Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hạn chế rủi ro tín dụng chính sách xã hội 

Cập nhật ngày: 22/11/2019 - 14:14

BTN - Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát các nguồn vốn ngân sách địa phương, các chương trình tín dụng CSXH, tuân thủ nội quy, quy chế, quy định nghiệp vụ trong chỉ đạo, điều hành.

Giải ngân vốn tại phường IV, thành phố Tây Ninh

Ðến cuối tháng 9.2019, tổng nguồn vốn thực hiện của NHCSXH tỉnh đạt trên 2.346 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng hơn 154 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch năm. Trong đó, vốn huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân đạt trên 360 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 28 tỷ đồng. Nguồn vốn nhận uỷ thác đầu tư tại địa phương đạt 176,8 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng hơn 37 tỷ đồng.

Từ các nguồn vốn huy động trên đã tạo thêm nguồn lực để NHCSXH tỉnh triển khai các gói vay tín dụng tới những hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng số tiền 460,7 tỷ đồng, với 19.084 lượt khách hàng được vay vốn trong năm. Nhìn chung, các chương trình tín dụng cho vay đều triển khai đạt hiệu quả, trong đó tập trung vào các chương trình chủ yếu như: cho vay hộ nghèo 15,6 tỷ đồng với 426 khách hàng; cho vay hộ cận nghèo 12,7 tỷ đồng với 334 lượt khách hàng; cho vay hộ mới thoát nghèo 47,6 tỷ đồng với 1.700 khách hàng; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn 17,2 tỷ đồng với 430 khách hàng; cho vay nước sạch vệ sinh và môi trường nông thôn 211,3 tỷ đồng với 11.453 khách hàng; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 54,1 tỷ đồng với 2.150 khách hàng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 90,7 tỷ đồng, với 2.413 khách hàng; cho vay thương nhân vùng khó khăn 3,4 tỷ đồng với 76 khách hàng, cho vay nhà ở xã hội 6,7 tỷ đồng với 24 khách hàng…

Theo đánh giá của NHCSXH tỉnh, việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách từ đầu năm đến nay đạt kết quả khá tốt, giúp hàng ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh vẫn còn khá cao (toàn chi nhánh là 13.596 triệu đồng, chiếm 0,58%/tổng dư nợ, so với cùng kỳ năm 2018 tăng 32 triệu đồng).

Ðến cuối tháng 9.2019, có một số đơn vị phát sinh tăng nợ quá hạn như thành phố Tây Ninh 1,56%/tổng dư nợ; có 2 đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,2% gồm: Gò Dầu 0,07%, Tân Châu 0,08%… Nợ quá hạn tăng chủ yếu thuộc các trường hợp hộ vay không còn ở địa phương hoặc đi làm ăn xa, một số ít trường hợp là do hộ vay gặp khó khăn chưa trả được nợ.

Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức, trách nhiệm từ các hộ vay, đồng thời giúp cho hoạt động tín dụng của NHCSXH hạn chế được những rủi ro, thất thoát, công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ cũng được tích cực triển khai. Toàn tỉnh đã kiểm tra toàn diện các mặt hoạt động của 7/9 phòng giao dịch cấp huyện, 140 điểm giao dịch xã… Công tác kiểm tra, tuyên truyền việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đối với các hộ vay cũng thường xuyên được triển khai.

Ðể kịp thời giải ngân hết nguồn vốn đến đúng đối tượng, khắc phục tình trạng nợ quá hạn, trong những tháng cuối năm 2019, NHCSXH tỉnh tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng được giao năm 2019 và bảo đảm hoàn thành 100% kế hoạch; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với hội đoàn thể các cấp tổ chức giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn vay cho đối tượng thụ hưởng; thực hiện ưu tiên nâng mức cho vay đối với hộ vay vốn làm ăn có hiệu quả, có nhu cầu nâng mức vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh; tập trung thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, tạo nguồn cho vay quay vòng; tích cực huy động các nguồn vốn, tiền gửi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, trong đó quan tâm tới nguồn vốn nhận uỷ thác của địa phương, huy động tiền gửi tại điểm giao dịch xã và nhận tiền gửi của tổ tiết kiệm và vay vốn.

Vũ Nguyệt