BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoang mang vì hóa đơn tiền điện tăng đột ngột nhiều tháng 

Cập nhật ngày: 19/07/2019 - 08:25

BTNO - Một hộ dân tại xã Phước Đông, huyện Gò Dầu phản ánh khi liên tục nhận được hóa đơn tiền điện ba giá tăng cao, trong khi mức tiêu thụ điện trong nhà không thay đổi.

Chị Võ Thị Thơm (37 tuổi, ngụ ấp Phước Đức B), người đứng tên hợp đồng mua bán điện cho hay, ngày 16.4.2018, chị ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực miền Nam, đại diện là ông Mai Phong Phi Long- Giám đốc Điện lực Gò Dầu, theo hình thức kinh doanh dịch vụ (chị Thơm mua bán tạp hóa), với giá 2.461 đồng/kWh, loại 1 pha trực tiếp hạ thế.

Công tơ điện tử chỉ cách nhà chị Võ Thị Thơm khoảng 50m.

Tuy nhiên, từ tháng 5.2018 đến nay, chị bất ngờ khi tiền điện hàng tháng tăng cao bất thường, đồng thời bị áp dụng mức thanh toán 3 giá tiền (giờ bình thường, giờ thấp điểm, giờ cao điểm). Theo đó, tiền điện tháng gần nhất (tháng 6.2019), nhà chị được thông báo dùng 1.487kWh số điện, tổng tiền thanh toán gần 4,7 triệu đồng.

Đưa ra các thông báo tiền điện từ ngày ký hợp đồng đến nay, chị Thơm cho biết, nhà chị kinh doanh tạp hóa, vì ngại số điện “nhảy bậc thang” nên chị mua điện theo giá kinh doanh dịch vụ, với giá 2.461đồng/kWh (thời điểm tháng 4.2018) không theo thời gian. Kỳ đầu tiên (kỳ tháng 5.2018), chị nhận hóa đơn ghi 753kWh. Từ kỳ thứ hai, gia đình chị tá hỏa với giấy báo ghi 2.326kWh, số tiền phải đóng 5,7 triệu đồng. Cụ thể, tháng 7 là 2.276 kWh, tháng 8 là 2.523 kWh, tháng 9 là 2.349 kWh, tháng 10 là 2.169 kwh).

Nghi ngờ đồng hồ sai số, chị trực tiếp đến Điện lực Gò Dầu yêu cầu kiểm tra công tơ. Tuy nhiên, đến tháng 11.2018, nhân viên Điện lực mới đến sửa chữa, khắc phục sự cố. “Tôi đã tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện trong nhà, nhưng đồng hồ vẫn “nhảy” số bất thường. Họ bảo, do đường dây diện dẫn vào nhà tôi bị chạm gì đó!”- chị bức xúc. Đến tháng 11.2018, sau khi được khắc phục, chỉ số điện trên công tơ giảm còn 1.784 kWh, tháng 12 là 1.099 kWh. Trung bình mỗi tháng, số tiền điện phải đóng từ 3,3 triệu đến 6,8 triệu đồng. Tất cả các khoản, chị đều thanh toán đủ cho phía Điện lực Gò Dầu.

Chị khẳng định thêm, từ khi đăng ký mua điện, gia đình đều dùng dây mới và tốt nhất, để tránh bị hao hụt điện.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhà chị Thơm, khoảng cách từ trụ mắc công tơ vào trụ điện của gia đình chỉ khoảng 50m, tất cả các thiết bị trong nhà đều có tính năng tiết kiệm điện (3 máy lạnh, 3 quạt máy, 2 tủ lạnh, 1 bếp điện) cùng một số đèn thắp sáng.

Kỳ tháng 6.2019, chị Thơm càng hoang mang hơn khi nhận hóa đơn thanh toán tiền điện gần 4,7 triệu đồng, với sản lượng 1.487kWh, được tính theo 3 giá khác nhau (giờ trung bình, giờ thấp điểm, giờ cao điểm). Bức xúc, chị chia sẻ sự việc này lên mạng xã hội. Một số tài khoản hoài nghi, đặt nhiều câu hỏi về tính minh bạch trong quá trình đo và tính toán điện. “Hoạt động hết công suất các máy 24/24h chưa hẳn đã 1.487kWh điện”; “Họ đã tính sai rồi!”,… - các tài khoản mạng xã hội nhận định.

“Nhà chúng tôi có 5 người, tôi và chồng thường ra ngoài giao dịch. Ở nhà chỉ còn một mẹ già, 2 đứa cháu thì ở nhà bà con. Trong nhà chỉ có 2 tủ lạnh dùng thường xuyên cùng 1 quạt máy. Số còn lại chỉ dùng vào ban đêm. Vậy mà tháng nào cũng trên ngàn ký, hai ngàn ký. Thật vô lý!”- chị Thơm bức xúc.

Rà lại hợp đồng mua bán điện, gia đình chị mới hay, bản phụ lục hợp đồng kèm theo ký ngày 31.12.2018 đã được điều chỉnh biểu giá tiêu thụ theo thời gian. Cụ thể, giờ bình thường có giá 2.461 đồng/kWh, giờ cao điểm 4.233 đồng/kWh (khung giờ 9h30 đến 11h30 và 17h00 đến 20h00), giờ thấp điểm 1.497 đồng/kWh.

“Tôi không có yêu cầu thay đổi mục đích sử dụng điện cũng như nhận thông báo của bên A để điều chỉnh giá điện. Theo quy định, nếu muốn thay đổi công tơ 3 giá, bên bán phải có thông báo bằng văn bản cho bên mua trước khi thực hiện. Nếu áp dụng vào số điện trung bình ba tháng liên tục từ 2.000 kWh/tháng trở lên thì không đúng, vì các chỉ số đó rơi vào thời gian chúng tôi báo sự cố điện, nhưng nhân viên Điện lực không đến kiểm tra ngay mà kéo dài tận 5 tháng. Có phải đây là chủ ý nâng giá điện 3 giá của Điện lực Gò Dầu?”- chị Thơm bức xúc nói.

Theo phản hồi của Công ty Điện lực Tây Ninh về vấn đề này qua văn bản, phía Điện lực Gò Dầu giải thích, việc áp dụng hình thức thanh toán tiền điện theo mức 3 giá đối với hộ kinh doanh được áp dụng theo Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 quy định về thực hiện giá bán điện của Bộ Công Thương. Qua quá trình sử dụng điện, khách hàng có sản lượng điện sử dụng trung bình ba tháng liên tục từ 2.000 kWh/tháng trở lên, Điện lực Gò Dầu đã thực hiện gắn công tơ điện tử ba giá cho khách hàng và áp dụng bán điện đúng theo giá quy định hiện hành.

Nhận hóa đơn tiền điện, chị Thơm hoang mang vì giá tăng bất thường.

Văn bản giải thích thêm, theo thống kê lịch sử khách hàng sử dụng điện, từ khi lắp công tơ cung cấp điện cho khách hàng vào ngày 18.4.2018 đến nay, khách hàng có liên hệ với Điện lực Gò Dầu qua trung tâm chăm sóc khách hàng. “Khách hàng đề nghị kiểm tra công tơ ngày 19.6.2018 do sản lượng tăng bất thường”. Vào sáng 20.6.2018, Điện lực có cử nhân viên liên hệ chị Võ Thị Thơm kiểm tra công tơ, sử dụng thiết bị công tơ mẫu để kiểm chứng công tơ. Kết luận, công tơ hoạt động bình thường, do chạm dây sau điện kế. Chị Thơm đồng ý thanh toán tiền điện và ký tên xác nhận trong biên bản kiểm tra hệ thống đo đếm 1 pha cùng ngày. Về thời gian thực hiện kiểm tra công tơ, Điện lực Gò Dầu đã thực hiện đúng theo các quy định hiện hành.

“Từ ngày 21.6.2018 đến ngày 4.1.2019, Điện lực Gò Dầu không thực hiện việc sửa chữa hay thay thế công tơ. Đến ngày 5.1.2019, Điện lực Gò Dầu có đến nhà khách hàng thực hiện thay công tơ cơ 1 biểu giá sang công tơ điện tử 3 biểu giá theo phụ lục hợp đồng mua bán điện số 18/000339 đã ký ngày 31.12.2018”.

Trả lời thêm về thời hạn thông báo điều chỉnh mức giá điện 3 giá vào sản lượng điện của gia đình, Điện lực Gò Dầu khẳng định thực hiện theo khoản 4, điều 5 Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29.5.2014 quy định về thực hiện giá bán điện của Bộ Công Thương. Hợp đồng mua bán điện không quy định Điện lực phải thông báo cho khách hàng trước 15 ngày. Điện lực Gò Dầu đã làm việc với khách hàng ký phụ lục hợp đồng thay đổi giá bán điện 3 giá với Điện lực Gò Dầu ngày 31.12.2018. Sau đó đến ngày 5.1.2019, Điện lực Gò Dầu thay công tơ cơ 1 giá bằng công tơ điện tử 3 giá và áp giá theo thời gian sử dụng điện trong ngày đúng theo phụ lục hợp đồng đã ký.

Đến ngày 5.7.2019, ông Mai Phong Phi Long- Giám đốc Điện lực Gò Dầu đã đến nhà khách hàng trao đổi trực tiếp và giải thích các phản ánh, thắc mắc của chị Võ Thị Thơm.

Đề xuất hướng giải quyết qua sự việc này, Điện lực Gò Dầu cho biết đã hướng dẫn chị Thơm và các khách hàng sử dụng điện khi có bất cứ thắc mắc, khiếu nại dịch vụ về điện gọi ngay đến trung tâm chăm sóc khách hàng qua số điện thoại 19001006 và 19009000 để được giải quyết kịp thời. Đồng thời tiếp tục đào tạo nhân viên giao dịch khách hàng, kiểm định công tơ trong công tác giao tiếp khách hàng để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, với chất lượng cao và dịch vụ ngày càng hoàn hảo. 

Hiện tại, gia đình chị Võ Thị Thơm đã đề nghị Điện lực Gò Dầu thu hồi công tơ, ngừng sử dụng điện cho mục đích kinh doanh mua bán tạp hóa.

Khoản 4 Điều 5 Thông tư 16/2014 quy định về thực hiện giá bán điện:

Trường hợp bên bán điện có đủ điều kiện lắp đặt công tơ ba giá, đã có thông báo trước bằng văn bản cho bên mua điện thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng hình thức ba giá về kế hoạch lắp đặt công tơ ba giá, bên mua điện phải phối hợp với bên bán điện để thực hiện việc lắp đặt công tơ ba giá trong thời gian sớm nhất.

Trường hợp bên mua điện thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng hình thức ba giá nhưng từ chối thực hiện việc lắp đặt công tơ ba giá khi đã được bên bán điện thông báo hai lần (có xác nhận của đại diện khách hàng và thời gian tối thiểu giữa hai lần thông báo là 10 ngày) thì sau 15 ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng, bên bán điện được áp dụng giá bán điện giờ cao điểm cho toàn bộ sản lượng điện tiêu thụ của bên mua điện cho đến khi lắp đặt công tơ ba giá.

Tâm Giang