Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kà Ốt vào năm mới 

Cập nhật ngày: 22/04/2019 - 20:44

BTNO - Giữa tháng tư nắng nóng như rang thì các xóm ấp Khmer lại càng nồng nhiệt hơn trong dịp lễ hội đón mừng năm mới. Cũng như tết nguyên đán của người Việt ta thôi, nhưng tên gọi tết này là Chol Chnam Thmay.

Múa lâm thôn bên cây hoa bánh.

Tại những ấp có đông dân cư người Khmer, lại có chùa Khmer nữa thì những sắc màu năm mới Khmer sẽ càng lung linh. Như Khe Dol ở TP.Tây Ninh, Thác Rác bên xã biên giới Ninh Điền, huyện Châu Thành. Và xa nhất là ấp Kà Ốt, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, cách TP.Tây Ninh gần 50 cây số.

Về sự đông vui, có lẽ nơi đây chỉ còn kém có chùa Khe Dol mà thôi! Nhưng sắc màu lễ hội cũng chẳng kém gì. Thì đấy, dàn loa hiện đại dưới tấm tăng che màu đỏ chót kia, nhạc đã nổi lên rồi. Ta có thể hòa nhập ngay vào vòng múa lâm thôn cùng các cô gái váy áo rực rỡ và duyên dáng.

Vòm lá dầy của cây mít như nghiêng xuống thành một chiếc dù che. Chung quanh gốc mít, người ta đã dựng lên một sạp tre với vài cây cột chống. Những quầy chuối nây tròn, những trái mít vàng còn nguyên cuống trên cây cùng những chùm xoài xanh trĩu trịt buông xuống. Sản vật của quê hương sẽ được mang lên để dâng cúng tổ tiên, thánh thần.

Trước sân chùa

Hoặc là ta lên sàn ngôi sa la, cùng bà con góp cho sư một giỏ, một mâm phẩm vật. Giản dị thôi, như bao thóc mới gặt về từ vụ lúa đông xuân, hoặc một giỏ nhang đèn, bánh trái, mì tôm…

Thế nhưng, nơi đông nhất của ngày lễ chính là trong ngôi chùa đấy bạn. Sắp tới trưa rồi! ai vào chùa cũng mang theo một cặp lồng đựng cơm canh dâng cúng. Trước là dâng lên cúng Phật, sau là chia sớt ra bình bát của các sư sãi ngay trên sân phía trước chùa.

Trang trọng mà nồng nhiệt lắm! Người cứ túm tụm vào quanh chiếc bàn dài phủ khăn trắng, trên đã xếp sẵn những bình bát và cả vài chiếc chậu lớn. Ai nấy xúc từng muỗng cơm nhà nấu san vào từng vật đựng, không sót một cái nào.

Cúng dường cơm.

Và đẹp nhất vẫn là những nụ cười tươi rói, như làm mát và mềm đi cái nắng chói chang. Ta còn thấy ở một góc sân chùa kia mấy cô bác lớn tuổi, họ với tay qua lan can thả cơm xuống góc vườn chùa. Gần nơi ấy có một tòa tháp mới xây. Người Khmer gọi là tháp chét- đây, dành để chứa tro cốt sư sãi và những người đã qua đời. Ồ, thì ra tục lệ này cũng gần với việc cúng cô hồn của người Kinh vào dịp rằm tháng 7 âm lịch. Có phải là các bác đang mời người đã khuất trở về, chia sẻ những niềm vui.

Chùa Kà Ốt.

Như mọi chùa Khmer khác, vào năm mới, ở Kà- Ốt cũng rất đông trẻ em đến chơi ở sân chùa. Người lớn đã “hiện đại” rồi với những bộ loa lớn gọi nhau vào múa, thì trẻ em cũng đem ra sân chùa vô số những đồ chơi. Những cái kèn nhựa toe toe thổi. Những trang giấy của trò chơi ô chữ. Vì thế mà cũng thiếu vắng những trò chơi xưa cũ, với vài túm lá tre, mấy đồng tiền xu hay hột cây chơi trò bắt con gà, đánh đáo, đẩy cây…

Bên những nàng tiên nữ.

Tại một góc khác ở sân chùa Kà- Ốt, ngay trước ngôi nhà rất đẹp dành cho sư sãi còn có thêm một tiểu cảnh rất thu hút trẻ em và nam thanh nữ tú. Các em bé đang được mẹ cha bồng ẵm thì xúm xít chơi trò câu cá. Hồ nước nhỏ nhưng rất đẹp bởi các pho tượng Phật, hòn giả sơn, tượng thần rắn Naga.

Các cô gái trẻ lại đứng thành nhóm bên cạnh tượng các nàng tiên nữ, trông hệt như tiên nữ Apsara thường thấy ở những đền tháp Angkor cổ kính. Chẳng biết khi chiều về, đêm xuống, các nàng tiên ấy có hóa thân vào những cô gái rực rỡ và dịu dàng trong điệu múa lâm thôn…

Nguyễn Quốc Việt