Công nghệ   Khoa học

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gốc “khỉ” của loài người 

Cập nhật ngày: 22/05/2017 - 18:47

Về vấn đề ấy, tín ngưỡng và tôn giáo trả lời: “Không”. Người do Trời, Thượng đế hoặc một thần thánh nào đó sinh ra, cùng với các loài khác như: khỉ, chó, mèo…

Các nhà sinh vật học duy vật trả lời: “Có”. Theo thuyết tiến hóa, con người, qua một quá trình tiến hóa sinh học lâu dài và phức tạp, đã hình thành từ gốc “khỉ”. Học thuyết tiêu biểu nhất cho quan niệm này là của nhà khoa học Anh Darwin (1809-1882).

Năm 1999, bang Kansas (Mỹ) đã có những biện pháp cấm dạy thuyết Darwin ở các nhà trường. Theo Hiến pháp Mỹ, các bang có quyền tự quyết định về nội dung chương trình dạy học có một số bang chưa quyết liệt như Kansas, nhưng có biện pháp ngăn chặn, hạn chế thuyết Darwin.

Như ở bang Alabama, các sách giáo khoa phải ghi rõ: “Thuyết tiến hóa hiện đương được tranh cãi”, và chua thêm: “Khi sự sống xuất hiện, có ai ở đấy mà chứng kiến!”. Những người cuồng tín mới đề cao thuyết “Chúa tạo ra mọi thứ cố định” (Creationism).

Hội những người theo thuyết này ở bang Missouri nêu lên định đề: “Cách đây vài nghìn năm, vũ trụ, hệ thái dương, trái đất và các loài thực vật, cùng động vật đã được thai nghén bởi một quá trình đặc biệt và sáng tạo.

Những đổi thay sinh học xảy ra từ khi có sự sáng tạo buổi đầu chỉ thu hẹp trong phạm vi của mỗi giống đã được tạo ra”. Những người chống Darwin bênh vực giáo lý của Kinh Thánh: Thượng đế sinh ra trời đất và muôn loài trong bảy ngày, chỉ có thế thôi.

Họ đã quay lưng lại khoa học.

Darwin đã đưa ra một lý luận khoa học sâu rộng cho thuyết tiến hóa, về sự phát triển của thể hữu cơ. Theo ông, trong cuộc đấu tranh sinh tồn, giống nào thích ứng thì sống, theo quy luật chọn lọc tự nhiên. Tính biến đổi và tính di truyền đều là thuộc tính của thể hữu cơ. Biến đổi nào có lợi cho nó trong cuộc đấu tranh sinh tồn thì thành cố định.

Môi trường chọn lọc một cách khách quan, máy móc, những cá thể mang những biến đổi thích nghi; các biến đổi ấy xuất hiện ngẫu nhiên, không do sinh vật chủ định. Trong khi tích lũy và di truyền lại, từ thế hệ này sang thế hệ khác, những biến đổi ấy quyết định sự xuất hiện của những động vật và thực vật mới.

Ngày nay, có thuyết nêu là cần nhấn mạnh yếu tố ngẫu nhiên vì “chọn lọc tự nhiên” không nhất thiết đưa lại kết quả chọn lọc thành công. Học thuyết Darwin chỉ mới nhấn mạnh nhân tố đột biến, những chưa giải thích thỏa đáng. Ngoài ra, dưới ánh sáng của khoa học ngày nay, nó còn có những yếu điểm khác.

Dù sao, cho đến giờ, thuyết Darwin vẫn quan trọng về mặt phương pháp luận và tư tưởng; (Mác và Ăng-ghen đánh giá cao) nhưng nó phải phát triển và đổi mới do tác động của những khám phá mới của khoa học.

Không lạ gì ở ngay nước Mỹ, những nhà khoa học chân chính và những trí thức tiến bộ đấu tranh để thuyết Darwin được dạy ở nhà trường một cách đúng đắn. Có những giáo viên phàn nàn là học sinh, do bố mẹ xúi giục, hung hăng tuyên bố không tin lời thầy giảng ngược Kinh Thánh. Có nhà giáo dục sợ là với đường lối phản khoa học ấy, học sinh sẽ không tiếp tục học khoa học ở đại học được. Ngay cả Thống đốc bang Kansas cũng không tán thành quan điểm ấy.

Bình luận về sự kiện ở Mỹ, báo Thế giới Pháp cho là những người Mỹ cuồng tín mới không nghĩ gì đến tiến bộ khoa học ở nước họ, vì “họ vẫn còn nghĩ là khủng long và con người đồng thời xuất hiện trên mặt đất và mặt trời được tạo ra sau trái đất(!)”. 

Nguồn baoquocte