BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gian nan giữ nghề đan quạt 

Cập nhật ngày: 22/11/2019 - 14:14

BTN - Bà Trần Thị Bảy, 65 tuổi, ngụ ấp Long Ðại, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành thoăn thoắt đôi tay trên tàu lá mật cật cho biết: “Ðan quạt mật cật này không khó, chỉ là đan nong mốt thôi. Khâu phơi lá và vuốt lá mới cực nhất. Lá non hiện nay giá 2000 đồng/tàu. Phải phơi nắng thật khô, nếu được nắng suốt cả ngày thì phơi 10 nắng là xong, khi ấy màu lá sẽ trắng đẹp lắm. Còn nếu gặp ngày mưa, lá mật cật sẽ ngả màu đường thốt nốt, phơi 15 nắng vẫn chưa dùng được”.

Bà Bảy và số quạt thành phẩm.

Bà Trần Thị Bảy, 65 tuổi, ngụ ấp Long Ðại, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành thoăn thoắt đôi tay trên tàu lá mật cật cho biết: “Ðan quạt mật cật này không khó, chỉ là đan nong mốt thôi. Khâu phơi lá và vuốt lá mới cực nhất. Lá non hiện nay giá 2000 đồng/tàu. Phải phơi nắng thật khô, nếu được nắng suốt cả ngày thì phơi 10 nắng là xong, khi ấy màu lá sẽ trắng đẹp lắm. Còn nếu gặp ngày mưa, lá mật cật sẽ ngả màu đường thốt nốt, phơi 15 nắng vẫn chưa dùng được”.

Nghề đan quạt mật cật hiện đang gặp khó khăn vì khan hiếm nguyên liệu, có khi bà Bảy phải chờ hàng tháng trời người ta mới giao chứ không phải cần là có như chục năm về trước.

Bà Bảy kể tiếp về cách làm quạt: sau khi lá phơi khô thật sự, người đan phải dùng cây dao nhỏ, loại dao gọt trái cây, tước từng sợi nan theo chiều nếp gấp của tàu lá, nhưng đừng tước hết, phải chừa một đoạn chỗ cuống lá để làm cán quạt. Bà Bảy định đan bao nhiêu cây quạt thì tối hôm trước lấy số tàu lá (đã tước thành sợi) tương đương số quạt thành phẩm mà ngâm nước. Ví dụ cứ hai tàu lá sẽ thành một cây quạt, cần đan năm chục cây thì ngâm trăm tàu lá. Ngâm từ mười giờ đêm tới sáu giờ sáng thì vớt ra treo lên chừng 1 tiếng đồng hồ, mới bắt đầu đan.

Nhìn đôi bàn tay nhỏ nhắn của bà Bảy thoăn thoắt đan từng sợi nan quạt mới thấy được sự kỳ công của nghề. Bởi tất cả sợi nan phải nằm ngang xếp ngay ngắn với nhau, sợi nào cong vênh, phải vuốt xuống cho bằng phẳng tạo nên một cây quạt không chỉ đẹp hình thức mà còn bền chắc khi sử dụng.

Ðan xong, phải lấy chỉ gân quấn cán quạt để người cầm sử dụng êm tay. Nhiều khâu như vậy nhưng mỗi cây quạt bà Bảy chỉ giao với giá 9.000 đồng. Bà nói: “Coi như lấy công làm lời vậy mà, mỗi cây kiếm được bốn ngàn đồng. Tôi vừa giữ cháu nội vừa đan hai mươi cây quạt cũng có tám chục ngàn bỏ túi mỗi ngày”.

Mùi lá mật cật thơm ngọt cả gian nhà nhỏ. Khi hỏi có định truyền nghề không và tính học phí bao nhiêu thì bà cười giòn: “Trời ơi, học cái này cần gì học phí! Chỉ sợ tuổi trẻ không ai chịu học thôi, vì thu nhập ít mà ngồi đau lưng lắm”.

TRANG ÐÀO