BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bến Cầu:

Hoàn thành tuyến đê bao phục vụ vùng lúa chất lượng cao 

Cập nhật ngày: 24/10/2017 - 08:51

BTNO - Qua hơn 1 năm thi công, đến nay tuyến đê bao đã hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng, phục vụ sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2017-2018.

Đầu tuyến đê bao vùng lúa chất lượng cao xã An Thạnh.

Thực hiện Quyết định 1676 của UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vùng lúa chất lượng cao ở xã An Thạnh (huyện Bến Cầu), Công ty CP Việt Nam-Mộc Bài phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tài trợ xây dựng tuyến đê bao ngăn lũ dài 5.628 m tại khu vực ấp Voi, từ đó chủ động nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho 200 ha đất sản xuất lúa chất lượng cao, kết hợp làm đường giao thông nội đồng để vận chuyển nông sản.

Việc xây dựng đê bao cũng sẽ giúp hình thành vùng sản xuất mẫu gắn với tiêu thụ, đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, làm mô hình điểm để nhân rộng, tạo điều kiện cho người dân được học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, nuôi trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ cuối tháng 5.2016, công trình tuyến đê bao đã được khởi công, với diện tích xây dựng chiếm khoảng 4,9 ha đất tận dụng theo bờ bao kênh rạch đã có sẵn. Quy mô công trình dự án gồm có đê bao, các cống dưới đê, hệ thống các công trình phụ như máy móc, kho chứa nông cụ và lúa sau thu hoạch.

Tổng chiều dài tuyến đê bao ngăn lũ là 5.628m, bề rộng mặt đê 4m, có điểm đầu từ hương lộ 8 (cách ngã ba An Thạnh 400m) và kết thúc tại vị trí cầu Tà Bang. Tuyến đê có 2 cầu qua cống rộng 4m, mặt cầu bê tông cốt thép với cửa tự động hai chiều bằng thép, cùng hệ thống 29 cống tròn D30-D60, mỗi cống dài 11-12m được lắp đặt dưới đê để điều tiết nước.

Dự án vùng lúa chất lượng cao xã An Thạnh có tổng mức đầu tư 27,46 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của Công ty CP Việt Nam-Mộc Bài gần 19,88 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh 6,01 tỷ đồng và giá trị hiến đất của người dân quy bằng tiền hơn 1,56 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện đầu tư cho tuyến đê bao ngăn lũ và hệ thống cống điều tiết nước gần 17,6 tỷ đồng, còn lại mua máy gặt đập liên hợp, máy cấy lúa, xây nhà kho...

Tuyến đê bao này còn mang lại hiệu quả kinh tế trên cơ sở đã thực hiện được tiểu vùng 1 của Dự án đê bao chống lũ ven sông Vàm Cỏ theo quy hoạch chung của tỉnh nhà. Qua hơn 1 năm thi công, đến nay tuyến đê bao đã hoàn thành, ngành chức năng chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng, phục vụ sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2017-2018 ngay sau mùa lũ này.

Hùng-Dũng