BAOTAYNINH.VN trên Google News

Huyện hai lần Anh hùng tiến lên thị xã 

Cập nhật ngày: 07/02/2019 - 15:54

BTN - Trảng Bàng là một trong những huyện được hình thành rất sớm của tỉnh Tây Ninh. Huyện có diện tích tự nhiên hơn 340km2, gồm 10 xã và một thị trấn. Địa bàn huyện trải rộng một vùng phía Nam của tỉnh, từ cánh Tây tiếp giáp với nước láng giềng Campuchia cho đến cánh Đông tiếp giáp với tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, đây là cửa ngõ phía Nam của tỉnh, tiếp giáp với địa phận thành phố Hồ Chí Minh và Long An. Huyện được Nhà nước tuyên dương Anh hùng 2 lần.

Từ sau ngày miền Nam giải phóng đến nay, kinh tế - xã hội huyện phát triển nhanh, chủ yếu về công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Trên địa bàn huyện có các khu công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động, thu hút hàng chục ngàn lao động. Các làng nghề truyền thống của huyện được duy trì và tiếp tục phát triển. Nông nghiệp ngày càng phát triển, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, ứng dụng công nghệ cao, hướng đến cánh đồng lớn và theo tiêu chuẩn VietGAP...

Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng- nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị, các xã và thị trấn của huyện Trảng Bàng có bước phát triển rất nhanh. Trước hết là Thị trấn, có diện tích 367 ha, dân số hơn 14.600 người.

Thời gian qua, Thị trấn phát triển nhanh, đúng hướng, diện mạo đô thị không ngừng được đổi thay. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Tốc độ đô thị hoá nhanh, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư xây dựng và nâng cấp đồng bộ theo hướng đô thị dịch vụ, du lịch văn minh hiện đại. Thị trấn Trảng Bàng đã được công nhận đô thị loại IV vào năm 2016 và định hướng đến sau năm 2025, trở thành đô thị loại III.

Tiếp giáp với thị trấn Trảng Bàng và có đường Xuyên Á đi qua là các xã An Tịnh, Gia Lộc và An Hoà. Điều đáng lưu ý là trong kháng chiến chống xâm lược, cả 3 xã này đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 3 xã đều đã đạt 19/19 tiêu chí. Từ ngày nước nhà được hoàn toàn giải phóng, xã An Tịnh không ngừng phát triển.

Trên địa bàn xã hình thành hai khu công nghiệp sớm nhất của tỉnh Tây Ninh (Khu công nghiệp Trảng Bàng và Khu công nghiệp - chế xuất Linh Trung III).  Cơ cấu nông nghiệp của xã được chuyển đổi phù hợp với diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Diện mạo nông thôn không ngừng đổi thay. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao. Đây là xã đầu tiên của huyện Trảng Bàng, và là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được tỉnh công nhận xã nông thôn mới, vào năm 2014. 

An Hoà là xã thứ hai của huyện được công nhận xã nông thôn mới trong năm 2015. Lợi thế của xã nằm tiếp giáp Thị trấn, có tỉnh lộ 787A đi ngang qua và tiếp giáp với một tỉnh lộ của Long An. Đây cũng là cửa ngõ phía Nam của tỉnh đi Long An và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trên địa bàn xã có Khu công nghiệp Thành Thành Công đi vào hoạt động nhiều năm qua, đã và đang thu hút các nhà đầu tư. Hầu hết lao động trong xã có việc làm ổn định. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, xã đạt được 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Không liền kề với Thị trấn, song, hai xã Gia Bình và Lộc Hưng cũng có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế - văn hoá xã hội. Xã Gia Bình có đường Xuyên Á đi qua. Trung tâm xã cách trung tâm huyện khoảng 5km. Đến nay, xã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xã Lộc Hưng có tỉnh lộ 787B đi qua. Trung tâm xã cách huyện lỵ khoảng 5km.

Đây là xã thứ 3 của huyện được công nhận xã nông thôn mới trong năm 2016. Các xã xa huyện lỵ như Đôn Thuận, Hưng Thuận (cánh Đông của huyện), Phước Chỉ, Bình Thạnh, Phước Lưu (3 xã cánh Tây của huyện), tuy phát triển không bằng các xã nằm ở khu vực lân cận Thị trấn, nhưng những năm qua, kinh tế - xã hội của các địa phương này cũng có sự đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của huyện. Đặc biệt là xã biên giới Bình Thạnh, đến nay, đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trảng Bàng ra sức phấn đấu đưa huyện trở thành thị xã thuộc tỉnh. Theo đề án thành lập thị xã Trảng Bàng và các phường thuộc thị xã Trảng Bàng của UBND huyện, thị xã gồm toàn bộ diện tích huyện, với 340,15 km2 và dân số 160.814 người, với 6 phường nội thị và 5 xã ngoại thị. 6 phường nội thị gồm Thị trấn và 5 xã An Tịnh, An Hoà, Gia Lộc, Lộc Hưng và Gia Bình. Trong đó, Thị trấn trở thành phường.

 Để mở rộng thêm diện tích, tăng thêm dân số, phường Trảng Bàng được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số Thị trấn hiện hữu với toàn bộ diện tích và dân số 2 ấp Tân Lộc (xã Gia Lộc) và Hoà Bình (xã An Hoà). Từ đó, phường Trảng Bàng có diện tích tự nhiên 7,685km2 và dân số 19.656 người. Năm phường còn lại được thành lập trên cơ sở  toàn bộ diện tích và dân số các xã Gia Lộc (diện tích 28,99km2); An Hoà (19,25km2); Gia Bình (12,01km2), An Tịnh (33,29km2) và Lộc Hưng (45,15km2). 5 xã ngoại thị gồm Bình Thạnh (21,43km2), Phước Lưu (30,378km2), Phước Chỉ (39,228km2), Đôn Thuận (58,58km2) và Hưng Thuận (44,16km2).

Việc thành lập thị xã Trảng Bàng với các phường trực thuộc là phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và huyện nói riêng, đồng thời phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Từ huyện hình thành thị xã có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, mở rộng quy hoạch chỉnh trang không gian đô thị cửa ngõ Tây Ninh với thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm thị trấn huyện Trảng Bàng. Ảnh: Châu Tâm.

D.H