Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giáo viên vùng sâu…hết hy vọng về chế độ thu hút

Cập nhật ngày: 20/09/2016 - 10:26

Trường THCS Tân Đông nằm trên địa bàn từng thuộc xã đặc biệt khó khăn.

 “Từ khi chế độ ưu đãi, thu hút dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên vùng sâu bị ngưng thực hiện, chúng tôi băn khoăn lắm. Tinh thần, thái độ lao động của nhiều giáo viên giảm sút”– hiệu trưởng một trường THPT đã chia sẻ tâm tư với phóng viên như thế.

Vị hiệu trưởng trên cho biết thêm, do trường ở vùng sâu vùng xa, nhiều giáo viên phải đi, về bốn- năm chục cây số mỗi ngày. Trong số đó, có những người đã lớn tuổi, sức khoẻ suy giảm, họ vẫn phải cố gắng đến trường ngày ngày, dù trong lòng không mấy phấn khởi do thu nhập hằng tháng đã giảm đi đáng kể.

Trước ngày khai giảng năm học 2016 – 2017, đã có hiện tượng giáo viên vùng sâu, vùng xa tìm mọi cách để chuyển công tác về các trường trong khu vực nội địa, theo phương châm càng gần nhà càng tốt.

Ngoài giáo viên, còn nhiều nhóm đối tượng khác đang công tác ở UBND cấp xã cũng thắc mắc: thời gian hưởng chế độ thu hút dành cho người công tác vùng sâu là 5 năm nhưng mới hưởng được 3 năm thì bị cắt, vậy hướng giải quyết cho nhóm đối tượng này như thế nào?

Theo Quyết định 447/QĐ–UBDT (Quyết định 447) ngày 19.9.2013 Uỷ ban Dân tộc (cơ quan ngang Bộ trực thuộc Chính phủ) thì xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi là xã khu vực III. Căn cứ vào Quyết định 447 thì Tây Ninh có 21 xã thuộc khu vực I, không có xã nào thuộc khu vực III. Nếu thực hiện theo đúng Quyết định 447, hàng ngàn cán bộ, viên chức, nhân viên, nói chung là những người hưởng lương hoặc có tính chất lương từ ngân sách đương nhiên không được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt. Điều này có nghĩa: cơ quan quản lý và cấp có thẩm quyền bắt buộc phải truy thu các khoản tiền ưu đãi mà những đối tượng công tác ở xã “đặc biệt khó khăn” đã được lãnh sau ngày 19.9.2013.

Xung quanh chuyện chế độ đối với những người đang công tác tại vùng sâu vùng xa còn có một vấn đề nảy sinh khác, đó là việc cập nhật, triển khai các văn bản liên quan đến chính sách, chế độ. Quyết định 447 ban hành từ tháng 9.2013 nhưng nhiều cơ quan quản lý Nhà nước hình như… không biết đến sự tồn tại của Quyết định này. Tại Tây Ninh, cho đến ngày 1.6.2016, khi UBND tỉnh có Công văn số 1443/UBND–DT (Công văn 1443) phúc đáp UBND huyện Bến Cầu liên quan đến việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho người dân ở những xã vùng sâu vùng xa, nhiều người mới biết rằng tỉnh mình không có xã nào thuộc dạng đặc biệt khó khăn như quy định tại Quyết định 447.

Trong một bài viết đăng trên báo Tây Ninh hồi cuối tháng 7 vừa qua, người viết đã có đề cập việc xác định xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn có liên quan đến việc thực hiện Chương trình 135- một chương trình lớn của Chính phủ. Chương trình 135 ra đời năm 1998, cho đến nay- sau 18 năm triển khai đã trải qua nhiều lần điều chỉnh, gia hạn. Ngày 3.8.2015, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ cập nhật bài báo với tiêu đề “Sẽ có hướng dẫn về địa bàn các xã đặc biệt khó khăn”.

Bài báo trích đăng ý kiến của một đại biểu Quốc hội, rằng Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24.12.2010 của Chính phủ (Nghị định 116) quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn nhưng trên thực tế hiện nay, trong khi kinh phí đầu tư cho các xã thuộc Chương trình 135 còn chưa đủ thì cán bộ, công chức, viên chức và người được hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở các xã an toàn khu, xã biên giới, bãi ngang ven biển không phải là xã đặc biệt khó khăn cũng được hưởng chế độ phụ cấp thu hút và các chế độ khác như các xã đặc biệt khó khăn.

Điều đó gây bất bình trong cử tri, làm giảm hiệu lực của chính sách đối với vùng đặc biệt khó khăn và làm thất thoát ngân sách Nhà nước. Đại biểu này còn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính- cơ quan được Chính phủ giao hướng dẫn thực hiện Nghị định 116- giải thích về việc chi trả chế độ phụ cấp thu hút như đã kể trên. Và câu trả lời nhận được là quy định về việc xác định các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi hiện chưa rõ ràng, dẫn đến những cách hiểu khác nhau về đối tượng và địa bàn thụ hưởng chính sách; sắp tới sẽ có hướng dẫn xác định danh sách cụ thể các xã đặc biệt khó khăn. Từ khi Bộ trưởng trả lời đến nay đã hơn một năm nhưng danh sách xã đặc biệt khó khăn vẫn chưa có.

Như vậy, trên phương diện pháp lý, các văn bản của Trung ương liên quan đến xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, hải đảo đang có sự chồng chéo, thiếu thống nhất. Trong số các quyết định, nghị định, thông tư… chỉ có Quyết định 447 là có nêu cụ thể Tây Ninh không có xã nào thuộc khu vực III (xã đặc biệt khó khăn). Quyết định 447 đang có hiệu lực thi hành và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các bộ, ngành Trung ương sẽ điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Quyết định này. Do vậy, việc khôi phục chế độ thu hút, ưu đãi đặc biệt dành cho một bộ phận công chức, viên chức, đặc biệt là giáo viên đang công tác ở vùng sâu vùng xa là khó có hy vọng. Không loại trừ khả năng các cơ quan có liên quan lại phải tiến hành truy thu khoản chế độ mà một số địa phương đã chi trả cho cán bộ, giáo viên.

VIỆT ĐÔNG