Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giải pháp hiệu quả khi dạy học sinh phòng chống xâm hại 

Cập nhật ngày: 27/04/2019 - 19:52

Trước hàng loạt các vụ xâm hại, ấu dâm xảy ra gần đây, việc tuyên truyền cách phòng chống xâm hại cho học sinh đang được đẩy mạnh trong trường học. Tuy nhiên, nếu chỉ làm ồ ạt theo phong trào sẽ không thực sự hiệu quả như mong muốn.

Description: http://image.baoangiang.com.vn/fckeditor/upload/2019/20190427/images/955e3d30e2710b2f5260.jpg

Tuyên truyền phòng chống xâm hại cho học sinh triển khai đồng loạt nhưng cần tính đến hiệu quả thay vì theo phong trào.

Không nên truyền thụ một chiều

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay chuyên đề về giáo dục kỹ năng sống và phòng chống xâm hại cho học sinh đang được triển khai khắp các trường trên toàn thành phố.

Nội dung này cũng được lồng ghép vào chương trình giáo dục trong và ngoài trường học nhằm mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh để phòng tránh những nguy cơ bị xâm hại, đặc biệt là khi thực tế vừa qua xảy ra hàng loạt vụ việc liên quan đến vấn đề xâm hại, ấu dâm khiến dư luận bất bình.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, về cơ bản, việc tiếp cận với những vấn đề về giới tính của học sinh vẫn còn khá e dè. Phía các thầy, cô giáo, kể cả giáo viên sinh học - môn học có những nội dung cụ thể về cơ thể con người và sự khác biệt về giới tính cũng chỉ đề cập đến vấn đề này ở một mức độ nhất định.

“Tiết chào cờ đầu tuần, nhà trường có phổ biến cho các con một số thông tin, kỹ năng về việc chống xâm hại, tuy nhiên do mới chỉ là học sinh tiểu học nên các con chỉ nghe nói không thôi thì rồi đâu lại vào đấy, nghe rồi lại quên ngay, làm sao có thể yên tâm khi con không nhận thức đầy đủ, không hình thành phản xạ đối với những vấn đề này” - chị Nguyễn Mai Lan, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du, Hoàn Kiếm cho biết.

Thừa nhận còn hạn chế về kinh phí cho hoạt động này, ông Phạm Xuân Tiến cho biết, khối các trường ngoài công lập thực hiện khá tốt do kinh phí chi cho các hoạt động kỹ năng sống không bị giới hạn như các trường công lập.

“Những trường này thường bố trí cho học sinh trải nghiệm các tình huống được xây dựng bài bản, do các trung tâm chuyên nghiệp về dạy kỹ năng sống phối hợp tuyên truyền nên hiệu quả tốt. Còn với trường công lập, tùy thuộc vào kinh phí của nhà trường mà tổ chức dạy kỹ năng sống cho phù hợp. Tuy nhiên, bắt buộc các trường phải tổ chức tuyên truyền chuyên đề này vào các giờ sinh hoạt chào cờ trong năm học”- ông Phạm Xuân Tiến cho biết.

Xã hội hóa sẽ nâng cao hiệu quả

Nhận thức đây là một trong những kỹ năng hết sức cần thiết, đặc biệt trước lo lắng của phụ huynh về tình hình an ninh hiện nay, nhiều trường công lập đã tìm ra hướng để nâng cao chất lượng giảng dạy kỹ năng sống, trong đó có chuyên đề phòng chống xâm hại cho học sinh.

Trong tháng 4 này, một loạt các trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm đã tổ chức các buổi chuyên đề về cách phòng chống xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em, cũng như cách chăm sóc sức khỏe, vệ sinh thân thể, đặc biệt chú trọng đến học sinh lớp 4, lớp 5.

Để những buổi tuyên truyền dễ ghi nhớ và không nhàm chán, các nhà trường đã thiết kế thành những vở kịch ngắn mà học sinh là những diễn viên chính. Qua đó, giúp các em dễ dàng nhận biết và có kỹ năng xử lý tình huống thực tế.

Còn tại trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm, cán bộ của Trung tâm Y tế quận đã phối hợp với giáo viên nhà trường truyền thông về cách chăm sóc sức khỏe và phòng chống xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em đến học sinh lớp 4, lớp 5.

Những kiến thức cơ bản, cần thiết này giúp các em tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bản thân. Các cán bộ tuyên truyền với ưu thế có kiến thức sâu về lĩnh vực giới tính nên có thể tiếp cận đúng tâm lý học sinh, thuyết phục được học sinh chia sẻ vấn đề thực tế.

Ngoài ra, cán bộ Y tế còn đưa ra những kỹ năng giúp các em nhận biết những hành vi xấu của người khác, cách thoát thân khi bị người xấu ôm, giữ, kéo,... đồng thời dạy các em cách chia sẻ với người lớn những điều vừa xảy ra để kịp thời bảo vệ các em khỏi những đối tượng xâm hại tình dục.

Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD-ĐT Hoàn Kiếm cho biết, hiện có rất nhiều hình thức thực hiện giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh các cấp. “Nếu như trước đây thường tập huấn chung thì hiện nay phải chia ra theo lứa tuổi để phù hợp với nhận thức, tâm lý mỗi học sinh. Bên cạnh tập huấn chuyên sâu cho cán bộ cốt cán, ban giám hiệu để về trường triển khai thì hiện các trường đang nhận được nhiều hỗ trợ miễn phí từ các tổ chức chuyên ngành về lĩnh vực này. Họ có nguồn thu riêng và chủ động phối hợp với nhà trường để cùng đưa ra hình thức giáo dục kỹ năng sống sinh động, phù hợp với lứa tuổi và hiệu quả cao”- bà Vương Hương Giang cho biết.

Quy tắc 5 ngón tay để trẻ em tự bảo vệ bản thân

• Ngón cái - gần mình nhất - tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột nên có thể ôm hôn những người này hoặc đồng ý để các thành viên trong nhà ôm hôn...

• Ngón trỏ - tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa nhưng chỉ dừng lại ở đó.

• Ngón giữa - người quen biết nhưng ít khi gặp như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ. Những người này chỉ nên bắt tay, cười và chào hỏi.

• Ngón áp út - người quen của gia đình mới gặp lần đầu. Với những người này chỉ nên dừng lại ở mức vẫy tay chào.

• Ngón út - ngón tay xa nhất thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, gây lo sợ, bất an… Trong trường hợp này học sinh có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.

Bà Trương Thị Kim Hoa (Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm)

Nguồn An ninh thủ đô