BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hợp tác để thoát nghèo 

Cập nhật ngày: 22/08/2017 - 14:35

BTN - Qua hơn một năm hoạt động, Tổ hợp tác đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, hằng tháng, mỗi chị tham gia mô hình này có thu nhập gần 5 triệu đồng.

Thành viên trong Tổ hợp tác ấp Cây Trắc tráng bánh tráng.

Năm 2014, sau khi khảo sát, nắm bắt nhu cầu của hội viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) xã Phước Ðông (huyện Gò Dầu) tham mưu Ðảng uỷ và Huyện hội Phụ nữ thành lập điểm “Tổ hợp tác tráng bánh tráng” (gọi tắt là Tổ hợp tác) tại ấp Phước Ðức A. Mục đích của mô hình này là giúp những phụ nữ không có đất sản xuất hoặc không có việc làm ổn định có điều kiện tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Theo đó, Hội LHPN xã chịu trách nhiệm làm đầu mối hợp tác với các cơ sở kinh doanh bánh tráng ở huyện dưới sự quản lý của UBND xã. Các thành viên trong tổ tự xây lò, mua dụng cụ, phương tiện tráng bánh để sản xuất tại nhà, thương lái sẽ đến tận nhà để lấy hàng.

Ban đầu, Tổ hợp tác có 15 thành viên tham gia, sinh hoạt định kỳ hằng quý. Nội dung chủ yếu là tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện tốt quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến, sản xuất bánh tráng; các vấn đề liên quan khâu đầu vào, đầu ra của sản phẩm, các tiêu chí của cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Qua đó, vừa giúp các thành viên có kiến thức cơ bản trong sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn vừa tích cực tham gia hoạt động của Hội, của địa phương.

Qua hơn một năm hoạt động, Tổ hợp tác đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, hằng tháng, mỗi chị tham gia mô hình này có thu nhập gần 5 triệu đồng.

Từ kết quả trên, Hội LHPN xã tiếp tục nhân rộng mô hình Tổ hợp tác tráng bánh tráng tại 3 ấp khác: Cây Trắc, Suối Cao A và Phước Ðức B, nâng tổng số thành viên (của cả 4 Tổ) là 53 người. Nhiều chị khi đã có thu nhập ổn định từ công việc tráng bánh tráng liền có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất nhưng không có vốn.

Thấy được điều đó, Hội LHPN xã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xét cho 21 thành viên của 4 Tổ vay, mỗi chị 6 triệu đồng để mua thêm dụng cụ, phương tiện sản xuất. Có được vốn, các chị đều sử dụng đúng mục đích và ngày càng mở rộng sản xuất. Một số chị từ nghèo khó đã thoát nghèo, vươn lên khá và có tích luỹ gửi tiết kiệm.

Tại hội nghị chia sẻ mô hình mới, cách làm hay do Hội LHPN huyện Gò Dầu tổ chức đầu tháng 8 này, Hội LHPN xã Phước Ðông được chọn báo cáo chia sẻ kinh nghiệm về hiệu quả của mô hình Tổ hợp tác tráng bánh tráng.

Chị Nguyễn Thị Mì- Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, mô hình đạt được hiệu quả như vậy là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của cấp uỷ, Hội cấp trên, đặc biệt là sự ủng hộ của các thành viên, các chị luôn hỗ trợ nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm trong các công đoạn của quy trình tráng bánh, thực hiện tốt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm nên tạo được uy tín đối với cơ sở tiêu thụ sản phẩm và khách hàng, giúp cho sản phẩm làm ra luôn bán chạy trên thị trường.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Hội LHPN xã Phước Ðông tiếp tục duy trì và mở rộng thêm số thành viên của 4 Tổ hợp tác trên địa bàn xã, đồng thời sẽ thực hiện nhân rộng mô hình này tại xã Bàu Ðồn và thị trấn Gò Dầu.

M.K