Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng:

Hiệu quả, thiết thực 

Cập nhật ngày: 01/04/2020 - 11:24

BTN - Có thể nói, việc thực hiện chi trả tiền DVMTR đã góp phần bảo đảm công bằng, tăng thu nhập cho người bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do nguồn thu hằng năm của tỉnh ít nên số tiền chi trả DVMTR cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng còn thấp nên chưa thực sự là nguồn thu nhập chính để người dân yên tâm gắn bó với rừng.

Thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2835, phê duyệt Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng được thành lập vào năm 2014 và chính thức đi vào hoạt động vào năm 2016. Đến nay, sau 4 năm triển khai thực hiện, chính sách này đã đạt được những kết quả tích cực.

Nhân viên bảo vệ rừng làm nhiệm vụ.

Toàn tỉnh hiện có 6 đơn vị cung ứng, 14 đơn vị sử dụng DVMTR, trong đó có 3 đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, 9 đơn vị sản xuất và cung ứng nước sạch, 2 cơ sở thuỷ điện. Hằng năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tổ chức rà soát, cập nhật các đối tượng có sử dụng dịch vụ phải chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh theo quy định để lập danh sách bổ sung vào kế hoạch thu và thực hiện chi trả cho các đơn vị cung ứng và xây dựng kế hoạch thu, chi tiền chi trả DVMTR trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện. 

Năm 2019, diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh là 52.436 ha, chiếm 76,36% diện tích rừng của toàn tỉnh. Tổng số hộ/nhóm hộ hợp đồng được nhận tiền chi trả là 4.580 hộ/nhóm hộ, trong đó có 617 hộ/nhóm hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 13,4%. Tổng thu tiền DVMTR gần 14 tỷ đồng. Chi tiền cho các đơn vị chủ rừng trong năm 2019 gần 9,2 tỷ đồng.

Thông qua chính sách chi trả DVMTR, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân được nâng lên so với trước đây. Rừng được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn, chất lượng rừng trồng được cải thiện. Tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng được kéo giảm cả về số vụ và mức độ vi phạm. Diện tích rừng có cung ứng DVMTR được bảo vệ tốt, tăng về số lượng và chất lượng. Đây là sự đóng góp tích cực của chính sách đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.

Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 7533/BNN-TCLN ngày 9.10.2019, thực hiện nghiêm việc chi trả qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, việc chi trả cho chủ rừng, hộ hợp đồng nhận khoán còn chi trả trực tiếp bằng tiền mặt. Do mức chi trả đối với 1 ha rừng của tỉnh còn thấp, mỗi hộ hợp đồng chỉ nhận khoán bình quân từ 3-5 ha số tiền nhận được không nhiều, điều kiện đi lại khó khăn nên chưa thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng.

Theo Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, chi trả DVMTR được coi là một cơ hội tăng thu nhập cho người dân và tăng lựa chọn cho sinh kế bền vững bên ngoài giá trị lâm sản hàng hoá của rừng. Ngoài ra, việc chi trả DVMTR đóng góp vào tăng trưởng và phát triển của kinh tế của địa phương qua tác dụng nhiều mặt của rừng như: bảo đảm nguồn nước, lưu giữ các-bon, giảm khí thải nhà kính, tạo vẻ đẹp cảnh quan, bảo vệ đất và giảm thiểu tác hại của thiên tai như hạn hán và lũ lụt.

Anh Trần Hoài Ân, nhóm hộ trưởng Trạm Bảo vệ rừng tiểu khu 34-40, 33-39 cho biết, hiện tại, nhóm của anh gồm 9 người, nhận khoán hơn 2.100 ha rừng tự nhiên để chăm sóc và bảo vệ. “Công việc bảo vệ rừng có khó khăn, vất vả nhưng mọi người đều cố gắng và có ý thức, trách nhiệm với công việc mình làm.

Đều đặn mỗi ngày, mọi người thay phiên nhau đi kiểm tra khu vực rừng nhận khoán, kịp thời phát hiện những đối tượng vi phạm để báo ngay cho lực lượng chức năng. Được hưởng chính sách chi trả DVMTR, đời sống của các thành viên trong nhóm được cải thiện hơn, thu nhập nâng lên từ 3,2 triệu đồng/tháng lên hơn 4 triệu đồng/tháng” - anh Ân cho biết thêm.

Còn ông Liêu Hữu Thọ, ngụ ở xã Tân Hoà (huyện Tân Châu), là nhóm hộ viên của Trạm Bảo vệ rừng tiểu khu 34-40, 33-39 chia sẻ, dù đã ngoài 50 tuổi nhưng ông vẫn gắn bó với nghề, chung sức cùng mọi người làm công tác bảo vệ rừng.

Chính sách chi trả DVMTR góp phần mang lại những tác động tích cực.

Ông Vũ Anh Đức - Phó trưởng Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, đến nay, đơn vị đã giao khoán, khoanh nuôi, bảo vệ 23.185 ha rừng. Trong đó, có 1.970 hộ hợp đồng rừng trồng; 50 hộ nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Bình quân mỗi năm đơn vị chi trả khoảng 3,7 tỷ đồng tiền DVMTR cho các đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng.

Chính sách chi trả DVMTR đã giúp các đơn vị có nguồn thu để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, số vụ vi phạm về rừng và cháy rừng trên địa bàn giảm đáng kể. Đời sống của người dân được hưởng lợi từ rừng cũng được ổn định hơn. Tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép đã giảm hẳn. Những cánh rừng tự nhiên và rừng trồng luôn được bảo vệ và phát triển tốt.

Ông Phan Trung Tiên, ngụ ấp 2, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, là một trong những hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng. Ông cho biết, hộ của ông nhận khoán bảo vệ rừng từ năm 1993 đến nay, với diện tích gần 60 ha ở tiểu khu 41. Trước đây, khi không có chi trả DVMTR, hằng năm ông được nhận được 600.000 đồng tiền chăm sóc, chống cháy và 200.000 đồng tiền bảo vệ. Những năm sau này có thêm tiền DVMTR, hiện nay là 225.000 đồng/ha, giúp ông có thêm thu nhập và dùng số tiền này để đầu tư chăm sóc, bảo vệ rừng tốt hơn.

Điều kiện để được chi trả tiền DVMTR là rừng phải đạt được nghiệm thu. Vừa rồi ông có vài ha không đạt. Một số diện tích không đạt này do thời điểm ông trồng vào mùa nắng nên cây bị chết, năm sau ông sẽ tiếp tục trồng giặm lại.

Có thể nói, việc thực hiện chi trả tiền DVMTR đã góp phần bảo đảm công bằng, tăng thu nhập cho người bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do nguồn thu hằng năm của tỉnh ít nên số tiền chi trả DVMTR cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng còn thấp nên chưa thực sự là nguồn thu nhập chính để người dân yên tâm gắn bó với rừng. 

Theo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, việc thực hiện chi trả DVMTR hằng năm của các đơn vị chủ rừng thường không đạt 100% kế hoạch, do một số diện tích rừng bảo vệ không đạt yêu cầu, để rừng bị tác động chặt phá, trộm cắp, không được nghiệm thu thanh toán.

Theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR, từ năm 2011, tất cả các cơ sở sản xuất điện, cung cấp nước sạch và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có sử dụng DVMTR đều phải trả phí với mức nộp 20 đồng/kW điện thương phẩm, 40 đồng/m3 nước thương phẩm và 1-2% doanh thu từ du lịch sinh thái sử dụng DVMTR.

Việc thực hiện đề án chi trả DVMTR nhằm áp dụng vào thực tế những nội dung của Nghị định 99/2010/NĐ-CP để nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân sử dụng DVMTR đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng. Trên cơ sở đó, huy động các nguồn lực của xã hội bảo vệ và phát triển rừng, tạo điều kiện để ngành lâm nghiệp hoạt động đúng quy luật của nền kinh tế sản xuất hàng hoá.

Trong năm 2019, thu tiền DVMTR còn thấp do các đơn vị sử dụng DVMTR nước sạch từ hồ Dầu Tiếng nộp uỷ thác qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam thay đổi cơ chế thu nộp, nên tiền DVMTR điều phối về cho Quỹ tỉnh chỉ đạt 31,6% so với thông báo số tiền DVMTR, ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch chi trả tiền DVMTR năm 2019 của Quỹ tỉnh.

Theo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, từ năm 2020 trở đi, thực hiện theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, việc thu tiền DVMTR từ kinh doanh dịch vụ, du lịch sinh thái giải trí trên khu rừng thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen do Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trực tiếp thu và chỉ đạo quy định, không thu uỷ thác qua Quỹ tỉnh. Do đó, nguồn thu DVMTR của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh sẽ giảm khá mạnh, khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Vì vậy, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh phối hợp đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát bổ sung đối tượng thu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước vào đề án chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Quỹ có văn bản đề nghị Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam tiếp tục điều phối tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2019 cho Quỹ tỉnh - khoảng 2,6 tỷ đồng và chuyển kịp thời theo tiến độ số tiền DVMTR cho các chủ rừng theo kế hoạch năm 2020.

NHI TRẦN - TRÚC LY