BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh:

Giám sát công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa tại Gò Dầu 

Cập nhật ngày: 28/08/2018 - 09:16

BTNO - Chiều 27.8, Đoàn giám sát do ông Võ Văn Sớm, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc, khảo sát về công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa tại Gò Dầu.

Ông Võ Văn Sớm, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh tại buổi làm việc với huyện Gò Dầu.

Trên địa bàn huyện Gò Dầu có 8 di tích, gồm 1 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Theo báo cáo của UBND huyện, trong những năm qua, huyện luôn quan tâm bố trí ngân sách và huy động xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp các di tích.

Đến nay, 7 ban quản lý di tích đã được thành lập, kiện toàn, quản lý 8 di tích; 7/8 di tích đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích. Các di tích trên địa bàn đều đã được cắm mốc giới và xây hàng rào bảo vệ.

Hàng năm, công tác tổ chức lễ hội, phát huy giá trị di tích được quan tâm, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Nhiều hoạt động về nguồn, cắm trại, sinh hoạt truyền thống để tuyên truyền, giới thiệu về di tích của các ban ngành, đoàn thể, trường học đã được tổ chức.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Gò Dầu báo cáo với Đoàn giám sát về một số khó khăn, vướng mắc như: vẫn còn tình trạng Ban quản lý di tích trực thuộc UBND cấp xã thiếu công khai minh bạch trong chi phí sửa chữa di tích; công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích Đình, Dinh gặp khó khăn do kinh phí ngân sách hạn hẹp, huy động xã hội hóa còn hạn chế; di tích Chùa Cao Sơn hiện chưa được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Huyện Gò Dầu kiến nghị cấp trên sớm hướng dẫn, có giải pháp giúp huyện phát triển du lịch gắn với các di tích văn hóa – lịch sử; hướng dẫn thành lập, kiện toàn các ban quản lý di tích trực thuộc UBND xã, thị trấn theo Quyết định số 23/2016/QĐ của UBND tỉnh ban hành ngày 14.7.2016.

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại di tích Gò Chùa Cao Sơn (ấp Xóm Mía, xã Phước Trạch).

Trên cơ sở ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc, đoàn giám sát Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh sẽ có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chuyên môn liên quan để sớm tháo gỡ những khó khăn, đề xuất, kiến nghị của huyện Gò Dầu.

Đoàn cũng đề nghị huyện tiếp tục quan tâm, huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị di tích; kịp thời xử lý tình trạng xâm hại di tích; củng cố hoạt động của các ban quản lý di tích cấp huyện, cấp xã; công khai minh bạch những khoản thu; tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho người dân, đặc biệt là học sinh các trường học trên địa bàn về giá trị văn hóa.

Cũng trong chiều 27.8, Đoàn giám sát đã kiểm tra thực tế tại di tích lịch sử cách mạng căn cứ Lõm vùng ruột huyện Gò Dầu (ấp Phước Bình, xã Phước Thạnh) và di tích Chùa Cao Sơn (ấp Xóm Mía, xã Phước Trạch).

Hôm nay (28.8), Đoàn tiếp tục giám sát công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh tại thành phố Tây Ninh và huyện Tân Biên.

Phương Thúy