BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gạch cổ bàu Dinh 

Cập nhật ngày: 03/04/2019 - 13:20

BTN - Dù đình Truông Mít còn chưa được khang trang như những ngôi vừa kể nhưng vào những dịp cúng, dân khắp vùng vẫn nô nức tới dự lễ. Nhớ dịp Kỳ yên năm rồi, các gian nhà rạp dựng lên đã chật kín người từ sớm. Trong ngôi võ ca trước dinh, Ban Hội đình tất bật sắp xếp các vật phẩm cúng, nào là bánh tét và bánh ít hay từng cỗ heo quay vàng xuộm...

Gò tháp sau đình Truông Mít.

Lệ thường, cứ đến ngày 15.3 âm lịch là người dân ấp Thuận An, xã Truông Mít lại rộn ràng vào lễ Kỳ yên đình Truông Mít. Dịp này cũng là dịp cúng Kỳ yên ở nhiều ngôi đình khác trong tỉnh Tây Ninh, như đình Hiệp Ninh, Long Thành- di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Hay trên Tân Biên có lễ cúng tại khu dinh và mộ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản... 

Dù đình Truông Mít còn chưa được khang trang như những ngôi vừa kể nhưng vào những dịp cúng, dân khắp vùng vẫn nô nức tới dự lễ. Nhớ dịp Kỳ yên năm rồi, các gian nhà rạp dựng lên đã chật kín người từ sớm. Trong ngôi võ ca trước dinh, Ban Hội đình tất bật sắp xếp các vật phẩm cúng, nào là bánh tét và bánh ít hay từng cỗ heo quay vàng xuộm...

Phía trước võ ca còn sắp sẵn những kiệu thờ và cả hai con thuyền mô hình, kiểu thuyền “tống ôn” như tại lễ Kỳ yên ở những ngôi đình ven sông Vàm Cỏ. Dù ở đây có cách xa sông nhưng vẫn có ao đầm ở chung quanh, thật là thuận tiện để tống tiễn các vị quan ôn về lại nơi âm thế.

Tới đây, có người thắc mắc vì sao gọi nơi đây là bàu Dinh. Tôi chỉ ngay phía trên ban thờ chính có tấm trướng đỏ thêu rồng phượng cầu kỳ, trên ấy nổi bật sáu chữ Việt vàng tươi, đấy là: Dinh Thần Năm Ông Trạng Bảy. Vậy thì trước khi là đình làng thì đây đã từng là một dinh thờ. Loại hình này cũng thường gặp ở Tây Ninh, mà tiêu biểu là dinh Ông ở An Thạnh, Bến Cầu, hay dinh thờ “Quan lớn Đại thần” Huỳnh Công Thắng ở Cẩm Giang, huyện Gò Dầu.

Trên khu đất đình Truông Mít, cái bàu nước là lớn nhất. Bàu hình chữ nhật, rộng dài có đến hơn trăm mét mỗi chiều. Bàu lại nằm ngay trước mặt tiền đình ở phía đằng đông. Chắc đã từ xa xưa  lắm! Và trong ký ức các thế hệ người Truông Mít nay và làng Thuận Lợi xưa thì đây là cái bàu trên có dinh thờ nên gọi: bàu Dinh.

Bàu Dinh thật đẹp. Vậy nên những người đã tới đây một lần thì không thể không trở lại, ghé vào, mỗi khi có dịp đi ngang qua trên tỉnh lộ 784. Vào mùa lễ kỳ yên bàu càng đẹp hơn vì mặt nước đã nở đầy hoa súng tím. Bên cạnh bàu chính, còn một cái bàu nhỏ hơn nằm cạnh con đường vào đình lại rung rinh những đoá sen hồng.

Vì thế, các Ban Hội đình miếu từ nơi khác tới đây dự lễ cũng thường ra bờ bàu thăm viếng, chụp hình làm kỷ niệm. Dường như, các lợi thế thiên nhiên này đã bắt đầu được con người khai thác. Bằng cớ là ngày thường vào đây ta vẫn gặp một quán cà phê, với võng mắc chênh chao ngay ở bờ bàu. Thấy cô chủ quán quen quen, bèn tới hỏi thăm đường. Thì ra chính cô là người chuyên lội hái hoa súng ở bàu về bán từ năm bảy năm về trước. 

Thực ra, lợi thế về ao bàu nơi chỉ phần nhỏ trong tổng thể các lợi thế của đình Truông Mít. Người ta gọi bàu Dinh, vô tình đã làm mất (hoặc quên) đi một nửa địa thế quan trọng, mà có thể là cái “nửa” quan trọng nhất của khu đất đình làng. Nửa ấy là gò, trong mối quan hệ gò-bàu, thường thấy ở nhiều di tích khảo cổ học tại Tây Ninh.

Nổi tiêng nhất là ở hai di tích quốc gia tháp cổ Bình Thạnh và Chót Mạt. Ở đấy, luôn tồn tại hình thế gò- bàu, với bàu nước tượng trưng cho đại dương, và gò với các tháp xây gạch là các ngọn núi thần, theo quan niệm tín ngưỡng Bà-la-môn cổ đại. Tiếc thay, tại các di tích ấy bàu nước đã biến thành ruộng lúa, trong khi ở đình Truông Mít lại còn nguyên.

Tại đình Truông Mít, hình thế gò- bàu đã được nhân dân bảo vệ, đến nay hầu như nguyên vẹn. Chỉ những ngôi đền tháp đã bị sụp đổ từ bao giờ không ai nhớ rõ, nhưng dấu tích của chúng vẫn còn đây, nổi bật phía sau đình. Nhìn từ xa, cứ ngỡ đấy là một gò đất nhỏ, nhưng thực ra đây là phần chân móng của một ngôi đền tháp cổ.

Nhiều viên gạch đã rời ra, nằm rải rác khắp mặt gò. Tuy vậy, vẫn còn thấy nhiều vỉa gạch xây còn nguyên vẹn. Khu vực có móng tường gạch này có đường kính khoảng 15m và cao lên tới 2m. Nơi còn những vỉa gạch xây rõ rệt nhất chính là nơi cây rừng đã mọc lên. Những rễ cây lớn đường kính khoảng 15-20cm đã quàng lên như chở che, bao bọc lấy móng nền tháp cổ.

Cái vẻ đẹp tự nhiên và hoài cổ này cũng giống như một vài ngôi đền tháp ở kỳ quan thế giới Angkor, khi có những cây tung khổng lồ cũng xoè bộ rễ lớn ra ôm chặt lấy những tàn tích của ngôi đền tháp.

Có người cho biết, sau lễ Kỳ yên năm 2019, Ban quý tế sẽ xin xây sửa lại ngôi đình, dự định sẽ xây lùi lại phía sau để mở rộng thêm ngôi võ ca phía trước. Có lẽ do ý định này mà một ngôi miễu ông Tà, ngôi có từ xa xưa nhất tại vị trí chỏm cao nhất trên khối nền móng đền tháp đã bị bỏ hoang phế.

Người ta cũng đã sẵn sàng bỏ ngôi ấy đi, bằng cách “xây bù” lại hẳn 2 ngôi miễu nhỏ ở gần bên. Nếu ngôi miễu này mất đi thì ai có thể bảo đảm cho những gì còn lại của ngôi móng tháp, kể cả những bộ rễ cây và cả tổ ong bên dưới, lúc nào cũng có thể châm chích khi kẻ lạ đến gần. Mà đây mới chính là phần quan trọng nhất ở di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh- đình Truông Mít.

Sách di tích Văn hoá, lịch sử, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh (năm 2014) có đoạn: “phế tích trên khu gò nhỏ là một kiến trúc được xây bằng gạch có dạng đền tháp thuộc thời kỳ văn hoá Óc Eo có niên đại trên dưới 1.000 năm cách ngày nay…” (trang 134). Điều này đúng nhưng chưa đủ. Sự thật là toàn bộ cấu trúc gò- bàu có ở khu đất đình là thuộc về nền văn hoá cổ xưa đó, với lịch sử trải dài trên 1.000 năm; chứ không riêng gì cụm “gò nhỏ”. Mong sự việc nói trên được các cơ quan quản lý lưu tâm và có kế hoạch bảo vệ khi cho phép trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình.

TRẦN VŨ