Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lấy ý kiến về việc di dời lò mì từ Suối Đá về Phước Ninh:

Hầu hết người dân phản đối 

Cập nhật ngày: 10/06/2017 - 08:07

BTN - “Nếu năm bảy năm sau, lỡ nhà máy mì này gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến bệnh tật cho mọi người thì sao? Nếu cần thiết, tôi sẽ nghỉ trồng mì, chuyển sang trồng mía để phản đối dự án này”, ông Võ Văn Kiện-một nông dân trồng mì ngụ tại ấp Phước Hiệp bày tỏ quan điểm.

Người dân ấp Phước Tân đồng loạt đưa tay biểu quyết không đồng ý di dời lò mì về xã Phước Ninh.

Đầu năm 2017, Báo Tây Ninh có đăng loạt bài “Một dự án đáng lo ngại”, nội dung phản ánh sự âu lo của nhiều người dân địa phương về việc cơ sở sản xuất tinh bột khoai mì Thiên Đức- từng gây ô nhiễm môi trường, chuẩn bị di dời từ xã Suối Đá về xã Phước Ninh (đều thuộc huyện Dương Minh Châu).

Sau khi báo phát hành, Thanh tra Nhà nước huyện Dương Minh Châu đã vào cuộc, yêu cầu UBND các xã Phước Ninh, Chà Là- những địa bàn chịu sự tác động của dự án này- tổ chức họp tham vấn ý kiến người dân về việc di dời lò mì về xã Phước Ninh. Vừa qua, hai xã trên đã tổ chức 4 cuộc họp lấy ý kiến nhân dân, kết quả hầu hết người dân tham dự họp đều kịch liệt phản đối.

Ngày 5.6, tại văn phòng ấp Láng, ông Phạm Phi Hùng- Chủ tịch UBND xã Chà Là chủ trì cuộc họp lấy ý kiến người dân về việc nhà máy sản xuất tinh bột khoai mì Thiên Đức đặt đường ống dẫn nước xả nước thải xuống kênh TN0-2A. Có 48 người dân ấp Láng tham dự cuộc họp.

Kết quả, 100% người dân đều không đồng ý cho cơ sở sản xuất tinh bột khoai mì Thiên Đức xả nước thải xuống kênh TN0-2A. Cụ thể một số ý kiến như sau: ông Nguyễn Văn Bạc chỉ rõ kênh TN0-2A không hoàn toàn là kênh tiêu mà trên thực tế còn là kênh tưới.

Hằng năm, vào mùa khô trong kênh này chứa nhiều nước, người dân dùng máy bơm nước từ lòng kênh lên để tưới cho đồng ruộng. Nếu lò mì Thiên Đức xả nước thải xuống kênh, mặc dù về lý thuyết có thể là nguồn nước thải này đã qua xử lý, nhưng khi lấy nước lên tưới vẫn không khỏi ảnh hưởng đến sự phát triển của hoa màu. Ngoài ra, về lâu về dài, lượng nước thải này sẽ ngấm xuống lòng đất, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, gây khó khăn cho đời sống bà con.

Ông Trần Văn Lan bày tỏ sự lo lắng, đường ống dẫn nước xả nước thải của lò mì Thiên Đức lắp đặt ngang qua đất sản xuất và có đào một hố ga trong đất của ông. Sau khi nhà máy xả thải, nhiều khả năng, nước từ hố ga sẽ tràn vào ruộng của ông và tràn qua nhiều ruộng khác của bà con xung quanh, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. “Bản thân tôi không đồng ý việc lò mì Thiên Đức xây dựng đường ống dẫn nước xả nước thải ngang qua đất của tôi và xả nước thải xuống kênh TN0-2A”, ông Lan khẳng định.

Ở xã Phước Ninh- nơi dự kiến xây dựng lò mì Thiên Đức và phần lớn hệ thống xả thải của lò mì này lắp đặt trên địa bàn xã nên phải tổ chức đến ba cuộc họp ở ba địa điểm khác nhau để lấy ý kiến dân. Ngày 7.6, tại văn phòng ấp Phước Tân, ông Thi Khắc Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh chủ trì cuộc họp.

Có 30 người dân đến tham dự và có nhiều ý kiến phản đối. Ông Nguyễn Văn Tụng thẳng thắn nói, hiện nay, trên địa bàn xã đã có bốn lò mì đang hoạt động. Vì vậy, có xây dựng thêm lò mì Thiên Đức hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc thu mua củ mì của người dân. Dù chủ đầu tư có đưa ra bản vẽ sơ đồ xử lý nước thải, nhưng về lâu về dài, nước thải của lò mì vẫn sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, người dân ở đây đều nghèo nên ai cũng uống nước giếng chứ không có khả năng mua nước lọc về uống. Ngoài ra, lò mì còn gây ra nhiều tiếng ồn và gây ô nhiễm không khí. Ông Tụng dẫn chứng: “Bằng chứng là đi ngang một số lò mì trên bờ hồ Dầu Tiếng nghe hôi thối không chịu nổi”.

Buổi chiều ngày 8.6, tại văn phòng ấp Phước Hiệp, ông Lê Minh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh chủ trì cuộc họp với nội dung tương tự. Tại cuộc họp, ông Võ Văn Kiện, đại diện cho ba gia đình các con của ông, kể: từ trước đến nay, bản thân ông kiếm sống bằng nghề trồng mì và làm thương lái thu mua củ mì đem bán cho nhà máy.

Hiện nay, ba người con trai của vợ chồng ông cũng nối nghiệp cha, kiếm sống dựa vào cây mì. Nghe tin ở xã sắp xây dựng thêm một lò mì, ông và gia đình đều vui mừng, vì có thể chở mì đi bán gần hơn, giảm chi phí vận chuyển. Có nhiều lò mì hoạt động, có sự cạnh tranh giữa các lò nên không sợ bị chèn ép giá thu mua củ mì. Có nhà máy hoạt động, sẽ có thêm nhiều dịch vụ bán thức ăn, nước uống và người dân địa phương có thêm thu nhập.

Nhưng ngẫm nghĩ kỹ lại, ông nhận thấy xây dựng thêm một lò mì đồng nghĩa với rước thêm một mối lo gây ô nhiễm môi trường về xã, sự thiệt hại lớn hơn sự thuận lợi, vì vậy ông kiên quyết phản đối.

“Nếu năm bảy năm sau, lỡ nhà máy mì này gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến bệnh tật cho mọi người thì sao? Nếu cần thiết, tôi sẽ nghỉ trồng mì, chuyển sang trồng mía để phản đối dự án này”, ông Kiện nói rõ.

Buổi chiều tối cùng ngày, tại một nhà dân ở gần khu vực dự kiến xây dựng lò mì Thiên Đức, ông Lê Minh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cũng chủ trì cuộc họp lấy ý kiến bà con. Tại cuộc họp, bà Lê Thị Ngọc Nga băn khoăn, từ trước tới nay, bao giờ lò mì cũng gây ô nhiễm môi trường.

“Tôi e rằng sau này, lò mì Thiên Đức cũng vậy. Quan sát đường ống xả nước thải của lò mì Thiên Đức đã xây dựng, tôi thấy sử dụng loại ống nhựa chẳng chắc chắn gì, sau này đường ống bị bể, nước thải chảy ra môi trường thì sao? Khi nhà máy hoạt động sẽ sản sinh ra mùi hôi thối. Hằng ngày, mùi hôi này làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân thì làm sao chịu nổi? Tóm lại, tôi không đồng ý việc xây dựng lò mì Thiên Đức ở địa bàn này”, bà Ngọc cương quyết.

Người dân ấp Phước Hiệp kịch liệt phản đối xây dựng lò mì Thiên Đức ở xã Phước Ninh.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Bí thư Đảng uỷ xã Phước Ninh nói rõ: “Tôi không đồng ý cho di dời nhà máy sản xuất tinh bột khoai mì về xã Phước Ninh. Lý do là để bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Mặc dù ở xã mình bà con trồng mì rất nhiều, có thêm lò mì, bà con buôn bán dễ dàng. Nhưng, không vì vậy mà quên đi việc ảnh hưởng môi trường. Trước đây, tôi làm ở Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện nên hiểu rõ, đi kiểm tra doanh nghiệp rất nhiều mà xử lý doanh nghiệp rất khó. Vì vậy, tôi rất băn khoăn về dự án di dời lò mì về địa phương này”.  

Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có một vài người dân đồng ý cho nhà máy sản xuất tinh bột khoai mì Thiên Đức dời về xã Phước Ninh. Tuy nhiên, một vài người dân này nhầm tưởng rằng doanh nghiệp Thiên Đức đã được chính quyền cấp phép cho xây dựng nhà máy, vì thấy từ hơn một năm trước doanh nghiệp đã tiến hành lắp đặt đường ống xả nước thải. Một vài người khác thì tin tưởng vào trách nhiệm của doanh nghiệp. Bà con cho rằng nếu sau này, lỡ nhà máy có gây ô nhiễm môi trường thì khiếu nại, yêu cầu doanh nghiệp Thiên Đức bồi thường.

Trước đó, doanh nghiệp tư nhân Thiên Đức đã tiến hành lắp đặt đường ống dẫn nước xả nước thải xuống kênh TN0-2A và đã bị UBND xã Phước Ninh lập biên bản, buộc tạm dừng thi công công trình này. Biên bản kết luận: “Đề nghị phía doanh nghiệp không tiến hành thi công làm ảnh hưởng đến tuyến kênh, nếu ảnh hưởng đến kênh sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.

Đại Dương- Thái Hoà