BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hợp nhất sở, ngành - Nên và không nên 

Cập nhật ngày: 29/03/2017 - 08:24

Việc hợp nhất một số sở theo dự thảo nghị định của Chính phủ đang được Bộ Nội vụ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, dư luận xã hội hết sức chú ý và có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tựu trung, nằm ở hai khía cạnh là nên hay không nên gộp lại. Mỗi bên lại có những lập luận bảo vệ quan điểm của mình khá thuyết phục. Nên hiện có thể nói là chưa ngã ngũ. Không khó để thấy trong vấn đề này chứa đựng cả hai yếu tố nên và không nên.

Theo dự thảo, trong số các sở hiện nay sẽ có hai sự hợp nhất mới gồm Sở Tài chính hợp nhất với Sở Kế hoạch & Đầu tư thành Sở Kế hoạch - Tài Chính; Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải (và Sở Quy hoạch - Kiến trúc ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội) hợp nhất thành Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị.

Tinh giản biên chế. Ảnh minh họa

Tinh giản biên chế. Tranh minh họa từ Internet

Ngoài ra có ba sở đang thuộc diện phải có ở các địa phương sẽ được đưa vào danh sách có thể thành lập hoặc không thành lập tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương, gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học & công nghệ, Sở Thông tin & truyền thông. Lý do đề xuất hợp nhất đã được nêu rõ cả rồi, không cần nói lại ở đây mà cần đi thẳng vào trả lời câu hỏi là có nên làm vậy hay không.

Câu trả lời dứt khoát ở đây là: nên. Vì lẽ, hợp nhất là điều kiện lý tưởng để tiến hành tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy - vấn đề đã được nêu ra từ nhiều năm nay nhưng chưa khi nào thực hiện được theo như kế hoạch đã đề ra. Không giảm bớt số lượng cơ quan trong bộ máy công quyền thì không thể nào tinh giản được số lượng biên chế trong các cơ quan hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Một số lượng hiện đang bị coi tiêu tốn khá nhiều tiền đóng thuế của dân và chưa phát huy hết hiệu quả. Bộ máy hiện cũng đang được coi là khá cồng kềnh và cũng khá trì trệ. Thế nên, hợp nhất lại để tinh giản và tinh gọn làm cho bộ máy trở nên gọn nhẹ hơn, bớt nặng nề, bớt chồng chéo đi để vừa tiết kiệm được chi phí từ ngân sách vừa hoạt động hiệu quả hơn là việc nên làm.

Tranh

Chuyển đổi vị trí. Tranh minh họa từ Internet

Về mặt quan điểm là nên dứt khoát như thế. Vì đây là bước đi cơ bản, quan trọng, có tính chất nền tảng,  tạo đà cho một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước cần được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới là tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Cái lợi thu được từ việc này là rất to lớn. Bởi là lợi chung cho cả đất nước, ai cũng có phần. Vì thế, nhất thiết không được để cái lợi riêng của từng cá nhân cản trở dưới bất cứ lý do gì.

Nên làm vì thế không nên cân nhắc quá kỹ lưỡng. Không nên tranh luận, bàn bạc quá nhiều vì tất cả những khó khăn, thuận lợi, hiệu quả hay hậu quả hiện đang được mọi người nên ra đều ở dạng lý thuyết, giả định mang tính dự báo mà chưa có gì là chắc chắn cả. Có một thực tế tuy không hẳn đã là chính xác nhưng cũng cần nêu ra ở đây để tham khảo, đó là ở ta, phàm việc gì trong thâm tâm không muốn làm thì cứ đem ra bàn.

Bởi bàn càng nhiều càng khó làm và nhiều khả năng sẽ không làm được. Vì vậy, cần bắt tay vào thực hiện ngay. Dĩ nhiên, là không nên làm đồng loạt mà nên làm thí điểm ở một vài địa phương có tính chất điển hình như là mô hình điểm để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, phát huy ưu điểm, bổ sung, hoàn chỉnh. Đến khi nào hoàn thiện ở mức tốt nhất có thể thì nhân ra diện rộng. Áp dụng đại trà. Đó là những việc nên và không nên khi bàn đến vấn đề hợp nhất sở, ngành.

Nguồn BNA