BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hiểm họa khi chơi pháo nổ tự chế 

Cập nhật ngày: 18/01/2019 - 08:41

Trong quá trình chế tạo pháo, hóa chất dễ bùng lên gây cháy nổ làm bỏng nặng mặt, tay, cổ, ngực... người chơi.

Pháo nổ là sản phẩm chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ. Theo các chuyên gia, pháo được chế tạo khá dễ dàng, chỉ cần một clip hướng dẫn trên mạng và một số linh kiện mua bất cứ ở đâu là có thể làm ra một quả pháo tự chế.

Bác sĩ Ngô Tuấn Hưng, Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia, cho biết bệnh viện liên tiếp cấp cứu nhiều bệnh nhân bỏng do thuốc pháo. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bỏng do tự chế tạo thuốc pháo theo hướng dẫn trên mạng.

"Hiểm họa do chơi pháo tự chế đã được cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng đến nay tai nạn vẫn không giảm", bác sĩ nói.

Tự chế tạo pháo rất nguy hiểm bởi nguy cơ trọng thương do cháy nổ.

Bệnh nhân chủ yếu ở tuổi vị thành niên, bị bỏng do hóa chất bùng lên trong quá trình chế tạo. Trường hợp nặng nhất là thanh niên 17 tuổi (Hà Tĩnh) nhập Viện Bỏng Quốc gia ngày 8/1. Bệnh nhân đã trộn lưu huỳnh và KClO3 (một chất oxy hóa mạnh tác dụng được với nhiều phi kim và kim loại) theo hướng dẫn trên mạng, sau đó dùng lửa để thử sản phẩm. Không may thuốc nổ bùng lên gây bỏng 42% ở mặt, cổ, ngực và hai tay. Bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Các bác sĩ cảnh báo trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh, người đốt thường phải tiếp xúc rất gần nên khi phát nổ dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực.... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp.

Bỏng vùng mặt, cổ dễ để lại di chứng thẩm mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Bỏng ở hai tay và bàn tay sẽ bị sẹo co kéo.

Bác sĩ Hưng khuyến cáo, vết thương do tai nạn khi tự chế pháo nổ rất nguy hiểm bởi sức công phá lớn. Vì thế, gia đình, nhà trường cần giáo dục, phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.

Nguồn VNE