BAOTAYNINH.VN trên Google News

PHỤ NỮ VÀ SỨC KHOẺ

Hướng dẫn chọn kem chống nắng đạt yêu cầu sức khoẻ

Cập nhật ngày: 15/07/2017 - 23:22

BTN - Hỏi: Nữ 24 tuổi, nhân viên văn phòng. Thấy nhiều phụ nữ sử dụng kem chống nắng, nhưng tôi không rõ công dụng thật sự của nó đối với sức khoẻ. Xin bác sĩ giải thích và hướng dẫn chọn kem chống nắng đạt yêu cầu sức khoẻ.

Một bạn đọc

Ðáp: Ánh sáng mặt trời (còn gọi là ánh nắng) là một phần của hiện tượng bức xạ điện từ do mặt trời phát ra. Ánh nắng gồm tia hồng ngoại, tia tử ngoại, ánh sáng đơn sắc (đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím), và các dạng sóng năng lượng khác với bước sóng ngắn không nhìn thấy được bằng mắt thường.

Tia tử ngoại (còn gọi là tia cực tím, tia UV) là tác nhân gây hại cho sức khoẻ con người khi tiếp xúc đủ lâu với ánh nắng như ung thư da, lão hoá da, tổn thương mắt (đục thuỷ tinh thể, mộng thịt, thoái hoá điểm vàng), ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch và khả năng tự bảo vệ của da chống bệnh nhiễm trùng và ung thư.

Tia UV, đặc biệt tia UVA và UVB có nhiều nhất trong ánh nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, bất kể trời nắng chói chang hay có mây, sương mù. Tia UV có thể xuyên qua quần áo, kính mắt và cửa kính xe ô tô không có khả năng bảo vệ.

Do đó, khi bắt buộc phải ra ngoài, bạn cần bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV bằng các biện pháp tốt nhất có thể, như mặc quần áo chống nắng, đội mũ, mang kính mắt chống nắng, bôi kem chống nắng, thoa kem hay son môi chống nắng, đi xe ô tô dán phim cách nhiệt có khả năng chống tia UV và không nên ở ngoài trời quá lâu.

Về chọn kem chống nắng, Viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD) khuyên bạn nên sử dụng loại kem bảo vệ phổ rộng (chống cả tia UVA và UVB), có chỉ số SPF 30 trở lên và chống thấm nước.

Bạn cần thoa kem lên da (nhất là ở tai, mặt, cẳng tay, bàn tay) khoảng 15-30 phút trước khi ra ngoài, thoa lại ít nhất sau 2 tiếng và sau khi đổ mồ hôi hoặc bơi lội. Cũng theo Viện Da liễu Hoa Kỳ, tổng lượng kem chống nắng đủ cho một lần sử dụng khoảng 30g cho tất cả vùng da cần được bảo vệ (mặt, cổ, ngực, lưng, 2 tay, 2 chân).

Bác sĩ Huỳnh Văn Tú