BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hồ sơ địa chí Phước Lưu 

Cập nhật ngày: 27/03/2019 - 13:13

BTN - Ban quản lý đình Phước Lưu cho rằng: “Làng Phước Lưu do ông Cao Hữu Bằng (tức Cao Hữu Dụ) thành lập năm 1845. Ðể ghi nhớ công đức người lập làng, vào năm 1870, người dân ở đây chung tay góp sức xây dựng ngôi đình…” (bài báo đã dẫn).

Đình Phước Lưu

Báo Tây Ninh từng đăng bài viết “Ðề nghị xếp hạng di tích đình Phước Lưu” (số ngày 20.8.2018) của tác giả TL. Bài báo có đoạn: “Phòng Văn hoá và Thông tin huyện đã liên hệ với Nhà nghiên cứu Nguyễn Ðắc Xuân giúp đỡ…, đã nhận được tư liệu quý do ông gửi tặng…”.

Ðấy là bản: “Tiểu sử của vị Thần đình Phước Lưu, cả bằng chữ Hán và bản dịch chữ quốc ngữ do ông Nguyễn Ðắc Xuân chép từ bản gốc của triều Nguyễn”. Tác giả bài báo cũng đã ghi chép tóm lược bản tiểu sử này cho bạn đọc biết.

Thực ra, các tư liệu trên ngay ở Thư viện tỉnh Tây Ninh cũng có. Do ở xa, không tiếp cận được nên Phòng VHTT huyện phải nhờ một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về triều Nguyễn và Huế xưa cũng là một việc nên làm. Dù vậy cũng nên nhắc lại rằng, Báo Tây Ninh đã từng đăng bài báo về Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực.

Ông là người có công lập ra 26 thôn mới ở Tây Ninh trong các năm 1844-1845. Ông đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình dưới các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức. Năm 1853, ông được thăng làm Tổng đốc An Hà (An Giang và Hà Tiên). Có một chi tiết hay từ bài báo của TL, đấy là ngay từ thời triều Nguyễn, cũng đã có những cuộc khảo sát và đánh giá quan chức.

Theo đó: “Ông Nguyễn Tri Phương làm Kinh lược sứ Nam Kỳ, khảo sát quan chức và xếp ông Cao Hữu Bằng vào loại được dân tin phục, đứng đầu hàng đại quan viên ở 6 tỉnh” (tức Nam Kỳ lục tỉnh). Ai cần tìm hiểu kỹ hơn về vị quan này, xin ra phòng đọc tư liệu Thư viện tỉnh, nhờ cô thủ thư tìm bộ sách Ðại Nam liệt truyện. Trong tập truyện viết về các quan sẽ có cái tên Cao Hữu Dực. Vì sao sau này cái tên ấy không được nhắc tới nữa. Ðấy là vì, sách có đoạn: “Nguyên tên là Dực, tên tự Hy Bằng, về sau kiêng quốc huý nên lấy tên tự để gọi”.

Những thông tin mới và quý giá trong bài báo của TL cũng khiến chúng tôi lật giở từng trang trong hồ sơ đã tập hợp được về thôn, mà nay là xã Phước Lưu, thuộc 3 xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng. Ba xã ấy là Phước Chỉ, Phước Lưu và Bình Thạnh nằm bên phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Ðông. Hồ sơ này cũng từng được công bố qua các bài Ðình Phước Lưu và Phước Lưu miền đất gò- bàu (chuyên mục sắc màu văn hoá Tây Ninh, Báo Tây Ninh).

Ban quản lý đình Phước Lưu cho rằng: “Làng Phước Lưu do ông Cao Hữu Bằng (tức Cao Hữu Dụ) thành lập năm 1845. Ðể ghi nhớ công đức người lập làng, vào năm 1870, người dân ở đây chung tay góp sức xây dựng ngôi đình…” (bài báo đã dẫn).

Tình tiết này, cần cân nhắc trước khi quả quyết để ghi trong lý lịch di tích. Là bởi, các tư liệu thành văn, mà đáng tin nhất là ở sách Từ điển Ðịa danh hành chính Nam bộ - Nguyễn Ðình Tư, NXB Chính trị Quốc gia năm 2008; sau nữa là sách Trảng Bàng phương chí của Dương Công Ðức (NXB Tri thức, 2016) đều cho thấy thôn Phước Lưu có lịch sử lâu đời hơn.

Trảng Bàng phương chí có hẳn một bài riêng về xã Phước Lưu (trang 163). Theo đó thì thôn Phước Lưu được thành lập năm 1836, năm thành lập phủ Tây Ninh…Khi đó thôn Phước Lưu thuộc tổng Mỹ Ninh, huyện Quang Hoá. Còn sách Từ điển địa danh hành chính Nam bộ, tại trang 875 mục từ Phước Lưu cho biết đấy là: “Thôn thuộc tổng Mỹ Ninh, h. Quang Hoá, p. Tây Ninh, t. Gia Ðịnh từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838)…Ðến 5.1.1876 mới gọi là làng thuộc hạt tham biện Tây Ninh…”.

Tại mục từ Mỹ Ninh (trang 692, sđd) có kể đến các thôn do Cao Hữu Dực mới lập vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845). Trong 11 tên thôn được nêu không có tên Phước Lưu, và: “đến đầu Pháp thuộc đổi thuộc huyện Tân Ninh, hạt thanh tra Tây Ninh, giải thể phần lớn các xã thôn ở vùng rừng núi, không kiểm soát được…Ðến năm 1871 lại thuộc hạt thanh tra Tây Ninh, còn lại 4 thôn: An Thạnh, Lợi Thuận, Phước Lưu, Thanh Phước”.

Không có tên trong các thôn mới lập; sau khi giải thể vẫn còn là một trong 4 thôn thuộc tổng Mỹ Ninh, rõ ràng Phước Lưu đã được thành lập từ trước năm 1845. Hoặc là 1836, hoặc 1838. Chênh không nhiều chỉ 2 năm, nhưng các tư liệu thành văn đã chỉ ra có khác với trí nhớ của các cụ trong Ban Hội đình.

Tuy vậy, phần còn lại của thông tin trích trong bài báo đã dẫn lại rất đáng tin. Ðấy là: “Ðình thờ thần Cao Hữu Bằng (Cao Hữu Dụ)”. Chính là nhờ ký ức được lưu truyền ấy; thậm chí tên của thần cũng đã bị nhớ khác đi: Dực trở thành Dụ, cũng làm cho chúng ta có thể tin chắc rằng đình đã từng thờ Cao Hữu Dực (tự Hy Bằng).

Nguyên nhân thờ làm thành hoàng cũng có thể khác. Có thể do vua phong sắc sau khi ông mất; mà cũng có thể do người dân nhớ công ơn mà suy tôn. Công ơn ấy không phải là do ông trực tiếp lập thôn Phước Lưu, mà do ông đã lập mới ở Tây Ninh tới 26 thôn xã, trong đó ở tổng Mỹ Ninh là 11 thôn. Một người có công tích lớn như vậy, không lẽ không có nơi nào thờ phụng? Dù vậy, cũng nên phân biệt rõ ràng 2 vấn đề chính trong một câu chuyện.

Ðấy là nhà nghiên cứu Nguyễn Ðắc Xuân gửi tặng bản tiểu sử ông Cao Hữu Dực chứ không phải là “Tiểu sử vị thần đình Phước Lưu” như bài báo viết. Ngay cả bản tiểu sử ấy cũng không có chi tiết nào nói về việc ông được triều đình ban sắc phong thần. Vấn đề Cao Hữu Dực có phải là thành hoàng hay không, là chuyện của thôn Phước Lưu trong quá khứ, cần được xác minh làm rõ.

Cũng theo các cụ Ban Hội đình Phước Lưu, đình làng được lập năm 1870. Nếu có cơ sở xác định được, đấy cũng là năm xây dựng ngôi đình cũ đã không còn hình ảnh nào được lưu giữ. Bởi đình đã có tới 3 lần chuyển chỗ. Thoạt đầu là ở bàu Ông, sau về gò Tháp. Ðến thập niên 50, 60 của thế kỷ trước lại chuyển về phần đất do bà cố của ông Lê Văn Huynh hiến tặng cho làng. Cả ba địa điểm này đến nay đều thuộc ấp Phước Tân.

Ðến năm 1970, đình Phước Lưu mới được xây gạch, lợp ngói như hiện nay ta thấy. Do vậy, con số đắp vữa xi măng ở gian hậu đình, đúng ra là 1970, nay đã đục số 9 đi thay bằng số 8, e rằng không hợp lý. Ngày 17.2 âl (22.3.2019) vừa qua, đình Phước Lưu lại rộn ràng lễ hội Kỳ yên. Người về dự kể rằng hội đình năm nay đông vui hơn nhiều năm trước. Ðấy là do bà con đang hồ hởi, hy vọng đình làng sẽ trở thành di tích lịch sử của tỉnh nhà.

Giữa thiên nhiên trống trải bao la, đình Phước Lưu đến nay cũng đã có gần 50 năm trải nắng mưa, thiếu vắng bàn tay chăm sóc. Vì thế, mái ngói cũ đã già nua, thấm dột. Nền hậu đình cỏ mọc chen vào nền lát vữa xi măng. Cái mỏ xưa đã nham nhở vết mối ăn, còn cái chiêng đồng đã thủng. Ðình Phước Lưu hiện rất cần hỗ trợ để tiếp tục tồn tại và phát triển; để người dân Phước Lưu có điều kiện thờ phụng người có công mở đất lập làng.

TRẦN VŨ