Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

HTX dịch vụ thủy đặc sản Tân Hòa:

Hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương 

Cập nhật ngày: 18/09/2019 - 09:48

BTNO - HTX dịch vụ sản xuất thủy đặc sản Tân Hòa được thành lập năm 2015, toạ lạc tại ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu. Ban đầu HTX chỉ có 18 thành viên, vốn điều lệ 150 triệu đồng, với số lượng nuôi khoảng 20.000 con ba ba.

Về doanh số hàng hóa, dịch vụ năm đầu thành lập, thu nhập bình quân của mỗi thành viên thời điểm đó khoảng 45 triệu đồng/người/năm. Sau 4 năm hoạt động, đến nay HTX dịch vụ sản xuất thủy đặc sản Tân Hòa có 47 tổ viên, vốn điều lệ hiện nay đạt 470 triệu đồng. Doanh số hàng hóa, dịch vụ 6 tháng đầu năm 2019 trên 2 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của thành viên thời điểm hiện tại gần 5 triệu đồng/tháng/hộ.

Ao nuôi ba ba của ông Lưu Văn Tĩnh ở ấp Cây Khế, xã Tân Hòa.

Ông Nguyễn Như Ty- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa cho biết, nghề nuôi ba ba ở ấp Cây Khế cũng không phải là mới, trước đó có một số người nuôi nhỏ lẻ nên chất lượng chưa đạt, thu nhập không cao. Hội Nông dân xã đã vận động bà con liên kết lại để vào HTX, từ đó các thành viên HTX có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nhất là khâu phòng trị bệnh, cách chăm sóc… Từ đó các hộ nuôi ba ba đạt chất lượng cao hơn so với trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm cũng ổn định về giá cả.

Bên cạnh đó, các thành viên cũng được HTX hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng ao nuôi, chọn con giống, nguồn thức ăn và xử lý các dịch bệnh trong quá trình nuôi. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và bằng kinh nghiệm thực tiễn thông qua mỗi đợt nuôi, nên các hộ nuôi lúc nào cũng có ba ba thịt cung ứng cho thị trường.

Ông Lưu Văn Tĩnh được xem là người khởi xướng nghề nuôi ba ba đầu tiên ở đây. Ban đầu ông nuôi thử 1.000 con. Cứ tưởng con giống nào cũng nuôi được, nhưng khi nuôi rồi ông Tĩnh mới biết nếu mua con giống không tốt thì ba ba không lớn. Lứa đầu tiên nuôi gần 2 năm và ông đã lỗ gần 50 triệu đồng. Năm 2002, qua tìm hiểu và học hỏi từ những người nuôi thành công ở các tỉnh miền Tây, ông đặt mua con giống tốt hơn và học hỏi kinh nghiệm tự sản xuất con giống, từ đó nuôi thành công.

Năm 2015, khi HTX dịch vụ sản xuất thủy đặc sản Tân Hòa thành lập, ông Tĩnh bắt đầu sản xuất con giống để bán cho các xã viên. Ông Tĩnh cho biết, hiện con giống bán với giá 7.000 đồng /con mà vẫn không đủ bán.     

Thấy ông Lưu Văn Tĩnh nuôi ba ba thương phẩm đạt được năng suất cao trong nhiều năm liền, bà con trong ấp cũng bắt đầu học hỏi, chuyển đổi và mở rộng diện tích nuôi ba ba, đồng thời đăng ký tham gia HTX dịch vụ sản xuất thủy đặc sản Tân Hòa. Hiện tại, HTX có tổng cộng 200 ao nuôi, với diện tích trên 40.000m2. Số con giống được thả nuôi tăng lên khoảng 40.000 con.

Diện tích nuôi ba ba ở ấp Cây Khê đang được mở rộng

Cũng như ông Tĩnh, trước đó ông Dương Văn Mão có nuôi 1.700 con ba ba, nhưng chưa nắm vững kỹ thuật và mua con giống trôi nổi nên bị thất thoát và ba ba không lớn, lợi nhuận mang lại không cao. Đến năm 2017, ông chọn mua 3.000 con giống ba ba của HTX về nuôi, qua 14 tháng, ba ba phát triển nhanh, đạt trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con, ông xuất bán cho HTX với giá trên 300.000 đồng/kg. Trừ đi chi phí, ông Mão có lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Hiện tại, ông Mão tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích với 15 hồ nuôi, số lượng gần 4.000 con. Đến nay ba ba đã được trên 12 tháng tuổi và đang phát triển tốt, dự kiến khi thu hoạch vào cuối năm nay ông Mão sẽ thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

HTX dịch vụ sản xuất thủy đặc sản Tân Hòa hoạt động chủ yếu theo mô hình chăn nuôi thủy sản, các ngành nghề chăn nuôi chính như ba ba và các loại thủy đặc sản khác như cá lăng nha, cá lóc, cá lóc bông... Ông Lưu Quậy- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: Ba ba thịt hiện nay có giá từ 350.000 đồng/kg loại 1 và loại thấp nhất cũng có giá khoảng 140.000 đồng/kg. Khi người dân tham gia HTX thì việc nuôi ba ba sẽ có hợp đồng tiêu thụ rõ ràng, đảm bảo tiêu thụ 100% sản lượng ba ba của thành viên HTX…

Với hiệu quả kinh tế mà thành viên HTX dịch vụ sản xuất thủy đặc sản Tân Hòa đạt được trong thời gian qua, hứa hẹn sẽ nâng diện tích nuôi ba ba đạt hiệu quả cao trên địa bàn xã trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện tại HTX đang rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn của các ngành, nhất là Liên minh HTX tỉnh và những kỹ thuật chuyên sâu hơn nữa của các ngành chuyên môn để giúp người nuôi ba ba yên tâm bám trụ với nghề.

Chí Thành