BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai thi hành Luật Quy hoạch 

Cập nhật ngày: 16/07/2019 - 12:47

BTNO - Ngày 15.7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thi hành Luật Quy hoạch, trọng tâm là tình hình thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Tại điểm cầu Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) báo cáo tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, trọng tâm là việc Nghị quyết số 11 của Chính phủ, trong đó có nội dung liên quan đến việc triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.

Đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Tây Ninh.

Triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương.

Theo Bộ KH&ĐT, từ khi được thông qua đến khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành có khoảng thời gian 13 tháng để thực hiện việc chuyển tiếp các quy hoạch và triển khai lập các quy hoạch cho giai đoạn 2021 – 2030 theo quy định của Luật. Tuy nhiên, do việc chưa tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển tiếp quy hoạch và việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch nên kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, đặc biệt là việc triển khai tổ chức lập các quy hoạch cho giai đoạn 2021 – 2030 chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu.

Cụ thể, do các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch chậm được ban hành nên các bộ, ngành, địa phương chưa có cơ sở để triển khai xây dựng, trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và dự toán kinh phí lập quy hoạch.

Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch không có quy định về trình tự điều chỉnh cục bộ. Một số bộ, ngành và địa phương còn có cách hiểu khác nhau khi xác định các quy hoạch thuộc phạm vi áp dụng tại điểm a, khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch. Do vậy, việc áp dụng quy định của Luật Quy hoạch đối với việc điều chỉnh các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt trước đó sẽ mất nhiều thời gian hơn so với trước đây, không bảo đảm sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành.

Đến nay, việc bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể rất chậm mặc dù Bộ KH&ĐT đã nhiều lần đôn đốc. Việc chậm bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm đang gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và cản trở việc huy động nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh vai trò của Luật Quy hoạch, đây là công cụ pháp lý rất quan trọng để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất trong việc làm quy hoạch.

Phó Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng, thực hiện Luật Quy hoạch; tổ chức, xây dựng lập quy hoạch mới theo yêu cầu, nhiệm vụ mỗi ngành, mỗi địa phương. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch còn lúng túng không chỉ ở địa phương mà ngay cả ở trung ương.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, cụ thể: Bộ KH&ĐT phối hợp các bộ, ngành sớm trình Thủ tướng Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điều liên quan đến Luật Quy hoạch; chủ trì thành lập các tổ công tác liên ngành để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho bộ, ngành, các địa phương; phối hợp với Bộ Tài chính sớm hướng dẫn phân bổ vốn đầu tư cho công tác lập quy hoạch; chủ động đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng quốc gia.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Các bộ, ngành Trung ương khẩn trương soạn thảo và trình Chính phủ ban hành những Nghị định liên quan hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch; tập trung xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia thuộc phạm vi của mình; xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện cho các quy hoạch của các ngành, lĩnh vực sản phẩm được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh.

Lãnh đạo các địa phương khẩn trương rà soát, ban hành danh mục các sản phẩm hết hiệu lực; phối hợp với Sở KH&ĐT trong việc nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Tập trung vào công tác lập quy hoạch tỉnh, trong đó thành lập Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh, xác định các nội dung tích hợp vào quy hoạch tỉnh; ưu tiên về vốn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh rất quan trọng, do đó cần tập trung cố gắng trong năm 2020 xong được quy hoạch này.

Tại Tây Ninh, thực hiện các quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 59 của Luật Quy hoạch, tỉnh đã tiến hành rà soát, bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.

Đến nay tỉnh đã ra quyết định bãi bỏ 13 dự án quy hoạch thuộc đối tượng phải bãi bỏ trên (Quyết định số 1132/QĐ-UBND ngày 20.5.2019). Bên cạnh đó, cập nhật các văn bản liên quan như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch; hiện đang tiếp tục rà soát các quy hoạch thuộc đối tượng cần bãi bỏ theo đúng quy định.

Đối với công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lập quy hoạch theo thẩm quyền, căn cứ hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm lãnh đạo UBND tỉnh là Trưởng ban chỉ đạo, các thành viên BCĐ là lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Về nguồn vốn cho lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, UBND tỉnh đã bổ sung kinh phí thực hiện dự án quy hoạch tỉnh vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Về khó khăn vướng mắc, UBND tỉnh cho biết, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng hiện nay chưa có, nếu tỉnh vẫn tiến hành lập quy hoạch tỉnh thì sau khi có quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng tỉnh phải điều chỉnh lại quy hoạch, mất thời gian và tốn kém cho tất cả các tỉnh, thành trong cả nước…

Trúc Ly