BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kế hoạch giảm rác thải nhựa gây tranh cãi ở Đông Nam Á 

Cập nhật ngày: 11/02/2019 - 20:30

Trái ngược với kỳ vọng, sau khi Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW) tuyên bố sớm đẩy nhanh việc giảm thiểu rác thải nhựa ở Đông Nam Á, giới chuyên gia môi trường đã tỏ thái độ hoài nghi về mức độ hiệu quả của kế hoạch này.

Rác thải nhựa tại Bali, Indonesia.

Chỉ nhằm lợi nhuận?

AEPW là liên minh thành lập từ 30 công ty toàn cầu của Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông. Trong số này có các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ và hóa chất như Chevron, Dow, Formosa Plastics, Mitsubishi Chemical, Procter & Gamble, Sumitomo Chemical và Shell. Theo tuyên bố của AEPW, liên minh này sẽ chi hơn 1 tỷ USD và có thể tăng lên 1,5 tỷ USD trong 5 năm tới để phát triển và mở rộng các giải pháp quản lý chất thải nhựa, thúc đẩy các giải pháp sau khi sử dụng nhựa mà chủ yếu là tập trung vào phát triển, mở rộng các giải pháp nhằm giảm thiểu và quản lý chất thải nhựa cũng như thúc đẩy các giải pháp chuyển sang sử dụng nhựa một cách tuần hoàn với hiệu quả kinh tế cao. AEPW cũng kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, National Geographic Society (Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ) hay Project STOP…

Về lý do chọn Đông Nam Á là điểm đến đầu tiên của kế hoạch, phía AEPW cho biết, khu vực này đang đối mặt với việc trở thành trung tâm nhận rác thải thế giới, sau khi Trung Quốc cấm nhập rác từ đầu năm 2018. Sau quyết định của Trung Quốc, số lượng rác chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á đã tăng vọt. Trong vòng vài tháng, Malaysia đã trở thành quốc gia nhập rác thải nhựa hàng đầu với khối lượng cao gấp đôi lượng nhập của Trung Quốc và Hồng Công.

Trong 6 tháng đầu 2018, lượng rác nhựa ở Indonesia tăng vọt 56%. Ở Philippines, từ con số 4.398 tấn rác thải trong năm 2017 đã tăng vọt lên hơn 11.500 tấn sau lệnh cấm nhập rác của Trung Quốc. Trong khi đó, lượng nhập khẩu rác từ Mỹ đến Thái Lan tăng mạnh đến 2.000% chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018.

Theo South China Morning Post, giới chuyên gia và hoạt động môi trường đã tỏ ra hoài nghi về kế hoạch của AEPW. Tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) cho biết, trước lúc đưa ra kế hoạch chi 1 tỷ USD để giảm rác thải nhựa, một số công ty trong AEPW đã đầu tư khoảng 186 tỷ USD để lập các nhà máy sản xuất các sản phẩm từ nhựa.

Hành động này cho thấy, các công ty này vẫn có ý định tiếp tục sản xuất sản phẩm từ nhựa để thu lợi nhuận. Mục đích chủ yếu của các hành động trên được cho là nhằm đánh lạc hướng dư luận, tô vẽ mình thành công ty được “xanh hóa” nhằm duy trì và tăng lợi nhuận dưới sức ép phải bảo vệ môi trường trên toàn cầu.

Vấn đề của châu Á

Đồng quan điểm với Greenpeace, ông Tom Zoete, người phát ngôn của tổ chức Recycling Netwerk, cho rằng, nhiều công ty gia nhập AEPW chỉ với hy vọng cải thiện hình ảnh và khiến mọi người nhầm tưởng họ là công ty thân thiện hơn với môi trường. Theo ông Tom Zoete, việc đưa ra kế hoạch giảm rác thải nhựa của AEPW còn nhằm mục đích cho Mỹ và phương Tây thấy rằng, khủng hoảng rác thải nhựa chỉ là vấn đề của châu Á. Trong khi đó, theo Greenpeace Malaysia, nhóm quốc gia có thu nhập cao chiếm đến 90% lượng rác thải nhựa trên toàn cầu. Vấp phải hàng loạt chỉ trích, AEPW vẫn chưa chính thức đưa ra tuyên bố nào để phản bác.

Trong khi đó, các nước Đông Nam Á cũng đã có kế hoạch nhằm ngăn chặn các thảm họa môi trường từ rác thải nhựa do không có đủ cơ sở hạ tầng và năng lực tiếp nhận lượng rác thải khổng lồ này. Bộ Tài nguyên và môi trường Thái Lan cho biết, Thái Lan đã hình thành nghị quyết sẽ cấm nhập khẩu rác thải nhựa nước ngoài từ năm 2021.

Malaysia cũng nói không với nhập khẩu rác thải nhựa nước ngoài. Từ tháng 9-2018, chính phủ nước này đã điều chỉnh yêu cầu liên quan về giấy phép nhập khẩu rác thải nhựa. Trong lúc đó, Chính phủ Indonesia vừa đề ra mục tiêu giảm 70% lượng rác nhựa thải xuống đại dương vào năm 2025. 

Nguồn SGGPO


Liên kết hữu ích