BAOTAYNINH.VN trên Google News

Họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tả heo châu Phi  

Cập nhật ngày: 08/07/2019 - 20:42

BTNO - Ngày 8.7, tại huyện Châu Thành, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tỉnh Tây Ninh tổ chức họp khẩn, nhằm triển khai công tác phòng, chống bệnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngày 7.7, ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên được phát hiện tại hộ chăn nuôi Tống Thị Ngọc Ánh (ngụ ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành), với tổng đàn heo bị nhiễm bệnh là 11 con (heo thịt và heo nái). Toàn bộ đàn đã được tiêu hủy ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dịch tả của Chi cục Thú y vùng VI. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến chỉ đạo tại cuộc họp.

Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 5.7, hộ chăn nuôi này đã báo tin có 7 con heo bệnh chết, yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành kiểm tra. Kết quả kiểm tra ghi nhận đàn heo chết đều có triệu chứng lâm sàng xuất huyết hình đinh ghim toàn thân, đồng thời kiểm tra trọng lượng heo chết và hướng dẫn bà Ánh chôn heo chết, cấp thuốc sát trùng, phun xịt theo quy định.

Đến thời điểm này, UBND xã Thành Long đã thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời để đảm bảo kiểm soát toàn bộ việc ra vào khu vực có dịch.

Nhận định về nguồn lây lan mầm bệnh, ông Nguyễn Thanh Lam- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, theo thông tin bà Ánh cung cấp, toàn bộ số heo thịt trên do heo nái nhà đẻ ra để lại nuôi và sử dụng thức ăn tự pha chế (thức ăn đậm đặc và cám chà gạo) để cho ăn, không cho ăn thức ăn dư thừa.

Tuy nhiên, gia đình thỉnh thoảng mua thịt heo từ chợ Bến Sỏi về ăn, đến ngày 2.7 phát hiện heo trong chuồng phát bệnh, gia đình tự mua thuốc điều trị. “Loại trừ khả năng mầm bệnh từ heo con và từ thức ăn dư thừa. Khả năng còn lại có thể là từ nguồn thịt heo mua từ chợ Bến Sỏi”- ông Lam nói thêm.

Ông Nguyễn Thanh Lam- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành báo cáo tình hình thực hiện phòng, chống dịch trên địa bàn huyện.

Được biết, chợ Bến Sỏi có 7 sạp thịt, do 2 cơ sở giết mổ trên địa bàn xã Thành Long cung cấp, 2 cơ sở này có nhập heo từ địa phương khác đưa về giết mổ.

Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo thống kê trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có hơn 200.000 con heo, trong đó số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín rất nhiều.

Ngoài ra, trên địa bàn các huyện còn có 46 cơ sở giết mổ, nhiều cơ sở thu gom heo từ địa phương khác về và xuất đi các nơi khác. “Qua điều tra hộ có heo bệnh, nguyên nhân do mua thịt ở chợ để chế biến thực phẩm gia đình nhưng không thực hiện an toàn sinh học, để nước rửa thịt lây nhiễm vào khu vực chăn nuôi”- ông Trong nói.

Mặt khác, trong thời gian khá dài, Tây Ninh bị dịch bao vây từ nhiều phía (Long An, Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM; kể cả nước bạn Campuchia) đã tạo điều kiện virus xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Mặt khác, do người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, chưa nhận thức sâu sắc mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.

Nhiều người nuôi heo đã bán tháo hoặc đem cho hàng xóm; nhiều thương lái, vì mục đích lợi nhuận, mua heo bệnh bán ra thị trường, làm mầm bệnh lây lan.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Tây Ninh khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch. Tổ chức kiểm tra, giám sát buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp làm lây lan dịch bệnh.

Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng được thực hiện nghiêm ngặt tại khu vực xảy ra dịch bệnh để tránh mầm bệnh lây lan.

Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mòn khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển heo vào trong tỉnh, tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu heo, sản phẩm heo qua biên giới. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy heo, sản phẩm heo nhập lậu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến yêu cầu tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ heo nhập về từ ngoài tỉnh thuộc các huyện Hòa Thành, Châu Thành, Tân Biên, Trảng Bàng, Dương Minh Châu và các cơ sở thu gom heo tại 2 huyện Châu Thành và Tân Biên. UBND các huyện, thành phố đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện công tác phòng chống dịch tại các xã. Thông báo mức hỗ trợ cho người dân theo quy định.

“Đây là công tác của cả hệ thống chính trị, không riêng của một ngành, hay địa phương, người dân nào. Khi người dân phát hiện dịch bệnh, phải khẩn cấp triển khai, ngăn chặn ngay từ đầu, tránh lây lan”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

UBND tỉnh đề nghị các địa phương phân công lãnh đạo trực 24/24, kể cả ngày nghỉ, lễ. Sau khi công bố dịch phải theo dõi, kiểm soát, không để dịch phát sinh; phát hiện, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm khi để dịch bệnh lây lan.

Tâm Giang

Tin liên quan