Gợi ý lịch trình ăn uống trong 12 giờ ở Hải Phòng

Ẩm thực của thành phố cảng Hải Phòng vốn nổi tiếng xưa nay bởi nhiều món ngon nên du khách có thể dành cả ngày để khám phá.

Gợi ý lịch trình ăn uống trong 12 giờ ở Hải Phòng

SÁNG - TRƯA

Bún cá cay

Dù có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước, bún cá được bán ở Hải Phòng vẫn khá nổi tiếng và có nét riêng bởi sự kết hợp tinh tế giữa hương vị của biển, vị đồng quê trong cùng tô bún và vị cay đặc trưng theo khẩu vị của người dân địa phương.

Gợi ý lịch trình ăn uống trong 12 giờ ở Hải Phòng

Nguyên liệu của một tô bún cá cay thập cẩm bao gồm thịt cá rán, chả cá hấp, chả cá chiên, lòng cá, giò tai. Các chủ hàng quán địa phương lựa chọn cả cá biển lẫn cá nước ngọt để nấu bún như cá thu, basa, trắm, rô đồng vì thịt các loài này săn chắc và ít tanh.

Gợi ý lịch trình ăn uống trong 12 giờ ở Hải Phòng

Nước dùng bún cá đậm chất miền biển được ninh từ đầu và xương cá nên rất thanh. Rau ăn kèm bún cá thường là rau chuối, dọc mùng, muống chẻ và các loại rau thơm. Bún cá cay Hải Phòng độc đáo ở chỗ dùng nước me thay cho giấm hoặc chanh, làm tô bún đã cay nay còn vừa chua vừa the ngon miệng hơn.

Giá một tô bún chỉ từ 20.000 đồng, được bán nhiều nhất vào buổi sáng và trưa. Địa chỉ gợi ý: quán ăn trên phố Trần Phú, Lê Lợi, Nguyễn Công Trứ.

Gợi ý lịch trình ăn uống trong 12 giờ ở Hải Phòng

Bánh cuốn

Đây là món ăn sáng khá nổi tiếng đã có mặt gần một thế kỷ tại Hải Phòng. Vẫn là những tấm bánh tráng mỏng tang trắng mềm nóng hổi, có nhân thịt hoặc không, không thể thiếu hành phi, bánh cuốn Hải Phòng thường được rắc thêm ruốc và ăn cùng thứ nước chấm cầu kỳ.

Gợi ý lịch trình ăn uống trong 12 giờ ở Hải Phòng

Nước chấm bánh cuốn được phục vụ nóng, làm từ mắm pha loãng với nước ninh xương, có màu nâu sẫm, vị mặn vừa phải, nhiều người còn húp trực tiếp. Chả quế và chả viên làm từ thịt nạc băm thường thả luôn vào bát nước chấm cho thơm và đậm đà. Khi ăn, thực khách cho thêm dấm ớt, quất và ăn kèm rau sống.

Mỗi đĩa bánh cuốn dao động từ 20.000 đồng. Địa chỉ gợi ý: quán Quyên (Cát Dài), quán bà Bẩy (Cát Cụt), phố Cầu Đất hoặc trong các chợ địa phương.

Bánh mì que

Bánh mì que hay bánh mì cay, phiên bản tí hon của bánh mì dài nước Pháp kết hợp với tương ớt của người Hoa đã trở thành một đặc sản mang thương hiệu Hải Phòng từ lâu. Món ăn thu hút thực khách bởi độ giòn của bánh mì nướng, vị ngọt thơm của patê và chất cay tê tê từ loại tương ớt đặc biệt.

Gợi ý lịch trình ăn uống trong 12 giờ ở Hải Phòng

Chiếc bánh mì bé bằng hai ngón tay, dài khoảng một gang tay, chỉ có nhân patê, dùng kèm chí chương (tương ớt) và không ăn kèm loại rau nào. Người bán quết một lớp patê thơm trải đều dọc lõi bánh, đem hơ nóng trong lò để chất đạm và mỡ từ pate chảy ngấm vào ruột bánh trước khi đến tay thực khách.
Khi ăn, bạn có thể chấm chiếc bánh hoặc rưới đều trong ruột bánh một chút chí chương, vốn là một loại tương ớt của người Hoa sống lâu năm ở Hải Phòng có vị cay nồng, chua nhẹ, thơm dịu.

Gợi ý lịch trình ăn uống trong 12 giờ ở Hải Phòng

Mỗi chiếc bánh có giá dao động từ 2.000 đến 5.000 đồng, thực khách thường mua từ một chục chiếc trở lên để ăn vặt và làm quà. Địa chỉ gợi ý: ngõ Khánh Lạp, Hàng Kênh, dọc phố Lê Lợi, Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai.

Cà phê bọt, trà cúc

Nội đô thành phố Hải Phòng có một quán cà phê 27 năm chỉ người dân địa phương mới biết. Cà phê bọt đặc trưng của quán, được pha phin qua các công đoạn thông thường, nhưng có một lớp bọt bông xốp nổi lên gần miệng cốc, khiến vị thơm và lạ miệng hơn.

Cửa hàng còn nguyên không gian xưa cũ từ những năm 1990, là địa chỉ quen thuộc của các ông, các bác, thích hợp cho du khách muốn trải nghiệm cuộc sống đậm chất địa phương. Quán nằm ở góc phố Trần Quang Khải giao với phố Tam Bạc, giá một cốc từ 15.000 đồng.

Gợi ý lịch trình ăn uống trong 12 giờ ở Hải Phòng

Ngoài ra, khi nhắc đến các món đồ uống ở Hải Phòng thì người địa phương sẽ giới thiệu cho du khách đến con phố chuyên bán trà cúc. Trà cúc ở đây có vị đắng dịu và thơm thoang thoảng, được pha bằng trà mạn ủ với hoa cúc khuy vàng, thêm quất, quế, cam thảo và ít đường.

Đây là một thức uống thải độc, giải nhiệt quen thuộc của người dân địa phương dù dùng nóng hay lạnh. Du khách có thể tìm đến phố Phan Bội Châu để thưởng thức cốc trà cúc được bán với giá 20.000 đồng.

CHIỀU - TỐI

Bánh bèo

Bánh bèo là một món ăn vặt đặc biệt nên thử ở Hải Phòng vì nghe tên tuy quen thuộc nhưng hình thức khác hẳn với bánh bèo miền Trung, miền Nam. Bánh bèo Hải Phòng to gấp 5 lần chiếc bánh bèo Huế, được gói trong lá chuối, thoạt nhìn giống nguyên liệu bánh giò. Bánh làm từ bột gạo, có nhân thịt, mộc nhĩ, khi chín có màu trắng đục chứ không trong như bánh bèo miền Trung.

Nước chấm bánh được chế từ nước xương hầm pha mắm, tỏi, đường, ớt băm, vắt thêm vị quất chua, ăn kèm rau sống băm nhỏ. Thực khách có thể gọi thêm vài viên thịt lợn băm cho đậm vị.

Gợi ý lịch trình ăn uống trong 12 giờ ở Hải Phòng

Giá bánh bèo dao động từ 10.000 đồng một cặp. Địa chỉ gợi ý: chợ Cát Bi, phố Chu Văn An, Lê Lợi, phố Lê Đại Hành.

Nộm bò khô, chim quay

Nộm bò khô và chim quay là món ăn vặt hoặc ăn nhậu khá phổ biến của nhiều độ tuổi ở phố cảng. Món nộm thịt bò vị chua, ngọt, ngậy được chế biến từ bò khô, đu đủ, cà rốt, rau thơm, nước giấm pha kèm thêm chút lạc, có nơi còn cho thêm bì sần sật hoặc bánh đa nướng giòn rụm.

Còn món chim (thường dùng chim cút) được tẩm ướp nhiều loại gia vị, khi quay lên có mùi thơm phức, màu nâu óng ả, giòn, ăn được cả xương. Thịt chim mềm, có nơi quay nướng hơi khô, nhưng gia vị ngấm đều từ da và xương. Cả nộm và chim quay đều dùng kèm thức nước chấm chua ngọt không thể thiếu vị cay tê tê.

Gợi ý lịch trình ăn uống trong 12 giờ ở Hải Phòng

Một đĩa nộm có giá khoảng 20.000 đồng, chim quay dao động từ 25.000 đồng được bán nhiều ở các khu chợ địa phương vào buổi chiều. Địa chỉ ngõ 228 Trần Nguyên Hãn có bán cả hai món, hoặc quán nộm bà Thành (Phạm Hồng Thái), chú Ánh (Lê Lợi), ngõ Đồng Tâm.

Bánh đa cua

Nói đến đặc sản Hải Phòng không ai có thể bỏ qua món bánh đa cua, nổi tiếng với hai loại: bánh đa cua bể và bánh đa cua đồng. Đặc trưng của món ăn là những sợi bánh đa đỏ dai mềm và vị ngọt thơm từ cua.

Gợi ý lịch trình ăn uống trong 12 giờ ở Hải Phòng

Bánh đa cua đồng có vị thanh mát và nhiều rau, trong khi bánh đa cua bể có phần béo hơn và thường ăn kèm càng cua, nem cua bể. Một tô đầy đặn ngoài bánh đa và gạch riêu cua còn có các nguyên liệu giàu dinh dưỡng như thịt cua xào, chả cua, chả cá, chả lá lốt, cá chiên, tôm, giò tai... Gia vị ăn kèm ngoài rau nhúng như rau cần, muống, rút, các loại rau sống, thì không thể thiếu mắm tôm, ớt chưng, giấm ớt để làm dậy mùi thơm và làm dịu mùi tanh hải sản.

Một tô bún có giá khoảng 30.000 - 50.000 đồng, được bán cả ngày. Địa chỉ gợi ý: Nồi Đất - Chùa Hàng, quán Bà Cụ, quán trên phố Lạch Tray, Phạm Ngũ Lão, Trần Phú, Minh Khai, Cầu Đất.

Dừa dầm

Đây là món ăn vặt ưa chuộng của học sinh Hải Phòng từ khá lâu, nhưng vài năm gần đây mới nổi trên các phương tiện truyền thông. Thức quà vặt mát lạnh dành cho những người hảo ngọt được làm từ dừa non bào sợi, nước cốt dừa, sữa tươi, sữa đặc và cho thêm hạt trân châu trắng.

Dừa dầm có cùi dừa ăn giòn sần sật, vị thơm bùi từ cốt dừa, vị béo từ sữa, kết hợp cùng những viên trân châu dai mềm, cho thêm đá lạnh tạo nên món tráng miệng gây thèm thuồng cho thực khách.

Giá mỗi cốc dừa dầm khoảng 15.000 đồng. Địa chỉ gợi ý: các khu ăn vặt trên phố Lạch Tray, Lê Lợi, Cát Bi, Quang Trung, Miếu Hai Xã.

Gợi ý lịch trình ăn uống trong 12 giờ ở Hải Phòng

Trên đây là gợi ý một số món ăn nên thưởng thức trong ngày ở thành phố Hải Phòng. Các món như bánh đa cua, bún cá cay, bánh mì cay, bánh cuốn đều được bán cả ngày, các món ăn vặt thường có vào xế chiều. Do đó, thực khách có thể sắp xếp lịch trình phù hợp để tránh bỏ sót những món ngon tại đây

Nguồn VNE