Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xung quanh chuyện thi thăng hạng:

Giáo viên còn băn khoăn 

Cập nhật ngày: 10/01/2018 - 06:09

BTN - Xung quanh quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên, hiện có nhiều ý kiến băn khoăn. Một số giáo viên có ý định đi học bày tỏ không tán thành quy định thí sinh phải đạt trình độ ngoại ngữ (thường là tiếng Anh) bậc 3.

giaovien.jpg

Trong giờ học ở Trường THCS Thạnh Tây, huyện Tân Biên (lúc chưa sáp nhập).

Ngày 25.10.2017, Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh (Trường CÐSP) có tờ trình gửi Sở Giáo dục - Ðào tạo (Sở GD-ÐT) xin phép mở các lớp học bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giảng viên, giáo viên. Theo tờ trình của Trường CÐSP, đối tượng tham dự các lớp học là giảng viên, giáo viên mầm non, phổ thông đang công tác tại những vị trí phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Thời lượng học để lấy chứng chỉ là 240 tiết, do Trường đại học Sư phạm Huế đào tạo.

Ngày 7.12.2017, Sở GD-ÐT có công văn phúc đáp đồng ý cho phép nhà trường chiêu sinh để mở các lớp học nêu trên.

Sau khi có thông tin chiêu sinh đào tạo để cung cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn theo chức danh nghề nghiệp, rất nhiều giáo viên đang dạy học ở bậc học mầm non và phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở) có nguyện vọng muốn theo học để lấy chứng chỉ. Nhưng họ lại băn khoăn không biết chứng chỉ này được sử dụng vào mục đích gì, học xong có được chuyển thăng hạng, chuyển lên ngạch lương mới hay không.

Tìm hiểu vấn đề này thì được biết, tháng 8 và tháng 9.2017, liên bộ GD-ÐT và Nội vụ ban hành ba Thông tư 20, 21 và 22 quy định việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non và phổ thông. Trong 3 thông tư nêu trên, Thông tư 20 và 22 được giáo viên quan tâm nhiều nhất vì văn bản này quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Về nguyên tắc, Thông tư 20 quy định: việc cử giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế của địa phương. Việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định của pháp luật.

Theo tinh thần của Thông tư 20, giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau: cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi; được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác ba năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi; có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền; có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi theo quy định. Thông tư 20 quy định thí sinh muốn thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì phải dự thi đủ bốn môn, gồm môn kiến thức chung, môn thi chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học. Trong 4 môn thi nói trên, môn ngoại ngữ yêu cầu thí sinh phải có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (trong khung ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam có tham chiếu chuẩn châu Âu).

Xung quanh quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên, hiện có nhiều ý kiến băn khoăn. Một số giáo viên có ý định đi học bày tỏ không tán thành quy định thí sinh phải đạt trình độ ngoại ngữ (thường là tiếng Anh) bậc 3. Theo nhóm ý kiến này, nếu thí sinh là giáo viên dạy ngoại ngữ, quy định như trên có thể phù hợp. Tuy nhiên, với những giáo viên dạy mầm non hoặc các môn văn hoá khác, việc phải thi ngoại ngữ ở trình độ bậc 3 là không thể được. Kiến thức ngoại ngữ được học trong trường sư phạm vốn ít ỏi đã gần như mai một sau nhiều năm không dùng đến. Nhưng, điều quan trọng hơn- được quy định tại Thông tư 22 là giáo viên đang dạy cấp trung học cơ sở muốn được thăng từ hạng III lên hạng II (hệ số lương từ 2,34 đến 4,98) thì phải đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe. Nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng II gồm: làm báo cáo viên minh hoạ ở các lớp bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hoặc dạy thử nghiệm mô hình, phương pháp mới; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn; viết sáng kiến kinh nghiệm, tham gia đánh giá sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng từ cấp trường trở lên; tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên trung học cơ sở cấp trường trở lên; tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách đội giỏi cấp trường trở lên; tham gia tổ chức, đánh giá các hội thi của học sinh trung học cơ sở cấp trường trở lên. Về tiêu chuẩn, giáo viên trung học cơ sở hạng II phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (tổng số 6 bậc). Nếu là giáo viên ngoại ngữ thì ngoại ngữ 2 phải đạt bậc 2 trở lên. Một số giáo viên bình luận: các nhiệm vụ vừa được giao ở trên không dành cho giáo viên bình thường mà phải là những người đang giữ một chức vụ chuyên môn nào đó, ví dụ tổng phụ trách Ðội, tổ trưởng, hiệu phó, hiệu trưởng. Cũng có thể có giáo viên được giao làm các nhiệm vụ nêu trên nhưng số lượng không nhiều. Nói cách khác, với quy định như trên, số giáo viên hy vọng được thăng hạng chức danh nghề nghiệp không nhiều.

Một cán bộ có thâm niên làm công tác tổ chức trong ngành Giáo dục cho biết, việc giáo viên xôn xao chuyện đi hay không đi học để lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có nhiều chuyện cần bàn. Theo ý kiến của vị cán bộ này, trong ngành Giáo dục đang có những thay đổi về chính sách nhưng giáo viên- vì nhiều lý do, ví dụ không chịu tìm hiểu nên không biết hoặc biết nhưng còn lơ mơ. Hiện nay, giáo viên được xếp thành 4 hạng (từ hạng IV đến hạng I- hạng cao nhất). Mỗi hạng bậc tương ứng với hệ số lương từ khởi điểm cho đến mức vượt khung. Từ năm 2013 (có nơi từ năm 2011) trở về trước, chỉ cần hội đủ bằng cấp và các yêu cầu phụ khác, giáo viên sẽ được xét chuyển loại viên chức. Ví dụ, một giáo viên có bằng cao đẳng, sau đó học tiếp lấy bằng đại học sẽ được xếp chuyển lương theo bằng cấp mà không phải thi cử. Tuy nhiên, khoảng 5 năm qua, việc xét chuyển loại viên chức đã tạm dừng. Cho đến nay, không chỉ riêng Tây Ninh mà cả các tỉnh khu vực Nam bộ cũng đã tạm dừng xét chuyển loại viên chức trong ngành Giáo dục.

Theo quy định hiện hành, giáo viên muốn chuyển loại viên chức phải thi, và công việc này do ngành Giáo dục kết hợp với ngành Nội vụ chủ trì. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có một đợt thi chuyển loại viên chức nào. Ðiều này giải thích vì sao nhiều giáo viên có bằng đại học hoặc thạc sĩ nhưng vẫn đang hưởng lương của hệ cao đẳng. Về băn khoăn của giáo viên, việc học để lấy chứng chỉ có phải là điều kiện bắt buộc để thi chuyển loại viên chức sau này hay không, vị cán bộ cho biết, bản thân ông chưa tìm thấy văn bản nào quy định phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mới được thi (nếu có tổ chức thi trong năm 2018).

Ðiều này có nghĩa, việc có theo học để lấy chứng chỉ hay không, học để làm gì thì tuỳ mỗi giáo viên (do vị trí công tác, tính toán đường dài…). “Còn nếu học chỉ để cho biết, tích luỹ kiến thức, giáo viên vẫn có thể tự học mà không nhất thiết phải học để lấy chứng chỉ”- vị cán bộ nói.

Lùi lại thời gian, việc chuyển loại viên chức trong ngành Giáo dục, hay nói cho dễ hiểu là thay đổi hệ số lương, một phần là do “lịch sử để lại”, tức việc này đã trải qua nhiều thời kỳ. Chính sách hoặc được xây mới hoặc thường xuyên được điều chỉnh nhưng không phải mọi cái mới hoặc sửa chữa đều hợp lý và phù hợp với thực tế. Một thời gian dài, Nhà nước trả lương theo công việc, tức dạy cấp học nào hưởng lương cấp đó, không phân biệt bằng cấp. Sau đó, đầu những năm 2000, việc tính lương khởi điểm được căn cứ vào văn bằng (vì thế, hầu hết mọi người đi học đại học để “lên đời” cho tấm bằng của mình). Trong giai đoạn vừa qua, việc chuyển loại viên chức, thay đổi thang, hệ số lương trong ngành đã tạm dừng. Có ý kiến nói, đây là một chủ trương nhằm tiết kiệm nguồn chi từ ngân sách vì trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, không có ngành nào đông người như ngành Giáo dục.

VIỆT ÐÔNG

Từ khóa
VIỆT ÐÔNG