BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hạn chế sử dụng đồ nhựa-Hành động ngay hôm nay 

Cập nhật ngày: 17/06/2019 - 00:19

BTN - Trong lúc chờ đợi thành công từ một nghiên cứu khoa học, mỗi người dân phải là một nhân tố trong công cuộc bài trừ, hạn chế tối đa rác thải nhựa ra môi trường. Bài học về ô nhiễm môi trường, về tác hại của sản phẩm nhựa, túi nylon nên được phổ biến rộng rãi và thường xuyên trong trường học và trong cộng đồng.

Nhiều khách hàng lựa chọn túi giấy, túi vải đựng hàng hoá trong chương trình “Ngày không túi nylon” tại siêu thị Co.opmart Tây Ninh.

Rác thải nhựa được xem là vấn nạn thứ hai của toàn cầu sau biến đổi khí hậu. Rác thải nhựa rất khó phân huỷ nhưng lại dễ sản xuất. Loại rác thải này có “tuổi thọ” cao hơn con người rất nhiều, thậm chí có thể mất vài trăm năm để phân huỷ một chai/túi nhựa.

Bên cạnh đó, việc vứt rác thải bừa bãi, khâu xử lý yếu kém gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Trước tình trạng đáng báo động đó, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã có ý thức hạn chế sử dụng đồ nhựa, kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Từ siêu thị…

Ngày 10.6 vừa qua, hệ thống siêu thị Co.opmart ở Tây Ninh cùng hơn 750 siêu thị Co.opmart trên cả nước đồng loạt triển khai chương trình “Ngày không túi nylon”. Theo đó, các siêu thị Co.opmart Tây Ninh không sử dụng túi nylon để gói hàng cho khách mà thay vào đó khuyến khích khách hàng sử dụng túi giấy, thùng giấy, túi môi trường, túi vải sử dụng nhiều lần thân thiện với môi trường.

Trước đó, hệ thống siêu thị này cũng thành công trong việc gói rau, củ, quả bằng lá chuối. Ngoài ra, từ tháng 4 đến nay, các siêu thị Co.opmart còn triển khai thực hiện Thùng nước uống miễn phí, khách hành dùng những ly giấy tiện dụng, thân thiện với môi trường thay cho những ly nhựa. Có thể nói, siêu thị Co.opmart là một trong những siêu thị tích cực thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sử dụng đồ nhựa trong cả nước.

Hiện nay, hệ thống siêu thị Co.opmart tại Tây Ninh cũng đã loại trừ sản phẩm ống hút nhựa trên kệ sản phẩm, thay vào đó là sản phẩm ống hút giấy. Bên cạnh đó, để khuyến khích khách hàng sử dụng túi giấy, túi vải tái sử dụng, siêu thị Co.opmart còn có chương trình mua hoá đơn trên 500.000 đồng được tặng một túi giấy môi trường. Bán đồng loạt túi giấy môi trường với giá rẻ, chỉ với 8.000 đồng/cái.

Chị Danh Thị Thanh Hiền (ngụ phường 2, TP. Tây Ninh)- một khách hàng của siêu thị Co.opmart cho biết: “Ban đầu, tôi có hơi bất ngờ khi nghe nhân viên thu ngân tư vấn, khuyến khích sử dụng túi giấy, thùng giấy đựng hàng. Nhưng sau khi nghe hết nội dung chương trình Ngày không túi nylon, tôi thấy chương trình thiết thực, có ý nghĩa, góp phần bảo vệ môi trường. Tôi đã mua túi giấy, túi vải bảo vệ môi trường để tái sử dụng”.

Ông Nguyễn Văn Bảo- Giám đốc siêu thị Co.opmart Tây Ninh cho biết, trong thời gian qua, nhằm lan toả ý thức bảo vệ môi trường đến người dân, doanh nghiệp và cộng đồng, siêu thị Co.opmart nói chung và siêu thị Co.opmart Tây Ninh nói riêng luôn hoạt động theo tiêu chí thân thiện với môi trường. Chương trình “Ngày không túi nylon” cũng là một trong những hoạt động này. Chương trình cũng là một thử nghiệm phản ứng của khách hàng, nếu nhận được phản hồi tốt, chương trình sẽ được áp dụng vào quy định mua sắm tại siêu thị.

…đến quán mang đi

Tại quán trà sữa Chamichi chi nhánh Tây Ninh (thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành), từ ngày 1 - 30.6, quán chạy chương trình giảm giá 15% cho khách hàng mang theo bình cá nhân hoặc túi xách vải. Chương trình nằm trong chuỗi seri “Hành động vì môi trường” của hệ thống Chamichi trên toàn quốc. Trước đó, vào tháng 5, hệ thống trà sữa này cũng đã thực hiện chương trình tặng chai thuỷ tinh và túi vải cho khách hàng có hoá đơn mua hàng từ 60.000 đồng.

Chương trình cũng là bước đệm để lan toả việc hạn chế sử dụng ly nhựa của khách Chamichi trong chương trình tháng 6. Chị Huỳnh Ngọc Minh Châu, chủ chi nhánh Chamichi Tây Ninh cho biết, chị chọn thương hiệu trà sữa Chamichi để nhượng quyền kinh doanh vì hệ thống trà sữa này thường xuyên có các chương trình chăm sóc khách hàng và hoạt động chung tay bảo vệ môi trường.

Bản thân chị Châu cũng nhận thấy việc sử dụng sản phẩm nhựa trong kinh doanh đã góp phần tạo rác thải nhựa cho môi trường. Tuy nhiên, trước khi tìm được sản phẩm thay thế cho ly, ống hút nhựa, chị Châu mong muốn mỗi khách hàng đến với Chamichi sẽ hiểu rõ được tác hại của rác thải nhựa, qua đó hạn chế sử dụng ly nhựa bằng cách dùng ly cá nhân, túi vải khi mua mang đi. Ngoài ra, chị Châu cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và nghiên cứu nhiều cách để tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng.

Hiện tại, chị Châu đang cùng với nhóm bạn nghiên cứu cách tái sử dụng sản phẩm pin thải. Tại quán trà sữa, Châu cũng đã bố trí một chiếc hộp để thu nhận pin cũ từ khách hàng. Tuy nhiên, để các bạn trẻ quan tâm nhiều hơn tới chương trình này, trong tháng 7, chị Châu sẽ tổ chức đổi pin đã sử dụng lấy quà, qua đó động viên bạn bè cùng thu gom pin thải.

Cũng mong muốn góp phần hạn chế sử dụng đồ nhựa, chị Đặng Thị Ngọc Lam (sinh năm 1991)- chủ cà phê Friends Coffee nằm trên đường Phạm Tung, phường 3 (TP. Tây Ninh) đã thực hiện chương trình “Chai nước mang đi” nhằm hạn chế ly nhựa sử dụng một lần. Theo đó, khách đến mua nước mang đi tại quán, nếu không mang theo ly đựng sẽ được chị Lam tư vấn dùng chai thuỷ tinh có nắp để đựng nước. Sau đó, khách có thể mang trả lại chai để quán vệ sinh. Ngoài ra, nếu cần, khách có thể mua hẳn chai nước thuỷ tinh để tiện cho việc sử dụng cá nhân với giá chỉ 10.000 đồng/chai.

Là người yêu thiên nhiên và môi trường, chị Lam nhận thấy hoạt động kinh doanh của mình sử dụng quá nhiều ống hút, ly nhựa, do đó chị đã hành động với mong muốn khách hàng cùng thấu hiểu và đồng lòng thực hiện. Vì vậy, trong thời gian qua, chị Lam đã thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt hằng ngày như đi chợ bằng túi vải, đựng thực phẩm bằng hộp nhựa có thể dùng lâu hơn, hạn chế sử dụng nylon...

Đồng thời, chị Lam cũng tìm tòi nhiều sản phẩm thay thế đồ nhựa tại quán cà phê của mình. Bắt đầu từ việc mua một số mẫu ống hút được sản xuất bằng các loại vật liệu khác nhau về dùng thử như: ống hút cỏ, ống tre, ống hút gạo, ống hút nhôm, thuỷ tinh, giấy… Sau một thời gian thử nghiệm, chị đã tìm ra được ba loại ống hút thân thiện với môi trường, giá thành khá phải chăng mà còn có thể tái sử dụng, đó chính là ống hút thuỷ tinh, ống hút nhôm và ống hút gạo. Đối với ống hút nhôm và thuỷ tinh, sau mỗi lần sử dụng, chị Lam vệ sinh cẩn thận bằng dụng cụ chuyên biệt và luộc lại bằng nước sôi.

Sau hơn một tháng triển khai, chương trình “Hạn chế sử dụng đồ nhựa” tại quán của chị Lam đã lan toả đến người thân, bạn bè và khách hàng quen. Chị Lam cho biết, không phải khách hàng nào cũng ủng hộ chương trình này do thói quen sử dụng đồ nhựa hằng ngày và một phần do cảm thấy bất tiện, không vệ sinh khi sử dụng chung ống hút thuỷ tinh, ống hút nhôm.

Tuy nhiên, chị vẫn kiên định nói không với sản phẩm ống hút nhựa. Còn chai thuỷ tinh mang đi, khá nhiều khách thấy bất tiện vì ở xa không đi trả được, chị đành phải dùng ly nhựa cho khách. Điểm tích cực chính là từ khi chị trao đổi với khách mua mang đi về việc sử dụng ly cá nhân/chai thuỷ tinh thay thế nhằm hạn chế rác thải nhựa, khá nhiều khách hàng hưởng ứng và tự chuẩn bị ly khi đến mua hàng, nhất là lượng khách học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng. Chị Lam cảm thấy vui vì góp phần truyền tải được thông điệp bảo vệ môi trường đến nhiều người hơn.

Cần hành động ngay

Như đã nói, việc hạn chế sản phẩm nhựa trong kinh doanh thực phẩm là rất khó. Hiện tại, các nhà khoa học trên thế giới cũng đang ngày đêm nghiên cứu, sáng tạo ra một chất liệu có thể thay thế sản phẩm nhựa hiện nay nhưng dễ phân huỷ hơn. Trong lúc chờ đợi thành công từ một nghiên cứu khoa học, mỗi người dân phải là một nhân tố trong công cuộc bài trừ, hạn chế tối đa rác thải nhựa ra môi trường. Bài học về ô nhiễm môi trường, về tác hại của sản phẩm nhựa, túi nylon nên được phổ biến rộng rãi và thường xuyên trong trường học và trong cộng đồng.

Chỉ cần 1 túi vải đi chợ, một ly giữ nhiệt và hộp cơm cá nhân, mỗi người có thể hạn chế được khá nhiều sản phẩm rác thải nhựa ra môi trường. Khi nhu cầu giảm, ắt hẳn việc cung ứng ra thị trường sẽ dần được kiểm soát. Ngoài ra, việc sử dụng các vật dụng cá nhân, có thể vệ sinh còn góp phần bảo đảm sức khoẻ cho người sử dụng, tránh được các chất độc hại trong sản phẩm nhựa kém chất lượng.

Theo chị Ngọc Lam, chủ cà phê Friends Coffee, để góp phần hạn chế rác thải nhựa, giới trẻ phải là lực lượng tiên phong trong chiến dịch bảo vệ trái đất này. Thay đổi thói quen sử dụng túi nhựa trong đóng gói sản phẩm mang đi là rất khó, đòi hỏi sự hợp tác của người bán và người mua. Điều cốt lõi trong nhiệm vụ này vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi người về tác hại của rác thải nhựa và cùng nhau hành động để bảo vệ môi trường sống cho chúng ta hôm nay và mai sau.

Ngọc Bích - Lê Thuỳ