Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giảm diện tích nhiều cây trồng truyền thống 

Cập nhật ngày: 08/06/2018 - 13:29

BTNO - Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích, nhiều cây trồng truyền thống như mía, mì, cao su sẽ được giảm xuống để chuyển đổi sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Trồng ổi Đài Loan tại Dương Minh Châu.

Theo ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh, việc chuyển đổi cây trồng cần thực hiện có lộ trình để đảm bảo khâu bao tiêu và giá cả, nên nội lực mỗi ngành mía, mì, cao su phải đổi mới cung cách trồng trọt theo quy mô cánh đồng mẫu lớn; ứng dụng cơ giới hóa vào trong các hoạt động sản xuất; tăng cường các hoạt động chế biến sâu, đặc biệt cần sử dụng nguồn giống có chất lượng, năng suất cao, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia….

Hiện nay, toàn tỉnh Tây Ninh có gần 16.000 ha cây ăn quả các loại. Thời gian tới sẽ phát triển diện tích cây ăn trái lên khoảng 30.000 ha. Bên cạnh đó, Tây Ninh sẽ phát triển khoảng 23.000  ha rau, củ vào năm 2020; nâng diện tích trồng điều từ 1.000 ha lên khoảng 5.000-10.000 ha.

Dự kiến toàn tỉnh giảm diện tích mía từ 25.000 ha xuống còn 15.000 ha; giảm diện cao su từ 98.000 ha xuống còn 85.000 ha; giảm diện tích mì từ 60.000 ha còn khoảng 45.000 ha.

Số diện tích đất trồng cao su, mía, mì… giảm xuống có thể chuyển đổi sang các cây trồng khác phù hợp với thổ nhưỡng, như cây ăn quả, rau sạch, điều…

Xuân Phương

Từ khóa
cao sumía