BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp:

Ít người học nghề 

Cập nhật ngày: 05/07/2019 - 08:15

BTN - Mặc dù đã có chuyển đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ (từ chỉ dạy bổ túc văn hoá nay thêm chức năng đào tạo nghề), nhưng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên vẫn kém sức hút đối với người học.

Học viên của một trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Ảnh: V.Đ

Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Đề án tổ chức lại Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện, tên gọi chính thức hiện nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Mục đích của việc tổ chức lại cải thiện chất lượng hoạt động, tập trung mảng nội dung đào tạo nghề, nhưng kết quả thu được không như trông đợi.

Châu Thành: Đề nghị UBND huyện giao chỉ tiêu đào tạo nghề

Ông Dương Ngọc Tâm- Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là Trung tâm) Châu Thành cho biết, thời gian qua, đơn vị này liên kết chiêu sinh các lớp vừa học trung cấp vừa học văn hoá tại Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh. Hiện tại, Trung tâm đang có 5 lớp  đào tạo nghề, trong đó, 2 lớp học phân luồng học sinh học tại Trung tâm với 12 học sinh (1 lớp Quản lý đất đai, và 1 lớp Tin học ứng dụng). Ngoài hai lớp nêu trên, Trung tâm còn liên kết mở 3 lớp khác học tại Trường trung cấp KT-KT Tây Ninh (tổng cộng 74 học sinh).

Những năm học trước, Trung tâm có liên kết với Trường tiểu học Thị trấn A Châu Thành tổ chức mở lớp dạy Tiếng Anh dành cho trẻ em, học tại Trung tâm. Thời gian sau này, Trung tâm đã thực hiện nhiều đợt chiêu sinh, tuy nhiên, số lượng học viên đăng ký ít nên vẫn chưa thể mở được các lớp Ngoại ngữ và Tin học.

Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm không có chỉ tiêu dạy nghề dành cho lao động nông thôn nên không tham gia mở lớp giảng dạy (do huyện không giao chỉ tiêu mở lớp).

Đối với việc đầu tư cơ sở trường lớp, sử dụng, quản lý, bảo dưỡng thiết bị dạy nghề, Trung tâm được đầu tư, trang bị các thiết bị, công cụ, dụng cụ phục vụ công tác quản lý và giảng dạy. Tuy nhiên, tháng 11.2014, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Trung tâm chia cơ sở vật chất, tài sản cho Trường THPT Châu Thành, gồm một dãy 12 phòng học (1 trệt, 2 lầu), dãy hành chính (1 trệt, 2 lầu), nhà xe giáo viên, học sinh, sân cột cờ, hệ thống điện nước, hệ thống  phòng cháy chữa cháy... Do vậy, hiện tại, Trung tâm không có phòng học đúng quy cách. Phòng làm việc của ban giám đốc, các tổ, các bộ phận cũng không có, phải tận dụng các phòng chức năng, xưởng thực hành, phòng kho để tổ chức bộ máy làm việc và duy trì công tác giảng dạy theo chức năng của đơn vị.

Trung tâm không có biên chế cũng như hợp đồng nhân viên, giáo viên quản lý thiết bị. Vì thế, từ những năm học trước, Trung tâm phân công giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm phụ trách quản lý các phòng thiết bị, phòng chức năng. Các phòng thường xuyên được vệ sinh, quét dọn, riêng việc bảo trì định kỳ không thực hiện được do giáo viên, nhân viên phụ trách không có chuyên môn (trừ 2 phòng máy tính được hợp đồng bảo trì định kỳ, sửa chữa thay thế linh kiện khi bị hư hỏng).

Học sinh phổ thông học nghề để lấy chứng chỉ ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Châu Thành.

Theo đánh giá của Trung tâm, thiết bị của phòng chức năng Lý, Hoá, Sinh và phòng máy tính được khai thác có hiệu quả. Công cụ, dụng cụ được bảo quản tốt, đồ dùng dạy học giảng dạy văn hoá, nghề  học sinh phổ thông và các thiết bị dùng chung của nghề lao động nông thôn như máy tính, máy chiếu, bảng từ thông minh, bảng di động, bàn, ghế… được sử dụng thường xuyên, có sửa chữa khi bị hư hỏng. Thống kê của Trung tâm cho thấy, có 25% thiết bị dạy nghề cho lao động nông thôn được sử dụng cho việc giảng dạy nghề điện dân dụng cho học sinh phổ thông.

Lãnh đạo Trung tâm cho biết, một số thiết bị đào tạo nghề cho cho lao động nông thôn được cấp chưa phù hợp với danh mục nghề cũng như chưa phù hợp với nhu cầu học các loại nghề của người dân trên địa bàn huyện. Lãnh đạo Trung tâm đề nghị UBND huyện, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) Châu Thành hỗ trợ công tác chiêu sinh và mở các lớp nghề đáp ứng nhu cầu của địa phương nhằm để tận dụng triệt để các trang thiết bị dạy nghề được cấp. Đề nghị Sở LĐ-TB&XH thống nhất chương trình và tài liệu giảng dạy để các trung tâm tận dụng tối đa các thiết bị đã được cấp nhưng chưa được sử dụng.

Bến Cầu: Chưa mở được lớp liên kết

Ông Trần Đại Cảnh- Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thông tin, Trung tâm chỉ mở được các lớp dạy nghề cho học sinh phổ thông (học sinh có chứng chỉ học nghề được cộng điểm khuyến khích khi thi cử). Đối với nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hai năm 2018-2019, Trung tâm được giao, tham gia đào tạo 14 lớp. Riêng các loại hình liên kết, đào tạo hệ trung cấp nghề, Trung tâm không thực hiện được.

Theo giải thích, một trong những khó khăn, bất cập là, Trung tâm toạ lạc trên một vị trí không thuận lợi, hơi xa khuất so với vùng trung tâm huyện. Việc xây dựng Trung tâm tại xã Lợi Thuận nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, nhưng vì nhiều nguyên nhân, khu kinh tế này không phát huy hiệu quả như dự báo ban đầu. 

Trảng Bàng: Èo uột dạy nghề

Ông Đặng Văn Thuỷ- Giám đốc Trung tâm cho biết, cơ sở vật chất của đơn vị được đầu tư xây dựng mới từ năm 2012 và đưa vào sử dụng từ năm 2013. Hiện tại, Trung tâm có 9 phòng học văn hoá và 6 phòng thực hành. Hệ thống điện 3 pha, hệ thống báo cháy tự động được đưa vào sử dụng từ tháng 1.2019.

Trang thiết bị dạy nghề của Trung tâm được chia làm hai nhóm, gồm dạy nghề cho học sinh phổ thông và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nội dung dạy nghề cho học sinh phổ thông phần lớn là nghề điện dân dụng, cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Thiết bị đào tạo nghề cho lao động nông thôn, được trang bị từ năm 2011, dùng để đào tạo nhóm nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản, trồng trọt, hàn cắt kim loại, điện dân dụng, sửa chữa xe máy…

Đánh giá về hiệu quả hoạt động dạy nghề, lãnh đạo Trung tâm nhìn nhận đã thực hiện tốt công tác dạy nghề cho học sinh phổ thông, mỗi năm chiêu sinh một khoá với hơn 2.000 học sinh. Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2018, Trung tâm không tổ chức dạy nghề, do không có lớp. “Hoạt động đào tạo nghề không thực hiện được, ngoại trừ việc tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn do địa phương tuyển, Trung tâm dạy theo hợp đồng với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện”- lãnh đạo đơn vị nêu khó khăn, bất cập.

Cũng như Bến Cầu, tại Châu Thành, chiếc xe máy chỉ để… làm kiểng.

Gò Dầu:  Khó tuyển sinh vì các trung tâm gần nhau

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm duy trì được 1 lớp điện công nghiệp với 16 học viên, sẽ tốt nghiệp năm 2019. Năm 2018, số lượng học viên đăng ký trung cấp ít nên không mở được lớp. Ông Trần Triều Văn, Giám đốc Trung tâm cho biết, tiếp tục thực hiện liên kết để chiêu sinh trong thời gian tới.

Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm phối hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn,  Phòng LĐ-TB&XH huỵện dạy nghề cho 177 học viên gồm các nghề may công nghiệp, trồng lúa, trồng cây ăn quả, trồng rau sạch, nuôi gà và nuôi bò.

“Trung tâm được đầu tư trang thiết bị cho các ngành nghề như chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản, thú y, trồng trọt, bảo quản nông sản, bảo vệ thực vật… mức độ sử dụng 80%. Nghề điện dân dụng, thiết bị đồ dùng dạy học, mức độ sử dụng 100%. Thiết bị dành cho dạy nghề cơ khí, sửa chữa xe máy chưa sử dụng, vì chưa mở được lớp”- báo cáo Trung tâm nêu. “Cần tập trung một số ngành nghề cụ thể cho các trung tâm có vị trí địa lý tương đối gần nhau để tránh việc chiêu sinh dàn trải, trùng lặp dẫn đến số lượng học viên không đủ mở lớp ở mỗi trung tâm”- lãnh đạo Trung tâm đề xuất.

Từ những thông tin nêu trên, có thể rút ra vài điều. Mặc dù đã có chuyển đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ (từ chỉ dạy bổ túc văn hoá nay thêm chức năng đào tạo nghề), nhưng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên vẫn kém sức hút đối với người học. Lĩnh vực đào tạo nghề, ngay cả tên gọi mới của Trung tâm cũng nhấn mạnh thành tố dạy nghề nhưng thực tế cho thấy, các lớp nghề có chất lượng rất ít.

Một vài trung tâm linh hoạt hoặc may mắn liên kết với các trường trung cấp mở được một số lớp, còn lại chỉ dạy nghề cho học sinh phổ thông. Dạy nghề cho học sinh phổ thông thật ra không phải là dạy nghề theo đúng nghĩa đen của từ này, bởi học nghề nhưng không phải để đi làm. Các lớp nghề với hàng ngàn học sinh theo học chỉ để được cộng điểm khuyến khích.

Về dạy bổ túc, như đã từng đề cập, hầu hết học sinh sau THCS đã vào học ở trường THPT. Số ít còn lại lựa chọn đi học nghề ở trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, do đó, số lượng học sinh ở các Trung tâm rất ít. Tuy tên gọi là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, nhưng thực ra các Trung tâm này không phải là nơi đào tạo nghề. Nếu muốn học nghề để đi làm, phải học ở trường nghề chính quy, bài bản.

VIỆT ĐÔNG