BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gian nan cuộc chiến chống hàng nhập lậu 

Cập nhật ngày: 23/11/2018 - 06:30

BTN - Trong những năm gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thành lập đoàn khảo sát công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ đầu năm 2015 đến ngày 10.9.2018.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Chỉ kiểm tra số thuốc lá lậu bị bắt giữ ngày 5.6.2018. Ảnh: Hải Bằng

Diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu trên các tuyến biên giới và lưu thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Đối tượng buôn lậu thường dùng xe gắn máy xoáy lòng, chạy tốc độ cao hoặc giả dạng khách du lịch và vận chuyển bằng xe tải, xe ô tô chở khách để đưa hàng vào nội địa, sau đó vận chuyển về TP. Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Chúng luôn cử người theo dõi sát lực lượng chống buôn lậu để đối phó và gây cản trở.  

Các mặt hàng nhập lậu như thuốc lá điếu ngoại, đường cát, rượu, mỹ phẩm, gỗ, xe mô tô... chủ yếu được vận chuyển trên các tuyến, địa bàn thuộc khu vực biên giới các huyện Bến Cầu, Trảng Bàng, Tân Biên… Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Xa Mát (Tân Biên), đối tượng là cư dân biên giới dùng xe gắn máy vận chuyển từ Campuchia vào Việt Nam qua các đường mòn, lối mở, vào giờ trưa, ban đêm, gây khó khăn cho công tác kiểm soát của lực lượng chức năng.

Bằng những biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện một số vụ vận chuyển hàng hoá phi pháp qua biên giới. Năm 2016, bắt giữ đối tượng vận chuyển 98 gói ni-lông màu đen, bên trong có chứa chất tinh thể rắn màu trắng, nghi là ma tuý tổng hợp, tổng cộng 15,8kg (cả bao bì). Năm 2017, phát hiện người đàn ông Campuchia vận chuyển gần 67 ngàn Riel từ Campuchia vào Việt Nam, không làm thủ tục khai báo với Hải quan.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát cho biết, với đặc thù là khu vực tiếp giáp cư dân hai nước Việt Nam -  Campuchia có thể qua lại thăm thân nhân, mua bán hàng hoá. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng tổ chức mang hàng lậu qua biên giới. Một số đối tượng khác lợi dụng đêm tối vận chuyển tiền tệ, gỗ, thuốc lá điếu, đường cát Thái Lan và các hàng hoá khác qua các đường mòn nhằm tránh sự kiểm tra, giám sát của Bộ đội Biên phòng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách pháp luật về hải quan để gian lận trong việc tạm nhập, tái xuất hàng hoá, khai báo không đúng nguồn gốc, xuất xứ, trọng lượng và số lượng nhằm trốn thuế xuất nhập khẩu. Trong năm 2017, Đồn đã phát hiện và bắt giữ 1 vụ vận chuyển 0,4kg ma tuý đá; phối hợp với Công an huyện Tân Biên bắt giữ 2 vụ, thu giữ 30 khúc gỗ, 1 mặt bàn gỗ tròn; phối hợp với lực lượng Hải quan bắt giữ 5 vụ vận chuyển tiền tệ qua biên giới không khai báo, 1 vụ vận chuyển pháo nổ, 1 vụ vận chuyển thực phẩm chức năng…

Trong thị trường nội địa, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Tây Ninh, tình trạng gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp. Tại một số tiệm bán tạp hoá, các chợ còn buôn bán, tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng, vi phạm niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hoá quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Nhóm các mặt hàng vi phạm chủ yếu là rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Từ năm 2015 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố đã kiểm tra 181 cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn, lập biên bản 42 cơ sở sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá, kinh doanh hàng hoá quá hạn sử dụng, người bán không khám sức khoẻ định kỳ theo quy định; xử lý 11 cơ sở vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu, phụ gia, thực phẩm hết hạn sử dụng và sử dụng nguyên liệu cà phê hạt, trà không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Hoà Thành là huyện trung tâm về giao lưu hàng hoá, kinh doanh, dịch vụ, do vậy, hàng hoá từ khắp nơi trong tỉnh, kể cả hàng hoá từ biên giới Việt Nam - Campuchia tiêu thụ tại địa bàn huyện rất lớn. Qua kiểm tra, có nhiều loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, cơ sở sản xuất, thời hạn sử dụng, không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp. Công an huyện đã kiểm tra, phát hiện 192 vụ vi phạm, chủ yếu là vận chuyển, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài ra, Công an an huyện còn phối hợp cơ quan chuyên môn kiểm tra, phát hiện một cơ sở kinh doanh sắt thép không có giấy phép kinh doanh, một cơ sở gia công quần áo nhái nhãn hiệu Sơn Lan đã được bảo hộ theo chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, một cây xăng vi phạm yêu cầu về đo lường. Tổng giá trị hàng hoá tạm giữ hơn 800 triệu đồng, ra quyết định xử phạt 128 vụ, tổng số tiền phạt hành chính hơn 1,1 tỷ đồng, thanh lý bán hàng tịch thu nộp ngân sách Nhà nước gần 57 triệu đồng.

Nhiều hạn chế

Hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng chưa cao. Hoạt động buôn lậu có giảm, nhưng diễn biến ngày càng phức tạp, các đối tượng xấu vẫn lén lút vận chuyển các mặt hàng như thuốc lá, đường cát, gỗ… từ biên giới Campuchia vào nội địa.

Hằng năm, ngành chức năng đều ban hành kế hoạch hoạt động và các kế hoạch chuyên đề nhằm chỉ đạo, phối hợp các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra trong một số lĩnh vực như: chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; an toàn thực phẩm; hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và một số mặt hàng trọng điểm, nhưng công tác phối hợp chưa chặt chẽ và đồng bộ; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều khó khăn, chậm trễ; công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa hiệu quả- nhất là tại các khu vực biên giới, nơi đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn, do đó, vẫn còn tình trạng các đối tượng xấu thường lợi dụng dân nghèo mang vác hàng lậu qua biên giới.

Việc quản lý một số hàng hoá ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia còn chưa nhất quán, một số mặt hàng do nước ngoài sản xuất khi nhập khẩu vào thị trường nội địa, theo quy định của pháp luật nước Việt Nam là hàng cấm nhưng đối với Campuchia lại là loại hàng hoá khuyến khích buôn bán tự do.

Ngoài ra, việc quản lý chất lượng và lưu thông đối với các loại hàng hoá tự làm (handmade), hàng xách tay, hàng bày bán tại các vỉa hè (các sạp thịt bò, thịt heo hai bên đường)... còn chưa được các ngành, địa phương quan tâm kiểm tra, giám sát thường xuyên và chưa có chế tài xử lý. Một số mặt hàng chế biến sẵn, thức ăn nhanh bày bán tại các chợ không bảo đảm vệ sinh nhưng chưa được ngành quan tâm kiểm tra, xử lý để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và sức khoẻ cộng đồng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Châu Thanh Long - quyền Cục trưởng Quản lý thị trường cho biết, dẫn đến những hạn chế nêu trên là do điều kiện trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn hạn chế so với tình hình hiện nay. Công chức quản lý thị trường còn thiếu so với nhu cầu công tác. Hiện nay, mỗi Đội Quản lý thị trường chỉ có 4-5 công chức phụ trách địa bàn huyện, thành phố. Các đối tượng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng luôn thay đổi phương thức hoạt động, gây khó khăn cho công tác dự báo để đưa ra phương hướng cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong tình hình mới.

Nhân viên Cục Quản lý thị trường kiểm tra tang vật buôn lậu bị thu giữ.

Công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các nhà sản xuất, chủ sở hữu; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách xử lý khác nhau, gây khó khăn cho lực lượng trong thực thi nhiệm vụ.

Từ những khó khăn nêu trên, ông Long đề xuất trang bị thêm phương tiện, kinh phí cho lực lượng Quản lý thị trường. HĐND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường quy định tiêu chí theo số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn được giao quản lý làm cơ sở để phân bổ chỉ tiêu biên chế phù hợp với từng Cục, Đội Quản lý thị trường; thường xuyên mở lớp tập huấn kiến thức các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, tập huấn quy trình nghiệp vụ, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường.

Qua khảo sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt buôn lậu, gian lận thương mại, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; tiêu thụ và kinh doanh hàng hoá quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là tại các khu vực biên giới và nông thôn… UBND tỉnh cần chỉ đạo UBND cấp huyện cơ cấu các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, UBND các xã, phường, các Ban quản lý chợ và Trạm phát thanh xã, phường vào Ban Chỉ đạo 389 của cấp mình để thuận lợi hơn trong việc nắm bắt tình hình quản lý kinh doanh hàng hoá trên địa bàn.

Đại Dương