Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sai phạm tại trường THCS Thị trấn Tân Biên:

Kế toán bị phạt 5 năm tù tội tham ô 

Cập nhật ngày: 17/06/2018 - 23:58

BTN - Ðó là quyết định của TAND huyện Tân Biên đối với bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Anh- nguyên kế toán Trường THCS thị trấn Tân Biên trong vụ án liên quan đến sai phạm tại trường này, mà trước đây, Chủ tịch UBND huyện Tân Biên đã có kết luận thanh tra, chuyển vụ việc sang Cơ quan CSÐT, Công an huyện Tân Biên làm rõ. Vụ án được toà án đưa ra xét xử vào ngày 13.6.2018.

Chủ toạ phiên toà tuyên án.

Kế toán thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội

Tại phiên toà, bị cáo Hoàng Anh thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng của Viện KSND truy tố. Theo đó, trong thời gian làm kế toán, từ năm 2015, lợi dụng việc thanh toán tiền lương qua thẻ ATM và được các giáo viên uỷ thác trả hộ tiền vay Ngân hàng Quân đội (MB bank) qua thẻ ATM, bị cáo Hoàng Anh đã kê khống thêm tiền lương, bằng hình thức cộng thêm phần tiền muốn chiếm đoạt vào cột tổng của bảng lượng, sau đó làm giấy rút dự toán bằng với tổng lương đã được kê thêm, lập danh sách chuyển lương qua ngân hàng.

Khi lập danh sách rút lượng cho giáo viên và nhân viên của trường, danh sách bảng lương đầu tiên được bị cáo Hoàng Anh lập đúng, nhưng sau đó, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của hiệu trưởng, bị cáo kê thêm, nâng tổng số tiền lương lên nhiều hơn so với ban đầu.

Với thủ đoạn này, từ tháng 1.2015 đến tháng 11.2016, bị cáo Hoàng Anh đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 129 triệu đồng, trong đó chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước hơn 126 triệu đồng.

 Về nguyên nhân dẫn đến hành vi “Tham ô tài sản”, tại toà, bị cáo Hoàng Anh cho biết là do “hoàn cảnh khó khăn”. Lúc đầu, Hoàng Anh kê lên số tiền nhỏ, nhưng sau đó thấy dễ “qua mặt” hiệu trưởng nên kê lên càng nhiều.

Khi toà hỏi về hành vi sai phạm của mình, bị cáo trả lời: “Bị cáo nghĩ nếu bị phát hiện, sẽ nộp lại, chứ không nghĩ hậu quả như ngày hôm nay”. Ðối với tiền ngân sách, bị cáo Hoàng Anh “chỉ rút về sử dụng khi nhà trường có yêu cầu”, bởi vì tiền ngoài ngân sách còn tồn quỹ, hiệu trưởng chỉ đạo lấy sử dụng trước.

Hoàng Anh khai trước toà về số tiền bị xuất toán: “Nếu không được quyết toán năm này, thì quyết toán năm khác”. Bị cáo Hoàng Anh chỉ thừa nhận mình có quản lý và chịu trách nhiệm số tiền ngân sách, còn tiền ngoài ngân sách thì không biết, việc chi, xuất là do hiệu trưởng, thủ quỹ, sau đó thông báo lại cho bị cáo biết.

Bị cáo Hoàng Anh cũng cho HÐXX biết, bị cáo không có quyết định của người có thẩm quyền quyết định bị cáo làm kế toán mà chỉ nhận được “một thông báo” làm kế toán. Về việc quản lý tài chính, trường có nhiều nguồn tiền, “mượn nguồn tiền này, nhưng chi tiền có nội dung của nguồn khác. Bị cáo Hoàng Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tân Biên Ðỗ Ngọc Hiền và nguyên thủ quỹ Trần Thị Lộc chưa bao giờ ngồi lại cùng nhau kiểm tra tiền mặt.

Tuy nhiên, tại toà, Hiệu trưởng Hiền cho hay, nhiệm vụ của giáo viên, nhân viên đều thể hiện trong quy chế làm việc, trong đó, bị cáo Hoàng Anh làm công việc kế toán của trường. Khi được hỏi về nghiệp vụ kế toán, bị cáo Hoàng Anh cho biết đang học hình thức đào tạo từ xa liên thông đại học nhưng chưa kết thúc khoá học. Ðại diện Viện KSND liên tục hỏi về trách nhiệm kế toán đối với những sai phạm về tài chính xảy ra tại trường.

Viện KSND cho rằng, khi đã học nghiệp vụ kế toán, được giao nhiệm vụ kế toán, đương nhiên phải có trách nhiệm quản lý thu chi tài chính theo quy định, chứ không thể nói không biết việc thu chi nguồn tiền ngoài ngân sách là do thủ quỹ và hiệu trưởng.

Về việc để cho kế toán “qua mặt”, theo nguyên Hiệu trưởng Ðỗ Ngọc Hiền, ông chỉ ký duyệt “con số tổng, không thể kiểm tra hết” vì bảng lương nhiều trang. Khi xem bảng lương thấy khớp số liệu thì ký, chứ phần mềm quản lý kế toán, ông Hiền không biết.

Ðối với việc chi sai mục đích, không có chứng từ, Hiệu trưởng Hiền thừa nhận “thấy sai” với toà nhưng do tham mưu của kế toán. Còn việc chi không có chứng từ, ông Hiền giải thích là... do chứng từ bị mất chứ không phải chi không có chứng từ.

Lý giải về trách nhiệm trong việc mất chứng từ, ông Hiền cho biết, thời điểm đó ông đang đi học. Theo ông Hiền, lúc đó, kế toán Hoàng Anh đến Phòng Giáo dục - Ðào tạo (thời điểm này, Phòng cũng đang kiểm tra tài chính trường - NV) lấy hồ sơ, sau đó đưa cho thủ quỹ mượn để photocopy nên thất lạc. Trong khi đó, nguyên kế toán Hoàng Anh cho biết, chứng từ ngoài ngân sách, Hoàng Anh không giữ.

Trả lời toà về số tiền hơn 146 triệu đồng, thủ quỹ Trần Thị Lộc khẳng định số tiền này bà cho trường mượn trước để chi, chứ không chiếm đoạt như Thanh tra kết luận. Trước đó, khi bàn giao nhiệm vụ, giữa ông Hiền và ông Nguyễn Thanh Phương (nguyên hiệu trưởng trường), chỉ còn tồn tiền mặt hơn 13 triệu đồng.

Vì vậy, sau này, ông Hiền nói với bà Lộc nhà trường không có tiền chi tiền phụ đạo cho giáo viên nên bà Lộc cho trường mượn chi tạm nhiều lần với tổng số tiền trên 146 triệu đồng. Tuy nhiên, về số tiền này, hiệu trưởng Hiền không thừa nhận “có mượn” của bà Lộc.

Theo ông Hiền, khi được thủ quỹ báo không có tiền, ông nói biết trường thu nhiều khoản tiền. Còn kế toán bảo còn thiếu “một trăm mấy chục triệu”. Ông yêu cầu đối chiếu lại, nếu sai phải nộp vào. Về nguồn tiền ngoài ngân sách, theo kế toán Hoàng Anh, lúc họp hội đồng, thủ quỹ Lộc báo cáo, kế toán chỉ nghe mà không nắm được cụ thể. Chỉ có thủ quỹ Lộc và hiệu trưởng biết.

Trong khi hiệu trưởng Hiền và thủ quỹ Lộc còn “đôi co” trước toà về số tiền 146 triệu đồng này, người nói có, kẻ nói không thì hiệu trưởng hiện nay là ông Nguyễn Thanh Chương trình bày, hiện nhà trường không có tiền để trả 146 triệu đồng này. Vì vậy, ông Chương đề nghị toà xem xét giải quyết giùm, nhưng không nêu quan điểm yêu cầu toà làm rõ về số tiền trên theo quy định pháp luật.

Trong phần luận tội, VKS đề nghị HÐXX xử phạt bị cáo Hoàng Anh từ 5 đến 6 năm tù tội “Tham ô tài sản” theo quy định của BLHS. Nói lời nói cuối cùng, bị cáo Hoàng Anh xin HÐXX giảm nhẹ hình phạt, bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, con còn nhỏ.

Trong phần tuyên án, thẩm phán, chủ toạ phiên toà Nguyễn Thị Phương tuyên xử phạt bị cáo Hoàng Anh 5 năm tù về tội “Tham ô tài sản” theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ðối với ông Ðỗ Ngọc Hiền, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tân Biên, là chủ tài khoản, trực tiếp thực hiện và chỉ đạo thực hiện các khoản chi của trường sai nguyên tắc tài chính, nhưng không chứng minh được ông Hiền chiếm đoạt tiền của trường.

Trong công tác quản lý, ông Hiền thiếu trách nhiệm, không phát hiện kế toán kê thêm tiền lương chiếm đoạt trên 86,5 triệu đồng. Cơ quan CSÐT- Công an Tân Biên không khởi tố ông Hiền tội “Tham ô tài sản” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, chủ toạ phiên toà xác định là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

Ðối với ông Phan Thanh Chương, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tân Biên, là chủ tài khoản, thiếu kiểm tra, nên dẫn đến việc kế toán kê thêm tiền lương chiếm đoạt hơn 37 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này không đủ định lượng nên Cơ quan CSÐT- Công an Tân Biên không khởi tố ông Chương tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được chủ toạ phiên toà xác định là có căn cứ.

Ðối với thủ quỹ Trần Thị Lộc, do “không có căn cứ xác định bà Lộc chiếm đoạt số tiền hơn 171 triệu đồng nên Cơ quan CSÐT- Công an Tân Biên không khởi tố bà Lộc tội “Tham ô tài sản” là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

Còn nội dung chưa được làm rõ

Về số tiền hơn 146 triệu đồng, ông Chương cho rằng, vụ việc xảy ra lúc ông chưa được phân công làm hiệu trưởng nên ông không biết. Do hai bên không thoả thuận được nên chủ toạ phiên toà xác định phải giải quyết trong một vụ kiện dân sự khác khi có yêu cầu.

Trong khi đó về nội dung trên, tại kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND huyện Tân Biên kết luận, qua kiểm tra xác định còn tồn tiền mặt thời điểm tháng 2.2015 là trên 171,1 triệu đồng. Sau đó, từ tháng 10.2015 đến 15.6.2016, bà Lộc trả cho trường 4 lần với số tiền trên 146 triệu đồng. Thanh tra kết luận bà Lộc còn chiếm giữ trên 24,6 triệu đồng.

Về nội dung này, khi làm việc với đoàn thanh tra, bà Lộc cho rằng đó là các khoản thu của trường suốt năm học. Các khoản chi, chủ tài khoản đều chi trước, sau đó rút tiền về.

Tất cả các chứng từ chi, bà Lộc nộp cho kế toán nhập vào phần mềm để quyết toán. Số tiền học phí âm quỹ, kế toán yêu cầu chủ tài khoản cho rút học phí để bù vào. Phần tổng hợp thiếu, thừa quỹ, đề nghị rút tiền là do kế toán.

Khi kế toán quyết toán xong lại không đối chiếu với bà Lộc tiền học phí thừa thiếu. Những chứng từ nào đã được quyết toán bà Lộc đều không biết. Khi bàn giao quỹ, kế toán báo tồn 0 đồng, nhưng tháng 10 - 11.2015, ông Hiền báo bà Lộc còn nợ quỹ học phí 124 triệu đồng, trường không đủ tiền chi phụ đạo cho giáo viên.

Nghe vậy, bà Lộc nộp cho Quỳnh 100 triệu đồng, đồng thời nói với ông Hiền, nếu kiểm tra không thiếu quỹ thì trả lại cho bà. Trường THCS thị trấn giữ của bà Lộc trên 146 triệu đồng. Trong khi đó, ông Hiền cho biết, kế toán Hoàng Anh báo với ông thủ quỹ Lộc còn thiếu 170 triệu đồng.

Thủ quỹ Lộc thừa nhận còn thiếu quỹ có ký biên bản nhưng sau đó... biên bản mất. Ngược lại, kế toán Hoàng Anh lại cho rằng, thời điểm bà Lộc làm thủ quỹ còn tồn 120 triệu đồng.

Tại bản Kết luận điều tra, nội dung này thể hiện “bà Lộc không thừa nhận chiếm giữ số tiền nêu trong bản kết luận thanh tra”. Kết luận điều tra nêu: “bà Lộc khẳng định bà không chiếm giữ”, “bà không còn nợ tiền học phí, trường còn nợ tiền bà Lộc ứng chi cho quỹ ngoài ngân sách gần 10 triệu đồng.

Lý do nộp lại tiền vì khi gần Tết, ông Hiền khẳng định bà Lộc còn nợ tiền học phí và thúc giục bà Lộc trả tiền để cấp tiền phụ đạo cho giáo viên nên bà cho trường mượn trước số tiền hơn 146 triệu đồng”.

Về số tiền trên 146 triệu đồng mà bà Lộc cho rằng bà cho nhà trường mượn, được biết, ngày 20.10.2015, bà Lộc giao cho thủ quỹ Quỳnh 100 triệu đồng. Tiếp tục, tháng 11.2015, bà Lộc 2 lần nộp cho Quỳnh số tiền trên 8 triệu đồng và 3,8 triệu đồng. Tổng số tiền trên, thủ quỹ Quỳnh ký tên ghi: “đã nhận đủ 121.195.000đ”.

Ðến ngày 5.2.2016 (tức 27 Tết), bà Lộc giao cho thủ quỹ Quỳnh 10 triệu đồng ghi nội dung là “để thầy lì xì giáo viên” và ký tên nhận. Tiếp đến, năm 2016, bà Lộc giao cho Quỳnh thêm trên 24 triệu đồng. Sau đó, thủ quỹ Quỳnh ký nhận tổng cộng là trên 146 triệu đồng. Tất cả số tiền trên đều ghi rõ: “Nộp Quỳnh”.

Như vậy, số tiền trên 146 triệu đồng này bà Lộc chiếm giữ trái quy định, sau đó dần dần trả lại trường, hay là bà Lộc “lấy tiền nhà” cho nhà trường mượn, nội dung này cần được làm rõ. Mọi người đặt nghi vấn: số tiền hàng trăm triệu đồng cho Trường THCS Thị trấn mượn mà không ghi giấy mượn, ký giao nhận giữa người cho mượn và “chủ trường”, sau đó, đứng trước toà lại “đôi co” qua lại hết sức đáng ngờ.

Ðược biết, liên quan đến sai phạm tại Trường THCS thị trấn Tân Biên, Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ Tân Biên cũng đang kiểm tra dấu hiệu đảng viên vi phạm tại đơn vị này, trong đó có đảng viên Ðỗ Ngọc Hiền để xử lý theo quy định của Ðảng.

Trước đó, Viện KSND tỉnh cũng nhận được văn bản kiến nghị của Chủ tịch UBND huyện Tân Biên liên quan đến kết luận điều tra của Cơ quan CSÐT- Công an huyện Tân Biên, mà trước đó, Chủ tịch UBND huyện kiến nghị cơ quan này xử lý hình sự không chỉ... một mình kế toán.

ÐỨC TIẾN - VIỆT ÐÔNG