BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa 

Cập nhật ngày: 15/05/2017 - 13:05

Nội hàm khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta đã được Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII vừa qua tập trung làm rõ. Đây chính là cơ sở quan trọng để chúng ta xây dựng, triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong thời gian tới.

Xuất khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng (TP Hải Phòng). Ảnh: TRẦN HÙNG

Nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế

Hội nghị T.Ư lần này đã làm rõ khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nước ta xây dựng. Đó là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Với nhận thức như vậy, đổi mới kinh tế trong giai đoạn đến năm 2020 là việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam sang kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế theo các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận, trong đó, trọng tâm là việc Nhà nước chủ động thay đổi vai trò bảo đảm thực hiện đúng và đủ các chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, thay đổi mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong phân bổ nguồn lực xã hội.

Hoàn thiện thể chế kinh tế phải đi đôi với đổi mới, hoàn thiện bộ máy tổ chức, cán bộ của toàn hệ thống chính trị; xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp kinh tế thị trường…

Như vậy, để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hội nghị T.Ư lần thứ năm (khóa XII) đề ra là đổi mới vai trò, chức năng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nền kinh tế và năng lực kiến tạo sự phát triển của Nhà nước, đặc biệt là năng lực, hiệu quả thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vậy cụ thể phải đổi mới như thế nào?

Theo chúng tôi, đối với chức năng phát triển, cần phải thay đổi tư duy và cách thức quản lý theo kiểu “năng lực Nhà nước đến đâu thì cho người dân và doanh nghiệp làm đến đó”, mà phải quản lý theo yêu cầu phát triển, phục vụ phát triển và vì phát triển.

Đồng thời, phải sử dụng các công cụ chính sách, thể chế thúc đẩy và khuyến khích nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của sản phẩm, của ngành và của cả nền kinh tế; qua đó, tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tăng năng suất lao động, không tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP hằng năm, thay vào đó bằng mục tiêu GDP/bình quân đầu người vào thời điểm nhất định.

Về phân cấp và phân quyền giữa trung ương và địa phương, Chính phủ chủ yếu tập trung dự báo và xử lý các vấn đề chiến lược, tập trung quản lý các cân đối lớn của nền kinh tế; định hướng và thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tối ưu hóa phân bổ sức sản xuất; khắc phục và chống đỡ tác động của các cú sốc bên ngoài và tác động mang tính chu kỳ về kinh tế; đưa kinh tế phát triển bền vững, lành mạnh.

Từng bước giảm và tiến tới loại bỏ can thiệp trực tiếp của Chính phủ, chính quyền các cấp trong tổ chức sản xuất, trong phân bổ tài nguyên, thúc đẩy việc phân bổ tài nguyên theo nguyên tắc thị trường, giá cả thị trường, cạnh tranh thị trường để nâng cao hiệu quả phân bổ trong sử dụng các nguồn lực.

Các cấp chính quyền địa phương chủ yếu tập trung thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội, thực thi luật pháp, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm an ninh trật tự trên phạm vi địa phương.

Về phương thức quản lý nhà nước, cần thay đổi theo hướng quản trị thay cho quản lý, nghĩa là: quan hệ giữa công chức, cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp là quan hệ đối tác bình đẳng; người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội là khách hàng, là đối tác bình đẳng, cùng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội và phát triển.

Hoạt động của Nhà nước nên được đánh giá theo định hướng kết quả đầu ra, coi người dân và doanh nghiệp là khách hàng, lấy thỏa mãn của khách hàng là thước đo hiệu quả và hiệu lực hoạt động của Nhà nước. Năng lực bộ máy Nhà nước và phương thức quản lý nhà nước phải phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển.

Phân bổ hiệu quả các nguồn lực

Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh…

Trong khi thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp cơ chế thị trường.

Do đó, bên cạnh việc đổi mới vai trò, chức năng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nền kinh tế và năng lực kiến tạo sự phát triển của Nhà nước, cần phát triển đầy đủ thị trường các nhân tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quan trọng trong phân bổ vốn đầu tư Nhà nước.

Sớm xây dựng, phát triển thể chế hình thành đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, gồm thị trường quyền sử dụng đất và quyền khai thác, sử dụng tài nguyên, thị trường vốn, thị trường lao động và thị trường khoa học - công nghệ…

Trước mắt, tập trung xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp luật và các định chế trung gian cần thiết để thị trường quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp, có thể vận hành được, làm cho quyền sử dụng đất trở thành tài sản thực thụ của các hộ nông dân, thúc đẩy tập trung và tích tụ ruộng đất. Xóa bỏ cơ chế giao đất, cho thuê đất theo kiểu hành chính, xin - cho; Nhà nước tổ chức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, đấu thầu tìm kiếm nhà đầu tư sử dụng đất.

Thực hiện nghiêm và đầy đủ kỷ cương, kỷ luật ngân sách đối với từng khoản mục chi và toàn bộ kế hoạch ngân sách ở từng cấp và cả nước; xác định và áp dụng nghiêm túc tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, trong đó, phải tính đầy đủ giá của vốn, chi phí sử dụng tài nguyên nước, chi phí bảo vệ môi trường và chi phí cơ hội của đầu tư để lựa chọn thứ tự ưu tiên của dự án; phải đánh giá lợi ích và chi phí của từng dự án và chỉ chọn và phê duyệt các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất trong số các dự án được kiến nghị phù hợp số vốn cân đối được trong kế hoạch đầu tư trung hạn.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác được Hội nghị T.Ư lần này xác định là hoàn thiện thể chế về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có chính sách đột phá tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trên cơ sở đẩy mạnh đồng bộ cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Theo chúng tôi, cần tiếp tục mở rộng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh, nâng cao mức độ cạnh tranh thị trường và bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng.

Toàn hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương, nhất là các cơ quan hành pháp và tư pháp, thực hiện đầy đủ và nhất quán quy định của Hiến pháp năm 2013, công dân được quyền kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà luật không cấm; tuyệt đối không hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế và dân sự.

Tiếp tục xem xét bãi bỏ tất cả các rào cản không cần thiết đối với gia nhập thị trường ngành, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ dưới hình thức quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm, điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; giảm thấp nhất số ngành nghề kinh doanh có điều kiện; giảm thấp nhất điều kiện kinh doanh đối với từng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo đúng quy định tại Điều 14, Hiến pháp năm 2013 và Điều 7, Luật Đầu tư năm 2014; triệt để xóa bỏ “cơ chế hành chính xin - cho” trong tiếp cận cơ hội kinh doanh trong các thị trường ngành, kinh doanh có điều kiện; đổi mới cơ bản phương thức quản lý nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro và mức độ tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng quản lý.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG

Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý

kinh tế T.Ư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Báo Nhân dân