Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bến Cầu:

Hướng xử lý bãi rác của gia đình bà Phan Thị Lan

Cập nhật ngày: 15/09/2017 - 14:26

BTN - Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu, di dời phế liệu đi nơi khác (theo đúng quy định) hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý.

Ngày 2.9, Báo Tây Ninh có đăng bài “Bất lực nhìn cả trăm tấn rác công nghiệp gây ô nhiễm”, đề cập đến việc nhiều hộ dân sống gần nhà bà Phan Thị Lan (tổ 27, ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) phàn nàn về bãi rác cả trăm tấn do bà Lan mang về kinh doanh nhựa tái chế gây ô nhiễm. Bà Lan trần tình, chính gia đình bà cũng bị người khác. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng hiện đang tích cực xử lý trường hợp của bà Lan theo đúng quy định.

 

Ngày 5.9, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bến Cầu cùng chính quyền xã An Thạnh đã kiểm tra cơ sở mua bán, xay xát phế liệu của hộ kinh doanh Trần Hoàng Em (con trai bà Lan).

Về hiện trạng cơ sở tại thời điểm kiểm tra, nhựa phế liệu công nghiệp được chất thành đống trên một khu đất ngoài trời, không che chắn, tạm thời chưa xác định được trọng lượng và khối lượng cụ thể. Bên cạnh đó còn phát hiện 1 máy xay nhựa, 2 hồ chứa nước rửa nhựa trong nhà căn nhà tạm.

Các hướng Ðông, Nam, Bắc giáp với nhà dân; hướng Tây giáp đất trồng mía. Cơ sở của ông Hoàng Em hiện đang tạm ngưng hoạt động. Trước đó, UBND xã An Thạnh đã kiểm tra và 4 lần lập biên bản đề nghị cơ sở này khắc phục việc gây ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay cơ sở vẫn chưa khắc phục được mà còn đốt rác gây bức xúc cho người dân.

Ngày 6.9, Phòng Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu, và đề xuất hướng xử lý hộ kinh doanh Trần Hoàng Em trong công tác bảo vệ môi trường. Có 2 đề xuất được đưa ra để cấp trên góp ý chỉ đạo.

Thứ nhất, phạt tiền đối với hành vi vi phạm và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, về hành vi không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định, phạt 2,5 triệu đồng theo điểm d, khoản 1, Ðiều 11 Nghị định số 115/2016/NÐ-CP. Về hành vi tiếp nhận chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định; phạt 3,5 triệu đồng theo điểm a, khoản 9, Ðiều 20 Nghị định số 115/2016/NÐ-CP.

Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu, di dời phế liệu đi nơi khác (theo đúng quy định) hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý.

Thứ hai, kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu chỉ đạo Chủ tịch UBND xã An Thạnh xử lý những hành vi vi phạm và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như nêu trên, đồng thời báo cáo kết quả về UBND huyện.

Như vậy, theo đề xuất của Phòng Tài nguyên và Môi trường thì gia đình bà Lan sẽ phải chịu trách nhiệm bị xử phạt hành chính và khắc phục hậu quả về hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường.

QUỐC SƠN - MINH TIÊN

Tin liên quan
  • Bất lực nhìn cả trăm tấn rác công nghiệp gây ô nhiễm 

    Bất lực nhìn cả trăm tấn rác công nghiệp gây ô nhiễm

    Khoảng một năm qua, nhiều hộ dân gần nhà bà Phan Thị Lan (tổ 27, ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) phải sống trong môi trường bị ô nhiễm vì ở gần bãi rác công nghiệp (nhựa phế liệu). Oái oăm, chính gia đình bà Lan “tác giả” của những đống rác khổng lồ này, cũng đành bất lực, phải kêu cứu.