BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc tế Phụ nữ 8.3:

“Hoa hồng hay bánh mì” ? 

Cập nhật ngày: 08/03/2019 - 06:22

BTN - Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, thứ tình cảm tốt đẹp và tinh khiết nhất của con người. Mong rằng, nếu bạn có hai cái bánh mì, hãy bán đi một để mua hoa hồng tặng người bạn yêu thương, để họ biết rằng bạn yêu thương họ, tôn trọng họ, để hương hoa ngày càng lan toả nhiều hơn và tình yêu cứ thế thăng hoa, không chỉ riêng ngày 8.3.

Phóng viên Báo Tây Ninh tặng hoa cho những người làm công quả tại Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Ảnh: N.D

Vài năm nay, mỗi năm 2 lần, vào dịp 8.3 và 20.10, các bạn trẻ Chi đoàn Báo Tây Ninh lại góp tiền mua hoa hồng tặng cho các mẹ, các chị công nhân vệ sinh, mua gánh bán bưng trên đường phố, trong các chợ nhỏ… Không nhiều, chỉ một cành hoa hồng thắm, vậy mà khiến các mẹ, các chị ngỡ ngàng, xúc động.

Có bác xe ôm lặng ngắm các bạn trẻ tặng hoa một hồi rồi thủ thỉ xin xỏ: “Cho tui một cành được hôn, mang về tặng bả cho bả biết có 8.3” (!?!?) Họ- những người nghèo tủm tỉm cười, nâng niu ngắm nghía và cài cẩn thận đoá hoa hồng trên đầu xe đạp, trên thúng hàng, rồi lại tiếp tục cuộc mưu sinh. Có thể đoá hoa hồng chỉ khiến các chị các mẹ vui trong vài phút, và sẽ quên lãng đi sau những tất bật cơm áo gạo tiền, nhưng hoa hồng bé nhỏ đã khơi lại một cảm xúc rất đẹp và rất cần cho cuộc sống, đó là giá trị tinh thần.

Ngược dòng thời gian, 109 năm trước, hàng ngàn phụ nữ đã diễu hành trên các đường phố nước Mỹ biểu tình đòi giảm giờ làm, tăng lương và phản đối việc nhận trẻ con vào làm việc. Họ vừa đi vừa đồng ca khẩu hiệu “Bánh mì và hoa hồng” trên khắp đường phố ngày hôm đó. “Bánh mì” đại diện cho những giá trị vật chất của cuộc sống. Cuộc đời này không thể thiếu “bánh mì”, không thể thiếu tiện nghi vật chất để con người tồn tại và phát triển. Và quả thật, mỗi ngày (chứ không phải mỗi tháng, mỗi năm), vật chất trên thế giới này được tạo ra nhiều hơn, nhu cầu sống sung sướng của con người càng được đáp ứng cao hơn.

Nhưng “bánh mì” liệu có đủ cho con người hạnh phúc! Tự tử, ly hôn, ma tuý, trộm cắp, trầm cảm, tranh chấp, bạo lực… xảy ra từ trong cá nhân, gia đình, xã hội, đâu đâu cũng có và ngày càng gia tăng. Không! Cuộc sống không thể chỉ có “bánh mì”. Để sống đúng nghĩa cần phải có “hoa hồng”, có giá trị tinh thần. Mỗi một cá nhân không thể chỉ được nuôi sống bằng vật chất vô tình, mà cần hơn nữa tình yêu thương, sự tôn trọng mới có thể hoàn thiện đúng nghĩa.

Tôi tin, một cành hoa bé nhỏ chiều 8.3 này bác xe ôm mang về cho vợ, cho con gái là cả tấm tình yêu thương đằm thắm của cả cuộc đời bác dành cho gia đình. Được sống hài hoà giữa vật chất và tinh thần, cũng là giá trị, là quyền lợi mà hàng ngàn phụ nữ trên đất Mỹ đầu thế kỷ XX đã thay mặt cho hàng triệu triệu phụ nữ trên thế giới đòi hỏi được bảo vệ. Đòi hỏi này cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị!

Mẹ Theresa nói rằng, thế giới này đói tình yêu hơn bánh mì. Người Nga có câu “Nếu có hai cái bánh mì tôi sẽ bán một cái để mua hoa hồng”. Bởi vì tâm hồn cũng cần ăn uống”. Mà, hoa hồng chính là phụ nữ. M. Gorki viết: “Đời thiếu hoa hồng, không phụ nữ; Anh hùng tri kỷ hỏi còn đâu?”. Bác Hồ kính yêu rất nhiều lần khẳng định vai trò của phụ nữ. Bác viết: “Non song gấm vóc Việt Nam, do phụ  nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm rực rỡ”.

Một nửa thế giới chúng ta là phụ nữ, ngoài việc cố gắng để vun vén gia đình, họ còn những vất vả lo toan ngoài xã hội. Phụ nữ ngày nay còn phải “hai giỏi”, vừa phải đi làm để kiếm thêm thu nhập, chăm lo cho mái ấm gia đình, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ của một công dân ngoài xã hội. Niềm vui của những người phụ nữ hoà trong niềm vui của chồng, của con, của gia đình. Sự hy sinh của người phụ nữ đã được nhìn thấy, nhưng đã được công nhận đầy đủ và đền đáp xứng đáng chưa?

Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, thứ tình cảm tốt đẹp và tinh khiết nhất của con người. Mong rằng, nếu bạn có hai cái bánh mì, hãy bán đi một để mua hoa hồng tặng người bạn yêu thương, để họ biết rằng bạn yêu thương họ, tôn trọng họ, để hương hoa ngày càng lan toả nhiều hơn và tình yêu cứ thế thăng hoa, không chỉ riêng ngày 8.3.

T.N