BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hiu hắt chợ đêm 

Cập nhật ngày: 03/07/2017 - 05:49

BTN - Sau những tháng đầu giáp tết tưng bừng náo nhiệt, chợ đêm thành phố Tây Ninh ngày càng ế ẩm. Đến nay chỉ còn lèo tèo vài hộ kinh doanh buôn bán. Làm thế nào để duy trì địa điểm mua sắm, ăn uống, được tạo ra với ý định ban đầu rất tốt đẹp là mở một nơi thư giãn cho cư dân đô thị về đêm, đang là vấn đề đau đầu của đơn vị đầu tư.

Nhiều quầy hàng lưu động dựng sẵn để quảng cáo chợ đêm.

Không khác chợ… ban ngày

Nếu ai chưa từng đến mua sắm, ăn uống tại chợ đêm Thành phố, thì ngày nay đến khu vực tượng đài gần cầu Quan, bên bờ rạch Tây Ninh, hoặc dọc theo đường Yết Kiêu sẽ dễ ngộ nhận nơi đây là một khu chợ bình thường, họp chợ ban ngày như bất cứ khu chợ nào khác.

Vì, hiện tại, ở khu vực này, những quầy bán hàng được bài trí san sát nhau trông có vẻ như đang chuẩn bị nhóm chợ. Nhiều nhất là bên bờ hữu rạch Tây Ninh, phía hạ lưu cầu Quan, có gần 50 quầy bán hàng để liền kề với nhau dọc theo lề đường, chiếm hết phần đường dành cho người đi bộ.

Có một vài nơi, những quầy hàng tràn lấn một phần lòng đường Yết Kiêu, khiến cho không gian dành cho phương tiện giao thông bị hẹp lại. Cũng may, dọc đường Yết Kiêu dân cư thưa thớt, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên đường này không cao, nếu không những quầy bán hàng sẽ gây cản trở giao thông không ít.

Tương tự như thế, trên đường Nguyễn Đình Chiểu, có nhiều quầy bán hàng bày ra dọc hai bên lề đường suốt ngày đêm và kéo dài liên tục từ ngày này qua ngày khác. Có nhiều quầy để ngay trên lối đi bộ của công viên, phía sau tượng đài, làm chiếm mất không gian dành cho những người đến đây vui chơi, tập luyện thể dục thể thao.

Một số quầy hàng khác, một phần nằm trên lề đường, một phần nằm trên lòng đường Nguyễn Đình Chiểu, làm cản trở ít nhiều đến việc lưu thông.

Ban ngày, hầu hết những quầy bán hàng này bỏ trống, chỉ có một vài quầy hàng ở khu vực gầm cầu Trần Quốc Toản (cầu Mới) bày bán bánh canh, nước giải khát. Vì thế, ở khu vực này, trông giống như có chợ ngày đang hoạt động. Và về đêm thì…

Ế ẩm chợ đêm

Thời gian gần đây, chúng tôi nhiều lần thử đến chợ đêm thành phố Tây Ninh để quan sát xem khu chợ này hoạt động ra sao.

Thực tế cho thấy, ngày thường cũng như ngày cuối tuần, đêm có mưa cũng như buổi tối đẹp trời, khu chợ này đều khá vắng vẻ. Ở khu vực bán thức ăn, nước uống, như xung quanh tượng đài, khu vực gần cầu Trần Quốc Toản chỉ có một số hộ kinh doanh lâu năm vẫn buôn bán được.

Ban đêm, nhiều thực khách vẫn tìm đến những hàng quán này để thưởng thức một tô hủ tiếu, bánh canh, một dĩa mì xào giòn nóng hổi, hay ngồi nhâm nhi, bù khú với bạn bè với những món khô nướng, ốc luộc bình dân. Ngoài ra, còn hàng chục quầy hàng khác hoàn toàn bỏ trống, không thấy ai kinh doanh, cũng chẳng thấy người nào đến… tham quan. 

Ở khu vực bán quần áo, hàng lưu niệm từng một thời đông ken kẻ bán người mua, người đi chợ chen chân không lọt, đến nay chỉ còn đúng… hai quầy hoạt động. Một quầy bán quần áo và một quầy bán hàng lưu niệm.

Tối 1.7.2017, nhằm ngày cuối tuần, thời điểm lẽ ra phải có nhiều người đến chợ đêm tham quan, mua sắm, nhưng khi chúng tôi đến đây ghi nhận thực tế, chẳng thấy bóng dáng một khách hàng nào.

Chủ quầy hàng đồ lưu niệm bỏ mặc nơi buôn bán của mình qua quầy hàng quần áo ngồi chơi. Bên quầy hàng quần áo cũng chẳng có ai vào mua, rảnh tay, chủ hộ kinh doanh ngồi xếp đi xếp lại mớ quần áo cho ngay ngắn. Chị chủ quầy quần áo kể, chị là tiểu thương có mặt ở chợ đêm từ ngày đầu thành lập và là một trong hai người còn… bám trụ cho tới nay. Chị chỉ cho chúng tôi xem, trong quầy của chị trưng bày đủ loại quần áo từ các mặt hàng có giá cả bình dân đến những loại bậc trung và cao cấp. Trong đó, có nhiều sản phẩm may mặc xuất khẩu, thuộc loại có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước.

“Thời gian đầu mới thành lập chợ, tụi tôi bán hàng không kịp. Mấy tháng gần đây ngày càng ít khách. Hổm rày, hầu như tối nào cũng mưa nên tình hình buôn bán càng ế ẩm hơn”.

Ở khu vui chơi thiếu nhi tại chợ đêm có nhiều trò chơi như xe ngựa quay, xe điện đụng, giá dịch vụ vui chơi cũng phù hợp với túi tiền của các em nhỏ, nhưng cũng không có nhiều khách hàng nhỏ tuổi đến đây.

Những ngày đẹp trời còn đỡ, mỗi đêm có vài chục em đến cưỡi ngựa, lái xe điện đụng, những tối lắc rắc mưa rơi hay mây đen vần vũ, kể như các trò chơi phải đậy bạt, tắt đèn.

Khu phố ăn uống ngày cuối tuần vẫn ế khách.

Tìm hướng phát triển cho chợ đêm

Trước tình hình chợ đêm hiu hắt, Công ty TNHH Minh Hưng- đơn vị tổ chức chợ đêm và Ban quản lý chợ đã áp dụng nhiều biện pháp để duy trì hoạt động. Cụ thể như ở khu mua sắm, giá các khoản phí được hạ từ 40.000 đồng/đêm xuống còn 25.000 đồng/đêm, giảm 50% số nhân viên của Ban quản lý, nhân viên giữ xe, bảo vệ để giảm chi phí.

Bên cạnh đó, thực hiện dự án di dời toàn bộ khu mua sắm trên đường Nguyễn Đình Chiểu sang đường Yết Kiêu, dự kiến tổ chức văn nghệ vào những ngày cuối tuần để thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm v.v…

Sau gần nửa tháng thực hiện việc di dời toàn bộ khu mua sắm, tình hình buôn bán ở đây cũng không sáng sủa hơn, thậm chí còn phản tác dụng. Dời về chỗ mới quá vắng, một số tiểu thương bán buôn không được nên xin nghỉ, ra đầu đường Yết Kiêu thuê mặt bằng khác bày bán.

Ban Quản lý chợ lại cho di dời khu mua sắm trên đường Yết Kiêu trở lại công viên trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Và kết quả là hiện nay, chỉ còn có hai tiểu thương cầm cự như đã nêu trên.

Về việc dự kiến tổ chức văn nghệ vào những ngày cuối tuần để kích thích người dân đến chợ, ông Nguyễn Văn Dét- Trưởng Ban Quản lý chợ đêm cho biết: “Đây cũng là một trong những kế hoạch để phát triển chợ đêm, nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Vừa qua, có một quầy bán cà phê ở khu ăn uống tự bỏ tiền túi ra tổ chức chương trình ca nhạc để thu hút khách, nhưng chẳng có mấy người đến xem. Với tình hình như thế này mà thuê ca sĩ tên tuổi ở TP Hồ Chí Minh về đây hát vào những ngày cuối tuần thì chắc bị lỗ nặng. Vì vậy, dự kiến này vẫn chỉ là dự kiến chứ chưa dám thực hiện”.

Ông Dét cho biết thêm, việc Ban Quản lý cho để những quầy bán hàng suốt ngày đêm trên lề đường như thế cũng nhằm thu hút khách hàng, để người dân còn biết nơi đây có chợ đêm mà đến tham quan, mua sắm.

Chợ đêm TP Tây Ninh chiếm vỉa hè, lòng, lề đường Yết Kiêu.

Nỗ lực gần đây nhất là Ban Quản lý chợ đêm đi tìm kiếm một đơn vị chuyên tổ chức hội chợ về kết hợp hoạt động. Dự kiến sẽ cho đơn vị tổ chức hội chợ này thuê mặt bằng ở khu vực từ chân cầu Trần Quốc Toản dài xuống hạ lưu rạch Tây Ninh để bài trí những gian hàng trò chơi, sân khấu ca nhạc hoạt động hằng đêm.

Nhưng sau khi xem xét kỹ mặt bằng và khảo sát thực tế số lượng khách đến chợ hằng đêm, đơn vị chuyên tổ chức hội chợ này lắc đầu từ chối vì “mặt bằng, lượng khách ở đây đều quá hẻo”.

Chợ đêm đã được UBND TP Tây Ninh quy hoạch và cấp phép hoạt động. Trong chợ đã bố trí những khu vực, quầy hàng buôn bán sẵn sàng phục vụ người mua sắm.

Trong khi đó, hiện nay nhiều nơi trên địa bàn TP Tây Ninh có nhiều người buôn bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, công viên gây mất an ninh trật tự, mất mỹ quan đô thị.

Nếu chính quyền địa phương và các ngành chức năng ra tay xử lý những người bán hàng rong này, buộc họ vào chợ đêm buôn bán thì hợp lý hơn. Vì vừa dẹp được nạn buôn bán hàng rong lấn chiếm nơi công cộng, vừa vực dậy, phát triển chợ đêm.

Thảo Nguyên