BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chương trình giải quyết việc làm:

Giải pháp căn cơ là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 

Cập nhật ngày: 15/05/2017 - 04:55

BTNO - Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh chưa như mong muốn, đặc biệt là đội ngũ lao động có kỹ năng, tay nghề kỹ thuật cao còn thiếu.

Mặc dù hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhưng việc thực hiện Chương trình vẫn còn những mặt hạn chế và bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh chưa như mong muốn, đặc biệt là đội ngũ lao động có kỹ năng, tay nghề kỹ thuật cao còn thiếu. Các dự án cho vay vốn giải quyết việc làm chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp. 

Việc đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng không đạt kết quả theo chỉ tiêu, nguyên nhân do công tác tuyên truyền còn hạn chế, thị trường lao động các nước Ả-rập ẩn chứa nhiều rủi ro trong khi thị trường lao động Malaysia chưa đủ sức thu hút người lao động Việt Nam.

Công nhân đóng khung hình ở KCN Trảng Bàng.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 5, UBND tỉnh đã đồng ý thông qua Chương trình giải quyết việc làm (gọi tắt Chương trình) giai đoạn 2017-2020. Theo tinh thần đó, từ nay đến năm 2020, mỗi năm Tây Ninh sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 17.000 người- thấp hơn giai đoạn trước khoảng 3.000 người.

Theo số liệu của Cục Thống kê, đến hết năm 2015, dân số toàn tỉnh là 1.111.503 người; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 643.919 người; đang làm việc 634.598 người, chiếm 57% dân số; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 1,56%. Dự báo đến năm 2020, dân số tỉnh khoảng 1.170.830 người, trong độ tuổi lao động là 820.345 người (chiếm 70,8% dân số).

Trong giai đoạn 2017 - 2020, dự báo có khoảng 68.000 người có nhu cầu tìm việc làm. Số lao động này thuộc nhiều nhóm đối tượng như lao động thất nghiệp từ những năm trước chuyển sang; lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp; bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chưa có việc làm. Trong số 68.000 người có nhu cầu việc làm nói trên sẽ có 59.000 người được giải quyết việc làm từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội; gần 9.000 người được tạo công ăn việc làm từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Cơ quan xây dựng Chương trình cho biết, sẽ đưa 600 người đi lao động ở nước ngoài (bình quân 150 lao động/năm).

Các giải pháp

Ðể hoàn thành các mục tiêu trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình) đề ra nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, tìm việc làm từ chương trình phát triển kinh tế xã hội được xem là cơ bản, cốt yếu. Một trong những điều cần quan tâm trước nhất là việc lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, nghĩa là phải chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư.

Ngoài lao động trong khu, cụm công nghiệp, còn phải tăng cường hoạt động khuyến công, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống. Ðây được xem là một trong những giải pháp để giải quyết việc làm phi nông nghiệp cho người lao động ở nông thôn. Cũng liên quan đến nông thôn, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động nông thôn.

Ngoài các giải pháp vừa nêu, đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020 cũng nằm trong kế hoạch tạo việc làm cho người lao động. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xem như một giải pháp căn cơ để người lao động tìm được việc làm và có thể làm việc lâu dài.

Theo cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình, từ nay đến năm 2020, các cấp, ngành sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ðể làm được điều đó, cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hoá đào tạo nghề, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.

Mặt khác, cũng cần khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tự tìm việc làm của người lao động; ưu tiên hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc dân tộc thiểu số, hộ nghèo, người khuyết tật hoặc hộ có đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi.

Chương trình tập trung phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời diễn biến của thị trường lao động; đẩy mạnh công tác thu thập thông tin thị trường lao động trong tỉnh có kết nối với các tỉnh khác, đặc biệt là khu vực Ðông Nam bộ.

Chương trình dự kiến sẽ hỗ trợ vốn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cụ thể, nguồn vốn cho vay ưu đãi từ quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động trong giai đoạn 2017- 2020.

Ðối tượng được tiếp cận nguồn vốn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; mức vay đối với một dự án tối đa là một tỷ đồng. Ðối với từng cá nhân người lao động, mức vay không quá 50 triệu đồng, thời hạn vay không quá 60 tháng. Những người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài cũng nằm trong diện được hỗ trợ vốn. Ðối tượng được xem xét hỗ trợ vốn là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật, thân nhân của người có công với cách mạng, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp.

Tổng nguồn vốn dự kiến để thực hiện chương trình hơn 165 tỷ đồng.

Vẫn thiếu lao động kỹ thuật cao

Tháng 8.2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 36/2013/QÐ-UBND về việc ban hành Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 3 năm của giai đoạn này cộng chung với năm 2016, toàn tỉnh đã tạo điều kiện giải quyết việc làm cho hơn 99.000 lao động (chỉ tiêu là 77.000), đạt 128,6% so với kế hoạch.

Cơ cấu lao động đã chuyển dịch theo hướng gia tăng trong các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm trong nhóm nông, lâm nghiệp (năm 2013 là 42,95%, năm 2015 còn 37,42%). Cũng trong 4 năm kể trên, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã xét cho gần 10.000 người vay vốn giải quyết việc làm với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng. Ðã có 509 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại thị trường Nhật Bản, Ðài Loan, Ả-rập Xê-út, Malaysia, Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.

Thị trường lao động trong giai đoạn vừa qua cũng thể hiện những con số tích cực. Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh và các doanh nghiệp ghi nhận có gần 23.000 người có việc làm trong tổng số hơn 30.000 người đăng ký.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2013 - 2015 và cả năm 2016, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực cho việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, khuyến khích thành lập doanh nghiệp tạo nhiều việc làm mới, kết quả giải quyết việc làm vượt kế hoạch đề ra. Ðạt được kết quả trên là do được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ Ðảng và chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư, bố trí nguồn vốn, tạo tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nội dung đã đề ra của Chương trình.

Mặc dù hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhưng việc thực hiện Chương trình vẫn còn những mặt hạn chế và bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh chưa như mong muốn, đặc biệt là đội ngũ lao động có kỹ năng, tay nghề kỹ thuật cao còn thiếu. Các dự án cho vay vốn giải quyết việc làm chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp.

Việc đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng không đạt kết quả theo chỉ tiêu, nguyên nhân do công tác tuyên truyền còn hạn chế, thị trường lao động các nước Ả-rập ẩn chứa nhiều rủi ro trong khi thị trường lao động Malaysia chưa đủ sức thu hút người lao động Việt Nam.

Chất lượng nguồn lao động xuất khẩu cũng chưa đáp ứng yêu cầu cả về tay nghề lẫn ngoại ngữ. Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa được thiết lập đồng bộ từ tỉnh tới các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.

Công tác thống kê số lượng, chất lượng nguồn lao động và kiểm soát kết quả giải quyết việc làm chưa thật chặt chẽ. Nhận thức về việc làm của một bộ phận người lao động chưa đầy đủ, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, không ít người dân còn chưa có ý thức tự học nghề và tạo việc làm cho mình. Trong khi Tây Ninh là một tỉnh nông nghiệp, lại nằm ở vùng biên giới, khả năng đầu tư và thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.

Nhân công thu hoạch thuốc lá thuê (ảnh minh hoạ).

Ðừng quên tính thực chất

Trong nhiều kỳ họp trước đây của HÐNÐ tỉnh, tại phiên chất vấn cũng như thảo luận ở tổ, một số đại biểu đã bày tỏ sự băn khoăn về những con số báo cáo của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lao động. Có ý kiến nêu, con số hơn 99.000 lao động được giải quyết có bảo đảm tính thực chất không? Nếu con số trên đúng thực chất thì “thành quả” việc tìm được việc làm của người lao động này là do cơ quan quản lý Nhà nước hay là do người lao động tự tìm việc làm cho mình?

Một vấn đề khác, dự báo của cơ quan chức năng đến năm 2020, Tây Ninh có hơn 70% dân số trong độ tuổi lao động, con số này liệu có chính xác? Năm 2014, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có đợt giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) về công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình, các số liệu ghi nhận được cho thấy Tây Ninh đang trong quá trình già hoá dân số. Xu hướng sống độc thân, độ tuổi kết hôn muộn hơn hoặc kết hôn nhưng không muốn sinh con, hoặc sinh rất ít là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vừa nêu.

Chưa kể, Tây Ninh được ghi nhận là một trong những tỉnh có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước (tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%). Với tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên chỉ dưới 1%, già hoá dân số không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu, điều này sẽ đặt ra nhiều thách thức, trong đó có vấn đề nguồn lao động bị giảm đi trong khi số người sống phụ thuộc lại tăng lên.

Không riêng gì Việt Nam, giải quyết việc làm là một bài toán nan giải đối với bất kỳ quốc gia nào. Tình trạng thất nghiệp được xem là căn nguyên vừa sâu xa vừa trực tiếp dẫn đến bất ổn xã hội. Chính vì thế, để việc thực hiện Chương trình giải quyết việc làm đạt được hiệu quả, cần phải có cách nhìn nhận thẳng thắn, đúng với thực trạng của nó.

VIỆT ÐÔNG