BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Keo Onl, Bòn ơi!” 

Cập nhật ngày: 19/11/2019 - 08:59

BTNO - Trong ấp, hễ ai có việc gì, cần gì, họ đều gọi “Bòn ơi!”. Chỉ với hai tiếng gọi giản đơn như vậy, mà từ 10 năm nay, trách nhiệm của già làng ngày một nặng nề hơn.

Tháng 5.2019, Già làng Keo Onl được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ngoài tên “cúng cơm” Keo Onl (sinh năm 1971), bà con ấp Bố Lớn còn gọi chị bằng một cái tên thân thuộc: Kà Reo. “Bòn” trong tiếng dân tộc Khmer nghĩa là bạn, bởi trong ấp, hễ ai có việc gì, cần gì, họ đều gọi “Bòn ơi!”. Chỉ với hai tiếng gọi giản đơn như vậy, mà từ 10 năm nay, trách nhiệm của già làng ngày một nặng nề hơn.

Nữ già làng đầu tiên

Đến xã Hòa Hội (huyện Châu Thành), hỏi tìm chị Kà Reo - Tổ trưởng Tổ tự quản số 4 không khó, từ đứa con nít nhỏ lớp 2, lớp 3 cũng có thể chỉ cặn kẽ đường vào nhà chị- nữ già làng đầu tiên của ấp, được đồng bào dân tộc tin tưởng, đề cử làm người có uy tín nhất.

Ấp Bố Lớn có 287 hộ dân sinh sống, trong đó có 32 hộ là người dân tộc Khmer, đời sống khó khăn do ruộng đất ít, lại đông con. Năm 2009, chị Keo Onl tham gia tổ hội phụ nữ ấp Bố Lớn đứng ra vận động giúp đồng bào Khmer thoát nghèo.

Là người con của làng, chị thấu hiểu nỗi cơ cực của bà con dân tộc do đường sá đi lại khó khăn, nằm cách xa trung tâm xã, huyện, đời sống kinh tế quanh năm chật vật thiếu thốn, lo cho cái ăn, cái mặc đã khó, nên việc học của mấy em nhỏ cũng không mấy mặn mà.

Đối với chị, “nghèo không phải là cái tội. Tôi cũng là một trong những hộ nghèo ở đây. Tôi không có tiền bạc gì để giúp bà con, nên tôi chỉ biết giúp bằng tinh thần. Miễn sao, giúp bà con mình vượt khó, không còn nghèo nữa”.

Già làng Keo Onl (áo sẫm) trao bò sinh sản do Hội Phụ nữ hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Khmer vượt khó.

Căn nhà nhỏ vài trăm mét vuông đất, buổi sáng với nồi hủ tíu xương thịt, thu nhập thêm với quầy tạp hóa nhỏ. Mỗi ngày kiếm hơn 200 ngàn đồng. Vậy tiền đâu để giúp bà con dân tộc? Nhưng chị đã làm được. Chị kể, hộ kế bên nhà mấy mùa mưa qua cứ dột dầm dề, cả nhà năm người chen chúc nhau trong một góc dưới nền đất. Vách nhà mục nát, sập đến nơi. Ray rứt, muốn giúp lại không có tiền.

Trong một lần ra ngoài xã, ngồi quán nước ven đường, chị kể than với người quen chuyện nhà hàng xóm, hỏi tìm ai đó xin vài tấm thiếc cũ giúp lợp lại mái nhà tránh nắng, tránh mưa. Nghe rồi, ai cũng im lặng, tặc lưỡi cho qua. Chị về mà lòng còn ray rứt, “Không biết qua mùa mưa này, họ có chịu nổi hay không, thương mấy đứa nhỏ sẽ bị bệnh”.

Cũng trong ngày đó, một người đàn ông giới thiệu là Chín Lâm tới hỏi thăm trường hợp gia đình chị vừa kể. Sau khi “thị sát”, người đàn ông này lập tức kêu thợ tới thay toàn bộ mái tôn, xây lại tường gạch kiên cố, chắc chắn. Tổng chi phí ông Chín hỗ trợ hơn 19 triệu đồng. Lúc đó, thấy nền nhà còn thấp, nước ngập, chị Keo Onl cũng đi xin mạnh thường quân khác được 2 xe đất sang nền.

“Tôi mừng hết sức luôn! Cũng nhờ có anh Chín Lâm và bên nhà xe đổ đất cho, vợ chồng con cái nó có cái nhà mới ở sạch sẽ”- chị Keo Onl cười nói. Chị tiếp: “ Chưa hết đâu, cất căn nhà xong, ổng (anh Chín Lâm) còn cho gạo, tiền, dầu ăn, đường, bột ngọt, giường chiếu... Họ chở tới đầy đủ luôn. Ở đây, bà con cứ nói là ổng làm “tân gia” cho tụi nó”.

Nhà bà Keo Sươn (56 tuổi) cũng nghèo, không có đất sản xuất, thêm gánh nặng 3 cháu nhỏ đang tuổi đi học. Số phận 7 con người cùng sống trong căn nhà nhỏ sập xệ. Xót lòng, chị Keo Onl giới thiệu lên cấp trên xây được căn nhà mới theo chương trình 134 “Hỗ trợ nhà dân tộc” của Chính phủ, vận động nhà tài trợ xây nhà vệ sinh.

Chưa hết, già làng Keo Onl còn xin bên Hội phụ nữ và Mặt trận huyện hỗ trợ bò cái về nuôi. Nhờ vậy, kinh tế gia đình bà Keo Sươn khá hẳn lên, các cháu được đi học đàng hoàng.

Khi hỏi về già làng Keo Onl, bà Keo Sươn run run nói: “Hồi trước gia đình tôi khổ lắm! Có Keo Onl lên làm, nó (ý chỉ già làng-PV) xin được cái căn nhà, nhà vệ sinh. Rồi con bò, tài trợ 1 con nữa, có chữa sắp đẻ. Ở đây, bệnh đau gì nó cũng lo, nó kêu taxi giùm. Người chết thì nó xin áo quan. Ai đói nó cho ăn, nó giúp bà con trong xóm này nhiều lắm! Tụi tôi thương nó nhiều. Bởi vậy cho nó làm việc nhà nước đi, đừng cho nó nghỉ, vì con Keo Onl nó biết làm”.

Già làng Keo Onl hướng dẫn trẻ em Khmer đội mũ bảo hiểm khi ra đường.

Chị Lê Thị Thông (46 tuổi, người dân tộc Khmer) có con trai 4 tuổi bị tim bẩm sinh, người ốm yếu, gầy nhom. Đã vậy, cuộc sống gia đình lại thiếu thốn đủ bề. Nhiều khi, không biết hỏi mượn ai, chị đành kêu tới già làng Keo Onl, “Bòn ơi!”, chỉ có vậy, già làng không ngại đi xin tiền hỗ trợ cho gia đình chị Thông. Ôm con trai nhỏ bệnh tật trong lòng, chị Thông nói: “Sắp tới đây, con trai tôi được mổ tim miễn phí tại Viện Tim TP.HCM. Nhờ bòn Kà Reo đó!”.

Với phương châm “lấy sức dân làm lợi cho dân”, không trông chờ, ỷ lại. Từ năm 2016 đến nay, già làng Keo Onl đã vận động các nhà hảo tâm, Việt kiều tặng 471 phần quà, trị giá 141,3 triệu đồng cho người dân trong ấp, các ấp lân cận và hội viên các ngành trong xã; vận động quà cho người dân dịp Tết Nguyên đán và Tết của người dân tộc Khmer.

Riêng năm 2019, già làng Keo Onl đã vận động xây tặng 4 căn nhà tình thương (trị giá 55 triệu đồng/căn), 9 nhà vệ sinh (10 triệu đồng/NVS), xe đất làm nền nhà, sửa lại đường đi, xin hỗ trợ bò sinh sản cho nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn trong ấp.

“Người hòa giải” vùng biên giới

Năm 2016, sau khi được chi bộ ấp, các ngành của xã Hoà Hội triển khai, quán triệt các nội dung của Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, già làng Keo Onl càng ý thức hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác hỗ trợ xoá đói giảm nghèo, vận động người dân tham gia giữ gìn cột mốc, đường biên.

Ngoài việc giúp đồng bào dân tộc Khmer trong ấp thoát nghèo, già làng Keo Onl còn là “người hòa giải” các mâu thuẫn giữa bà con trong ấp, kể cả những tranh chấp giữa người dân hai bên biên giới Việt Nam- Campuchia.

Cột mốc số 148 đóng ở địa bàn ấp Bố Lớn, khu vực biên giới giáp ranh nước bạn Campuchia, già làng Keo Onl rõ như lòng bàn tay. Hễ có vấn đề phát sinh tại khu vực biên giới, già làng chính là người biết trước và kịp thời thông báo với Đồn Biên phòng Phước Tân để giải quyết.

Hàng tháng, già làng cùng lực lượng du kích, biên phòng, công an xã đi tuần tra quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ an ninh trật tự xóm ấp. Không những vậy, già làng còn thường xuyên vận động người dân tham gia bảo vệ tuyến đường biên giới, không vượt biên, không mua bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm,…

Đối với già làng Keo Onl, được chồng con hiểu và chia sẻ, thông cảm là điều hạnh phúc nhất.

Chị Keo Onl cho biết, cách đây không lâu, khu vực biên giới xảy ra xích mích tranh chấp đất đai, hoa màu. Xích mích gần như lên tới đỉnh điểm, căng thẳng. Vậy là, với vai trò “già làng”, chị Keo Onl lặn lội đi “giảng hòa”. Kết quả ngoài mong đợi, hai bên vui vẻ, tiếp tục hợp tác làm ăn.

“Tôi ở đây từ nhỏ tới lớn, tôi hiểu tiếng Khmer, hiểu tập quán người Khmer. Rồi hiểu thêm tiếng Việt, nên tôi dễ nói chuyện với họ hơn. Tuy ở hai bên biên giới, nhưng đều nói chung tiếng Việt, tiếng Khmer, cùng giữ gìn biên giới. Tôi chỉ mong hai bên dân tộc luôn là anh em. Có vậy, bà con hai bên mới ổn định cuộc sống, mới phát triển kinh tế gia đình”- già làng Keo Onl quả quyết.

Thấy cuộc sống già làng còn khó khăn, Đồn Biên phòng Phước Tân tặng 3 con heo rừng để nuôi, vừa giải quyết thức ăn thừa từ quán hủ tíu, vừa cải thiện kinh tế gia đình. Quán hủ tíu nhỏ là kế sinh nhai của gia đình, trung bình mỗi ngày kiếm được 150-200 ngàn đồng, nhưng hễ có việc trong ấp, trên xã, già làng “đóng cửa” để đi lo. Đi đến nỗi “mất mối” hủ tíu.

Ban đầu, người đàn ông trụ cột trong nhà khó chịu, không ưng bụng vì chị cứ bỏ bê việc nhà, chồng con. Nhưng sau khi hiểu chuyện, anh thông cảm, chia sẻ với chị mọi việc trong ngoài. “Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi được chồng, con hiểu và cảm thông với việc tôi làm.

Con tôi nó lớn rồi, nó có học nên nói tôi muốn làm gì thì làm. Còn chồng tôi, anh ấy luôn đứng phía sau hỗ trợ tôi. Bởi, mình không giúp được gì cho người khác, nhưng nếu có tấm lòng, người ta sẽ thương!”- già làng Keo Onl chia sẻ.

Tâm Giang