BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần Thơ:

Hàng loạt người nguy kịch nghi uống 'thần dược' trị tiểu đường 

Cập nhật ngày: 04/03/2018 - 08:43

Nhiều người nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì được cho là uống “thần dược” trị tiểu đường.

Nguồn tin của VietNamNet cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành của quận Ô Môn (TP Cần Thơ) vừa kiểm tra nhà bà Lâm Kim Xuyến (72 tuổi, ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) phát hiện và tịch thu 114.000 viên thuốc đông dược thành phẩm không rõ nguồn gốc.

Tại thời điểm kiểm tra, bà Xuyến cho biết, thuốc này trị các bệnh tiểu đường, viêm thấp khớp, gút, đau bao tử, mát gan giải độc, viêm mũi. Đoàn kiểm tra lập biên bản, tịch thu tất cả số thuốc nói trên và mời bà Xuyến về làm việc. 

Lực lượng chức năng tịch thu 114.000 viên thuốc đông dược thành phẩm không rõ nguồn gốc tại nhà bà Xuyến. 

Theo tìm hiểu, gần đây, khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU) BV Đa khoa TP Cần Thơ liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân tiểu đường với tình trạng nguy kịch, tỷ lệ cứu sống khoảng 50%.

Nguyên nhân là do các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng quá nặng toan chuyển hóa pH: 6,7- 6,8 (bình thường pH 7,35 -7,45), các bác sĩ chưa kịp cấp cứu, bệnh nhân đã ngưng tim.

Khai thác bệnh sử các bệnh nhân đều có thời gian dài sử dụng một loại thuốc có tác dụng ổn định đường huyết được mua từ nhà bà Xuyến.

Các bệnh nhân sử dụng loại thuốc này một thời gian, khi đến BV xét nghiệm cho kết quả đường ổn, nên họ tiếp tục dùng.

Tuy nhiên, sử dụng lâu dài dẫn đến một số biến chứng như tình trạng toan chuyển hóa nặng, tuột huyết áp, nguy cơ tử vong cao.

Đối với các bệnh nhân đến viện sớm, còn có cơ hội lọc máu lọc thận để điều trị rối loạn kiềm toan, nhưng khả năng điều trị thành công cũng khó tiên lượng, chi phí rất tốn kém. Trường hợp nhập viện đã bị ngưng tim hẳn, bác sĩ không thể cứu được.

Bác sĩ CK 2, Lưu Ngọc Trân - Phó trưởng khoa phụ trách khoa Nội tiết BV Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, hiện nay có một số cơ sở tư nhân bán thuốc hạ đường huyết không rõ nguồn gốc, những viên thuốc này có màu xanh, đỏ hoặc xám thành phần là Phenformin hoặc thuốc cặp của Trung Quốc gồm có 2 chai, một chai là Phenformin, còn lại là Glibenclamide.

Phenformin là thuốc được dùng trong điều trị đái tháo đường tại Mỹ từ những năm 1950. Nhưng đến năm 1973, Phenformin bị cấm sản xuất và lưu hành do ghi nhận hàng loạt ca tử vong có liên quan đến nhiễm acid lactic sau khi dùng thuốc.

Tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới đã cấm lưu hành Phenformin, nhưng các cơ sở sản xuất thuốc đông y vẫn dùng thuốc này trộn vào các viên thuốc đông dược không gắn nhãn mác, thành phần, nơi sản xuất… và được người bán quảng bá như một loại thần dược trị khỏi bệnh đái tháo đường cũng như nhiều loại bệnh khác.

Vì vậy cần cảnh giác trước lời khoe khoang thuốc này hay thuốc kia chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường. Điều này hoàn toàn sai và không có cơ sở khoa học.

Vẫn lời bác sĩ Trân, khi bị đái tháo đường nên đến các bệnh viện có bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được tư vấn về chế độ ăn, tập thể dục, điều trị và phòng ngừa các biến chứng của bệnh.

Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ giúp cho việc điều trị đạt kết quả tốt, giảm các biến chứng, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình, xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nguồn Vietnamnet