Pháp luật   Tin tức

BAOTAYNINH.VN trên Google News

BCĐ 515 Tây Ninh:

Hội thảo về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại căn cứ Cần Lê 

Cập nhật ngày: 18/06/2019 - 09:11

BTNO - Ngày 17.6, tại Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh tổ chức hội thảo nhằm trao đổi, thu thập thông tin tìm kiếm mộ liệt sĩ tập trung Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, hy sinh trong trận đánh căn cứ Cần Lê, thuộc địa bàn tổ 7, ấp Con Trăn, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu.

Dự hội thảo có lãnh đạo Cục Chính trị Quân đoàn 4, Sư đoàn 7, Trung đoàn 165 thuộc Quân đoàn 4, Phòng Chính sách Cục Chính trị Quân khu 7, Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện Tân Châu, đại diện các ban, ngành có liên quan, Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 7 và Trung đoàn 165, Quân đoàn 4. Đại tá Nguyễn Văn Đẹp- Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 phát biểu tại hội thảo.

Đêm mùng 6 rạng sáng 7.8.1967 Trung đoàn 165 -Sư đoàn 7 được tăng cường đại đội cối 120mm, đại đội súng máy cao xạ 12,7mm tiến công căn cứ Cần Lê. Trong trận đánh này Trung đoàn 165 thương vong lớn, số hy sinh không lấy được thi thể khoảng hơn 100 liệt sĩ, sau trận đánh đã cho thu gom và đào hố chôn lắp.

Đầu năm 1996, Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh nhận được thông tin của chương trình cựu chiến binh Ra-Tay (số lưu trữ 177). Theo tài liệu của cựu chiến binh Mỹ cung cấp, hố chôn tập thể các liệt sĩ nằm ở khu vực bên phải, cuối đường băng sân bay Tống Lê Chân, cách mép đường băng khoảng 7 đến 8m. Hố chôn hơn 100 thi thể bộ đội.

Căn cứ vào thu thập thông tin của cựu chiến binh Mỹ và cựu chiến binh Việt Nam thu thập được từ năm 1996 đến 2019, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Tây Ninh, Cục Chính trị Quân đoàn 4, UBND huyện Tân Châu và cấp ủy, chính quyền xã Tân Hòa đã 9 lần tiến hành khảo sát hố chôn tập thể của Trung đoàn 165 nhưng chưa phát hiện được vị trí chính xác hố chôn tập thể.

Bộ CHQS tỉnh tổ chức lực lượng phối hợp khảo sát, đào tìm 9 lần, tổng thời gian trên 140 ngày với hơn 1.000 ngày công lao động, sử dụng nhiều phương tiện của quân đội, địa phương xúc đào lắp gần 70.000m3 đất đá, phạm vi tìm kiếm trên 10 hecta. Các vị trí đào tìm tập trung ở khu vực phía Tây và Tây Nam căn cứ Cần Lê, bên phải đường băng Tống Lê Chân.

Kết luận hội thảo, thay mặt Ban thường trực 515 tỉnh, Đại tá Nguyễn Văn Đẹp đề nghị các lực lượng có liên quan xác định chính xác trên bản đồ, vận động các tổ chức, cá nhân, cựu chiến binh Việt Nam, cựu chiến binh Mỹ đã từng tham gia chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ tại căn cứ Cần Lê tiếp tục cung cấp thông tin về khu vực và vị trí hố chôn hài cốt liệt sĩ.

Các cơ quan, đơn vị có liên quan bảo đảm thật tốt công tác hậu cần, phương tiện để tiếp tục khảo sát, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên địa bàn, quyết tâm sớm đưa các anh hùng liệt sĩ về với gia đình, quê hương.

Lê Quang


 
Liên kết hữu ích