Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gian nan mùa lúa ở vùng lũ Châu Thành 

Cập nhật ngày: 15/03/2017 - 14:21

BTNO - Trong đợt lũ vừa qua, hai ấp Rạch Tre và Tân Định của xã Biên Giới (huyện Châu Thành) bị ngập sâu và dài ngày nhất so với những nơi khác trong tỉnh. Sau khi nước rút, nông dân tiếp tục xuống giống, lúa phát triển xanh tốt, nhưng lại bị bệnh, sâu rầy phá hoại, chuột bọ lộng hành.

Cắm bọc ni-lông giữa ruộng để đuổi chuột, những chẳng ăn thua.

Trở lại nơi từng là “rốn lũ” của huyện Châu Thành, hai bên đường những đồng lúa trải dài, một vài đám vừa gặt hái xong. Cứ ngỡ sau hơn ba tháng ngập sâu trong nước, những cánh đồng này được thiên nhiên “tổng vệ sinh” cộng thêm phù sa bồi đắp, vụ lúa năm nay sẽ bội thu. Thế nhưng, nhiều nông dân có vẻ không vui.

Ông Trần Văn Đẹt- 63 tuổi, ngụ tổ 1, ấp Tân Định thở dài cho biết, ông canh tác 1,5 ha lúa giống lúa 5451, hiện đang vào giai đoạn trổ đòng, nhưng bị rầy nâu, sâu cuốn lá tấn công. Năm nay, tôi đã xịt thuốc ba đợt rồi mà chúng chưa chết hết, chắc phải xịt thêm một lần nữa mới hy vọng cứu được cây lúa”- ông Đẹt nói. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sâu rầy phát triển là do lũ lụt kéo dài, bà con xuống giống chậm hơn một tháng so với những vụ trước.

Bên cạnh đó, ruộng lúa của lão nông này cũng đang mắc một căn bệnh - cây lúa vẫn sinh trưởng tốt bình thường nhưng không ra bông. Ông Đẹt diễn tả: “Đọt cây lúa teo tròn, đưa thẳng lên chứ không có bông. Tét cây lúa ra thấy bên trong bọng than như cọng năng hay cọng hành chứ không có gié lúa”. Ông cho rằng lúa bị bệnh von, đây là lần đầu tiên ở xã Biên Giới xuất hiện loại bệnh này. Ông cho biết thêm, vợ chồng ông Trí gần đó cũng trồng hơn 3 ha lúa, bị bệnh giống như vậy, sợ bệnh lây lan nên thuê nhân công nhổ bỏ những bụi không có bông.

Theo ông Đẹt ra đồng, chúng tôi thấy trên mặt ruộng lắp xắp có nhiều rầy cám, thân lúa có một số rầy nâu, trên lá lúa lác đác một vài nơi có sâu cuốn lá. Ngoài ra, ở những ruộng lúa bên cạnh, mặt ruộng khô khan, trở thành điểm cho lũ chuột đến cắn phá. Nhiều nơi, lúa bị chuột cắn trống thành từng lõm to bằng chiếc sàng, chiếc nia. Một số chủ ruộng phải dùng lúa, bắp ngâm thuốc rải trên mặt đê để bẫy chuột. Có người dùng đoạn tầm vông, trên có treo một bọc ni-lông, cắm giữa đám ruộng để xua đuổi chuột.

Ông Lâm Hoàng Quân- cán bộ Hội Nông dân ấp Tân Định đánh giá, có nhiều đám ruộng bị chuột gây thiệt hại khoảng 30%. Tuy nhiên, những cách xử lý nạn chuột phá lúa nêu trên đều chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Lũ chuột rất tinh ranh, những chiếc bọc ni-lông trên cây chỉ làm chúng sợ được vài ngày, sau đó chúng quen dần rồi cũng vô cắn lúa. Đến thời điểm này, bà con nông dân ở đây chưa tìm ra cách nào diệt chuột đạt hiệu quả cao.

Tương tự, ở ấp Rạch Tre cũng có nhiều ruộng lúa đang trong tình trạng bị thiệt hại. Ông Huỳnh Thanh Hiền- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Rạch Tre cho biết: “Sáng nay, tôi vừa hướng dẫn đoàn cán bộ khuyến nông của tỉnh, huyện đi khảo sát tình hình sâu rầy. Trong ấp hiện có khoảng 100 ha lúa bị nhiễm rầy nâu, rầy cám, nhiều nhất ở những ruộng lúa đang trổ đòng và cong trái me”. Ông cũng cho biết thêm, ở Rạch Tre có khoảng 20- 30% lúa bị muỗi hành (chứ không phải bệnh von) và những đám ruộng trên gò cũng bị chuột cắn phá. Có một vài đám vừa thu hoạch xong, năng suất không cao. Năm nay tình hình sâu rầy, bệnh tật và chuột phá lúa nhiều hơn những năm trước.        

Sau mỗi đợt lũ lụt, thiên nhiên thường mang đến một sức sống mới, làm cho ruộng đồng tốt tươi hơn. Thế nhưng, điều đó không đúng với vùng lũ này. Ngược lại, do xuống giống trễ, thời tiết không phù hợp với quá trình sinh trưởng của cây lúa, nên nhà nông gặp nhiều bất lợi.

Triệu chứng để nhận diện cây lúa bị muỗi hành gây hại: cây lúa bị lùn, đâm rất nhiều chồi, lá lúa xanh thẳm ngắn, dựng đứng và có nhiều cọng lúa giống cọng hành.

Cây lúa bị von vươn lóng, ốm yếu, lá có màu vàng hơi xanh. Cây bị bệnh giảm số chồi và lá bị khô. Nếu bị nhiễm vào giai đoạn trước khi đâm chồi cây mạ sẽ bị chết khô. Nếu sống sót, cây lúa cho bông với toàn hạt lép, gây thất thoát cho nông dân.

Đại Dương - Cẩm Tiên