhân đời thứ tư”.

Là một trong những người thợ có thâm niên ở làng nghề tráng bánh khu phố Lộc Du, bà Đương có dịp tiếp xúc với rất nhiều du khách gần xa, từ những bạn sinh viên muốn tìm hiểu làng nghề, đến những người nước ngoài muốn học hỏi cách làm bánh. Và với ai, bà cũng sẵn lòng chia sẻ, bởi bà nghĩ nghề tráng bánh cần được “giữ lửa”, nhiều người biết đến hơn. Vừa qua, bà Đương là một trong ba thợ tráng bánh phơi sương được Sở VH,TT&DL đề xuất hồ sơ công nhận nghệ nhân ưu tú. Đây là niềm vui và vinh dự của một người thợ lâu năm như bà Đương.

Tiếp lửa giữ nghề

Nghề tráng bánh phơi sương ở Trảng Bàng cũng như nhiều làng nghề thủ công khác đang dần mai một khi có không ít người đã từ bỏ nghề để theo đuổi những công việc khác có thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, với những người con được sinh ra từ làng nghề truyền thống này thì bánh tráng, vỉ tre, hương bánh cứ như quyến luyến để rồi có làm gì nhiều người cũng quay trở lại. Có người thốt lên như đùa mà thật rằng: “Cái nghề này khó bỏ lắm vì đã thấm vào máu!”.

Giữa trưa nắng oi, bên bếp lửa nóng rực, chị Nguyễn Thị Nhanh, 41 tuổi (khu phố Lộc Du) vẫn luôn tay tráng bánh. Chị đang cố hoàn tất việc tráng bánh để chuyển sang công đoạn nướng bánh cho kịp buổi chiều. Vừa tráng bánh, chị Nhanh vừa chia sẻ về công việc của mình. Chị là đời thứ 3 trong gia đình có nghề tráng bánh. Bà ngoại rồi đến mẹ chị đều theo nghề này nhiều năm, nhờ vậy, họ đã nuôi sống cả gia đình.

 Đến đời chị, khi làng nghề gặp khó khăn, trong dòng họ người theo nghề cũng ít dần. Trong gia đình chị Nhanh, các chị em cũng đã chuyển nghề mà không nối nghiệp theo mẹ. Bản thân chị Nhanh từ nhỏ cũng biết nghề tráng bánh. Đến năm 20 tuổi, chị Nhanh từng là thợ tráng bánh nhưng sau khi lập gia đình, cuộc sống khó khăn, chị đi làm công nhân, rồi về làm thợ may kiếm sống.

Gián đoạn hơn 10 năm, làm qua vài nghề để rồi chị Nhanh quyết định trở lại nghề tráng bánh. Chị nói lý do trở lại nghề là vì mẹ chị thích ăn bánh, nhớ vị bánh. Rồi dần những người khách hàng quen của gia đình cũng trở lại vì cái vị bánh rất riêng của lò “chị Nhanh” khiến chị quyết tâm hơn trong việc giữ nghề.

Bà Đương bên bếp lửa hồng nướng bánh.

Mấy năm nay, mẹ chị Nhanh vì tuổi cao nên không theo nghề tráng bánh, xếp lại những bộ đồ nghề này vào kệ bếp. Hơn một năm trước, chị Nhanh đã dùng lại mảnh gáo dừa bóng mướt để tráng bột, cái diệm đựng bột có vài đường nứt hay cái trã nước cũ mà mẹ từng dùng để nhóm lại lửa nghề. Những vật dụng này như là sợi dây chị dùng nối lại cái nghề gần như bị đứt đoạn của gia đình. Để rồi bếp nghề của gia đình chị lại có người thổi bùng lên, tiếp tục đỏ lửa mỗi ngày.

Mỗi ngày, một mình chị Nhanh loay hoay ngâm gạo, chở đi xay, pha rồi tầm 4 giờ sáng lại cặm cụi dậy nhóm lò để tráng bánh, tới chiều lại nướng bánh. Chị cảm thấy thoải mái vì công việc tự do không chịu nhiều phụ thuộc. Mỗi ngày, chị Nhanh tráng và nướng hàng trăm chiếc bánh, kiếm lời hơn trăm ngàn đồng. Với thu nhập đó, cộng với công việc của chồng, cuộc sống gia đình chị Nhanh cũng coi như ổn định.

 Chị Nhanh mỉm cười rồi khẳng định chị sẽ tiếp tục gắn bó với nghề, vừa duy trì truyền thống gia đình lại vừa có thu nhập ổn định. Theo chị, nghề tráng bánh “dù không thể giàu nhưng sống được”.

Trong bối cảnh làng nghề thủ công ngày càng ít người theo đuổi, chị Nhanh hay các con bà Đương là những người trẻ hơn đang và sẽ tiếp nối nghề là một tín hiệu đáng mừng. Họ như những đốm lửa tiếp nối để bếp lửa làng nghề luôn được cháy sáng.

VI XUÂN - CHÂU PHA