Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoả tốc chuyển nhượng tài sản phải thi hành án 

Cập nhật ngày: 07/03/2018 - 05:53

BTN - Đương sự được thi hành án nhận bản án có hiệu lực pháp luật, kèm theo quyết định huỷ bỏ phong toả tài sản mà trước đó Toà đã áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm thời khi xét xử. “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, đương sự tá hoả khi phát hiện tài sản duy nhất bảo đảm thi hành án cho mình đã được… “ra sổ đỏ” cho người khác chỉ trong vòng 13 ngày. Đó là trường hợp rất lạ của bà Trần Thị Ngọc Lan.

Theo Bản án số 26/2017/DS-ST ngày 10.7.2017 do thẩm phán, chủ toạ Mai Thanh Tú, TAND huyện Dương Minh Châu xét xử, bà Ngô Thị Mỹ Châu (ngụ ấp Bình Linh, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu) vay của bà Trần Thị Ngọc Lan (ngụ ở khu phố 1, phường IV, thành phố Tây Ninh) số tiền 145 triệu đồng.

Nhiều lần đòi nợ nhưng bà Châu không trả, bà Lan kiện ra TAND huyện. Toà triệu tập hai lần, bà Châu vẫn không đến. Ngày 10.7.2017, toà đưa vụ án ra xét xử, buộc bà Châu phải trả cho bà Lan số tiền 166 triệu đồng, gồm cả tiền lãi suất theo quy định.

Bà Lan cho biết, ngày 17.8.2017, bà đến TAND huyện Dương Minh Châu nhận bản án, kèm theo Quyết định số 01/QĐ-BPKCTT huỷ bỏ Quyết định số 04/2016/QĐ-BPKCTT ngày 20.12.2016 mà Toà án đã áp dụng ngăn chặn tạm thời trước đó đối với tài sản của bà Châu. Tài sản này là phần đất có diện tích 309m2 ở xã Chà Là.

Sau khi nhận được bản án, ngày 18.8.2017, bà Lan vội mang đến Chi cục THADS huyện để làm đơn yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, bà Lan biết được phần đất 309m2 trên, bà Châu đã chuyển nhượng cho vợ chồng ông. Bức xúc, cho rằng các cơ quan có thẩm quyền ở Dương Minh Châu tạo điều kiện cho bà Châu chuyển nhượng tài sản, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho mình, ngày 25.9.2017, bà Lan viết đơn gửi UBND huyện, đề nghị UBND huyện kiến nghị TAND huyện huỷ bỏ Quyết định số 01.

Sau đó, bà Lan làm đơn gửi đến TAND huyện yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Châu với vợ chồng ông H. Ngày 6.10.2017, TAND huyện ra quyết định thụ lý vụ án “tranh chấp về yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ”. Ngày 7.11.2017, thẩm phán Vũ Văn Khanh ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do: “tranh chấp dân sự đang do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết nên vụ án không thuộc thẩm quyền của toà án”.

Qua tìm hiểu vụ việc, được biết trước đây, khi toà án chưa quyết định thụ lý vụ án, ngày 14.12.2016, vợ chồng bà Châu đã làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ phần đất 309m2 cho vợ chồng ông H, hợp đồng đã được công chứng. Biết được thông tin bà Châu chuyển nhượng đất, bà Lan làm đơn gửi toà án yêu cầu ra quyết định ngăn chặn.

Vì vậy, thụ lý vụ án vào ngày 16.12.2016, ngày 20.12.2016, thẩm phán Mai Thanh Tú ban hành Quyết định số 04 áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời phong toả phần đất trên để bảo đảm thi hành án. Sau đó, sau khi xét xử, bản án có hiệu lực, Toà án đã ra quyết định huỷ bỏ quyết định ngăn chặn trên.

Ngày 17.8.2017, nhận được bản án, kèm theo Quyết định số 04, bà Lan vội làm thủ tục thi hành án, nhưng bà đã “chậm chân”, vì ngày 1.9.2017, vợ chồng ông H đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy CNQSDĐ phần đất 309m2.

Theo bà Lan, kể từ ngày Toà án có quyết định huỷ bỏ quyết định phong toả tài sản của bà Châu, đến ngày Sở TN&MT cấp giấy CNQSDĐ cho vợ chồng ông H, thời gian rất nhanh, chỉ 13 ngày, nên bà ngờ vực có sự “giúp sức” của ai đó. Mặt khác, bà cho rằng việc Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định ngăn chặn vào thời điểm này là chưa phù hợp quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà.

Trong đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền, bà Lan cho rằng, Toà án căn cứ khoản 1 Điều 112 Bộ luật Tố tụng dân sự về thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là chưa đúng với tinh thần của điều luật này.

Bởi vì, khoản 1 Điều 112 này chỉ nêu: “trước khi mở phiên toà, việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một thẩm phán xem xét, quyết định”, trong khi đó, quyết định huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn của toà án lại ban hành sau khi xét xử. 

Đối với Điều 138 Bộ luật TTDS mà Toà viện dẫn, bà Lan cho biết, tại các điểm a, b, c khoản 1 quy định: “Toà án ra ngay quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị huỷ bỏ, người phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu, nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Bộ luật Dân sự…”.

Tại điểm g, Điều 138 quy định việc huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, khi “Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật”. “Chẳng lẽ toà chỉ căn cứ vào điểm này rồi huỷ bỏ, mặc cho quyền lợi của tôi bị xâm hại?”.

Được biết, ngày 12.2.2018, TAND huyện Dương Minh Châu có thông báo gửi đến bà Lan với nội dung, Toà án đã ra quyết định thụ lý vụ án “yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ”. Theo đó, nội dung đơn kiện của bà Lan là yêu cầu toà án huỷ hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 14.12.2016 giữa bên chuyển nhượng là bà Châu với vợ chồng ông H đối với phần đất 309m2 như nêu trên.

Được biết, trước đây, khi TAND huyện Dương Minh Châu ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, bà Lan khiếu nại đến TAND tỉnh. Sau đó, TAND tỉnh đã chuyển hồ sơ gồm 62 bút lục đến TAND huyện Dương Minh Châu xem xét giải quyết. Vụ án được thụ lý lần này do thẩm phán Thiều Thị Phượng giải quyết.

ĐỨC TIẾN