BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kết quả thực hiện 4 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 

Cập nhật ngày: 20/10/2017 - 06:00

BTN - Qua hơn 6 tháng hoạt động (từ tháng 3.2017 đến nay), Ban Chỉ đạo và các nhóm công tác đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là tham mưu, định hướng phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực.

Thành phố Tây Ninh nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Vĩnh Tuyên

Tại hội nghị trực tuyến thông báo kết quả hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) chiều 18.10.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện 4 nhóm giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chủ tịch Phạm Văn Tân cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban, Phó Bí thư Tỉnh uỷ- Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó ban để thực hiện những giải pháp đột phá.

Đồng thời, thành lập 4 nhóm nghiên cứu tạo đột phá trong các lĩnh vực, đột phá về hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông, đột phá về phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, đột phá về nguồn nhân lực và đột phá về du lịch.

Qua hơn 6 tháng hoạt động (từ tháng 3.2017 đến nay), Ban Chỉ đạo và các nhóm công tác đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là tham mưu, định hướng phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực.

Đột phá về kết cấu hạ tầng

Trên cơ sở đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng của tỉnh, cũng như nhu cầu phát triển của địa phương, nhóm nghiên cứu đã tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là tạo đột phá về hạ tầng giao thông của giai đoạn 2017-2020 và có xét đến năm 2025 tập trung vào các công trình dự án trọng điểm, đó là:

Đề xuất với các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ đưa dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và Mộc Bài - Xa Mát vào kế hoạch đầu tư trung hạn của Chính phủ. Đây có thể xem là dự án quan trọng nhất để tạo điều kiện cho Tây Ninh đột phá phát triển về kinh tế, nhất là tập trung kêu gọi đầu tư, hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh, rút ngắn thời gian di chuyển. Nếu không có hệ thống đường cao tốc, Tây Ninh khó có thể tạo đột phá về kinh tế trong thời gian sắp tới.

Hiện Chính phủ đã cập nhật vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn đến năm 2025. Do có một số khó khăn trong việc thực hiện dự án BOT trên toàn quốc nên dự án này cũng đang gặp những khó khăn nhất định, việc triển khai có thể chậm hơn so với tiến độ đã đề ra. Tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với bộ, ngành- nhất là thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn để hiện thực hoá dự án này. Bộ Giao thông đã mời UBND tỉnh làm việc với cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc - Coika để tư vấn, dự kiến năm 2019 Coika sẽ có báo cáo tiền khả thi.

Nhằm kết nối đồng bộ, nhất là tạo hành lang phát triển với các tỉnh, thành phố lân cận, cũng như góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch, tỉnh đã đề nghị Chính phủ nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quốc lộ 22, 22B giai đoạn 2017 - 2020; đẩy nhanh tiến độ đường Hồ Chí Minh (đi qua Tây Ninh), đường tuần tra biên giới.

Đối với quốc lộ 22, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc giao UBND thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).

Tuyến bắt đầu từ ngã tư An Sương đến Mộc Bài dài 58km, trong đó, đoạn qua Tây Ninh 28km. Dự kiến quy mô đầu tư đoạn từ Suối Sâu đến ngã ba giáp đường ĐT782 dài 7km sẽ mở rộng 40m, đoạn còn lại đến Mộc Bài thảm nhựa tăng cường trên đường cũ và hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng. Hiện nay, UBND thành phố Hồ Chí Minh đang rà soát, đánh giá và chấn chỉnh lại tất cả các dự án BOT trên địa bàn của Thành phố; đồng thời, các cơ quan bộ, ngành đang rà soát lại hành lang pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp nên dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 theo hợp đồng BOT chưa thực hiện trong thời điểm này.

Tỉnh Tây Ninh sẽ tích cực làm việc với thành phố Hồ Chí Minh tìm phương án đầu tư phù hợp cho việc nâng cấp mở rộng quốc lộ 22. Ngoài ra, về dự án cải tạo, sửa chữa quốc lộ 22B, tổng vốn đầu tư 255 tỷ đồng được chia trong 3 năm (2017-2019), trong đó, vốn kế hoạch năm 2017 là 74,2 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án 8 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết,  dự án sẽ khởi công trong tháng 12.2017, năm 2018 sẽ thực hiện đoạn từ Gò Dầu đến Sư đoàn Bộ binh 5.

Về đường Hồ Chí Minh, nút giao vượt liên thông với đường Xuyên Á đang triển khai thi công và hoàn thành trước 30.4.2018. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đang đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện theo hình thức PPP (hợp đồng BOT), và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải

Với dự án đường tuần tra biên giới, trong kế hoạch 2017-2020, Bộ Quốc phòng sẽ đầu tư đoạn từ cửa khẩu Xa Mát đến giáp ranh tỉnh Long An dài 130km. Tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Quy mô chung của đường tuần tra biên giới được duyệt trong cả nước là mặt đường bê tông xi măng rộng 3,5m, cầu rộng 5,5m để kết hợp bảo đảm quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh đã xin ý kiến Tỉnh uỷ đề nghị với Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ mở rộng những đoạn đường trọng yếu và mở rộng cầu để bảo đảm nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời điều chỉnh hướng tuyến đoạn qua cửa khẩu Mộc Bài để không ảnh hưởng đến quy hoạch chung của cửa khẩu, nguyên tắc là đường tuần tra biên giới phải cách đường biên giới hiện quản không quá 1km.

Những kiến nghị của Tây Ninh đã được Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý, cụ thể là: cho tỉnh mở được 35km, mặt đường rộng 5,5m và được cán đá láng nhựa. Đoạn nằm trên đường 791 từ Xa Mát vào ngã ba Lò Gò và trên đoạn đường này có cửa khẩu phụ Tân Nam đã được Chính phủ đồng ý chủ trương nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế; đoạn đường DH8 (huyện Châu Thành), dài 8km cũng được mở rộng mặt đường là 5,5m; đoạn từ Đìa Xù, dài 4,5km, có mặt đường hiện hữu rộng 6m; tất cả các cầu trên tuyến mở rộng 7m.

Đồng thời tập trung nguồn lực của địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quan trọng của tỉnh như: đường ĐT782 - ĐT784 từ tuyến tránh quốc lộ 22 đến ngã tư Tân Bình, đoạn này sẽ không thực hiện hình thức đầu tư BOT, mà sẽ đầu tư từ ngân sách của tỉnh, tổng mức đầu tư là 1.170 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2018 sẽ khởi công.

Đường Đất Sét - Bến Củi sẽ mở rộng và nhựa hoá để mở ra hướng đi thành phố Biên Hoà của Đồng Nai, nếu đi bằng ô tô khoảng 2 giờ 10 phút và tổng mức đầu tư tuỳ theo quy mô nhưng cũng khoảng vài ba trăm tỷ đồng. Dự kiến năm 2018 sẽ thi công. Đường tỉnh ĐT781 từ ngã 3 Bờ Hồ đến tỉnh Bình Dương, có chiều dài 13km, tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng, đầu tư trong giai đoạn 2018-2020 để phát triển kinh tế kết hợp với du lịch.

Đường ĐT790 nối dài từ đường Khedol Suối Đá đến Bờ Hồ - Bàu Vuông - cống số 3, (tuyến này chưa có), trước mắt sẽ mở đường đất, sau đó đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng thị trấn Dương Minh Châu; đồng thời để phát triển du lịch.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực vận chuyển, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị hoá và phục vụ du lịch, tỉnh tiếp tục đầu tư các dự án: nâng cấp, mở rộng đường 30.4 từ ngã 3 Mít Một đến Đài liệt sĩ theo hướng hiện đại, sau khi nâng cấp, mở rộng sẽ ngầm hoá hệ thống điện và cáp viễn thông, xoá bỏ các con lươn, mở rộng làn xe, tăng thêm độ dày mặt đường, có lề đường hoàn chỉnh tạo điều kiện phát triển thương mại - dịch vụ, dự án này tổng mức đầu tư 352 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước tháng 3.2019, hiện đã khởi công; đã khởi công đầu tư nâng cấp mở rộng đường Điện Biên Phủ, theo đó sẽ thu nhỏ dải phân cách giữa lại, mở rộng thêm các làn xe để hỗ trợ phát triển du lịch.

Bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông đô thị, tỉnh tiếp tục mời gọi đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là ở thành phố Tây Ninh. Tỉnh đã rà soát quỹ đất công, nhất là trên các trục đường chính trung tâm đô thị để quy hoạch, xây dựng tiêu chí mời gọi đầu tư phát triển các khu phức hợp, trung tâm thương mại - khách sạn, văn phòng cho thuê, shophouse, phố thương mại… hiện nay, tỉnh đã thu hút được các dự án như: Dự án Trung tâm thương mại - khách sạn - Shophouse Vincom Tây Ninh (trên đường 30.4); Dự án Khu phức hợp khách sạn - trụ sở làm việc phố thương mại MBland; Dự án nhà ở xã hội của Hoàng Quân; Dự án siêu thị AuChan của Tập đoàn TTC, Co.opMart Trảng Bàng, Co.opMart Tây Ninh, Co.opMart Tân Châu; cũng như dự án chợ truyền thống Long Hoa… Các dự án hạ tầng giao thông đô thị nêu trên sẽ tạo điều kiện cho địa phương phát triển toàn diện, cũng như góp phần tạo cảnh quan cho đô thị thành phố Tây Ninh và các địa phương trong thời gian tới.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Về định hướng tạo đột phá về phát triển nông nghiệp, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh”. Tại hội thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định chọn Tây Ninh là địa phương thực hiện thí điểm mô hình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng gia tăng chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhóm nghiên cứu đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2017-2020, định hướng 2025, đồng thời phối hợp với Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Công ty TaniFood của Tây Ninh và một số doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng mô hình thí điểm phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao như: mô hình phát triển chanh dây, dứa Queen, xoài Úc, rau rừng, mô hình nông thị mẫu… UBND tỉnh cũng đã đặt hàng các cơ quan, các trường đại học để nghiên cứu mô hình với một hộ dân, một nhóm hộ nông dân có diện tích dưới 1 ha đất vẫn  có thể làm giàu trên mảnh đất của họ.

Để giải quyết căn cơ bài toán thị trường và đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã kêu gọi và tạo điều kiện để Công ty TaniFood Tây Ninh đầu tư nhà máy chế biến, đóng hộp các loại trái cây, hoa quả xuất khẩu với tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu. Đồng thời, tỉnh đã ban hành một số chính sách ưu đãi cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đã triển khai, hướng dẫn các tổ chức có liên quan để được thụ hưởng các chính sách này. Để chủ động quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh cũng đã quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại đất các công ty, nông trường; xử lý các trường hợp lấn chiếm đất của tổ chức, cá nhân; đất hợp đồng, đất cho mượn, đến nay, đã cơ bản xong các thủ tục pháp lý để giao đất về cho địa phương quản lý phát triển theo quy hoạch.

Với các mô hình điểm, các dự án đã và đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng như các chính sách ưu đãi, hy vọng nông nghiệp địa phương sẽ phát triển nhanh, mạnh, vững chắc hơn trong thời gian tới.

Tạo điều kiện để nhân tài cống hiến

Về định hướng đột phá phát triển nguồn nhân lực, Nhóm nghiên cứu đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2017-2020, định hướng 2025, trọng tâm của kế hoạch là tập trung củng cố, phát triển nguồn nhân lực ở những lĩnh vực hiện nay đang yếu và thiếu, theo hướng trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ lộ trình, cũng như cách thức thực hiện. Theo đó, giai đoạn 2017 - 2020 tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực y tế, giáo dục (chú ý ngành mầm non), nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.

Song song với đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đối với các lĩnh vực ưu tiên, tỉnh quan tâm bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức đội ngũ cán bộ hiện có; hoàn thiện các chính sách thu hút nhân tài cho phù hợp, nhất là chú trọng yếu tố hoàn thiện và xây dựng môi trường làm việc thật tốt, tạo điều kiện cho nhân tài cống hiến và trưởng thành; thực hiện việc rà soát, đánh giá cán bộ để bố trí sử dụng đúng và trúng với trình độ, năng lực, sở trường, chú trọng công tác tuyển dụng một cách công khai, minh bạch và có chất lượng.

Để hiện thực hoá các định hướng, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đề ra, các sở, ngành đã xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh cụ thể hoá chương trình hợp tác giữa Tây Ninh với TP.HCM, giữa Tây Ninh với TP.Hà Nội trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực để đến năm 2020, nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của nhu cầu thực tế.

Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế xây dựng và hoàn thiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng Bệnh viện Đa khoa tỉnh trên cơ sở nghiên cứu học tập ở một số nơi để làm cơ sở tạo đột phá trong lĩnh vực y tế đến 2020; chuẩn bị quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư một số trường có chất lượng cao, tiếp tục phối hợp với Trường đại học kinh tế Fulbright tổ chức các lớp nâng cao kiến thức, kỹ năng lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ, công chức- nhất là lãnh đạo quản lý và cán bộ tham mưu từ tỉnh đến cơ sở để nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý cũng như cập nhật, bồi dưỡng về ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Khmer) cho cán bộ chủ chốt các cấp để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và đối ngoại.

Du khách nước ngoài tham quan Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Ảnh: Đại Dương

Đủ điều kiện trở thành trung tâm du lịch quốc tế

Tại hội thảo “Du lịch Tây Ninh-Tiềm năng và cơ hội phát triển” do UBND tỉnh tổ chức vào tháng 7 vừa qua, các đại biểu thống nhất nhận định và đánh giá Tây Ninh có tiềm năng về du lịch, có đủ điều kiện để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch tâm linh - truyền thống - nghỉ dưỡng - sinh thái và nhấn mạnh núi Bà Tây Ninh phải là điểm nhấn quan trọng để làm trung tâm phát triển, tạo sự lan toả về du lịch của địa phương; và đủ điều kiện để có thể phát triển thành trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc tế nếu có bước đi đúng và thu hút được nhà đầu tư chiến lược.

Trên cơ sở kết quả hội thảo và khảo sát học tập kinh nghiệm phát triển du lịch của một số địa phương, nhóm nghiên cứu đã tham mưu xây dựng và trình UBND tỉnh xem xét, ban hành Chương trình phát triển du lịch Tây Ninh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 để làm cơ sở đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế và du lịch- nhất là tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực này. Theo kế hoạch, du lịch núi Bà Đen cùng với Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, hồ Dầu Tiếng, Toà thánh Tây Ninh và Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát được xác định là vùng liên kết phát triển du lịch của tỉnh, trong đó, lấy núi Bà Đen là tâm điểm, trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh.

Đầu tư phát triển du lịch núi Bà Đen trở thành khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, đa dạng hoá các loại hình du lịch: truyền thống - tâm linh - nghỉ dưỡng - sinh thái - mạo hiểm. Đồng thời khẳng định rõ quan điểm phát triển du lịch phải gắn kết hài hoà với giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy tối đa các giá trị di tích lịch sử, truyền thống văn hoá và bảo vệ cảnh quan, môi trường gắn với quốc phòng, an ninh.

Trên cơ sở thực hiện quy hoạch tổng thể du lịch núi Bà Đen của Chính phủ, tỉnh đã xây dựng nhiệm vụ quy hoạch chung Khu du lịch núi Bà làm cơ sở quy hoạch chi tiết để mời gọi đầu tư; tỉnh đã hoàn thành quy hoạch 1/500 khu tâm linh lễ hội. Hiện tại, tỉnh đã mời gọi được tập đoàn SunGroup, một trong những tập đoàn lớn hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực vui chơi, giải trí, du lịch của Việt Nam với các dự án đầu tư du lịch mang tầm cỡ quốc tế.

Tập đoàn này đã khảo sát tiềm năng, lợi thế của khu du lịch núi Bà Đen và thành phố Tây Ninh; hiện nay, Tập đoàn đang thuê các tư vấn nước ngoài để khảo sát, nghiên cứu núi Bà Đen để định hướng đầu tư. Nếu kết quả khảo sát tốt, tập đoàn quyết định đầu tư chính thức vào Khu du lịch núi Bà. Đó sẽ là cú hích quan trọng tạo sự đột phá của tỉnh trong thời gian tới đôi với ngành du lịch, đồng nghĩa với việc tạo sự lan toả lớn về kinh tế, nhất là phát triển thương mại - dịch vụ của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đang nghiên cứu xúc tiến và phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và các loại hình du lịch mang đậm bản sắc địa phương.

Để góp phần quảng bá hình ảnh, quê hương, con người Tây Ninh với đồng bào cả nước và quốc tế, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức thành công các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch lớn, để lại dấu ấn tốt đẹp như: chương trình kỷ niệm 180 năm - Tây Ninh hình thành và phát triển; giải bóng chuyền nữ quốc tế Cúp VTV9 - Bình Điền lần đầu tiên tổ chức tại Tây Ninh; và gần đây nhất, vào ngày 6.10.2017 tại Hà Nội, tỉnh đã tổ chức thành công “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” với các hoạt động, chương trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hoá địa phương và vùng đất Nam bộ, tạo ấn tượng khá đẹp trong lòng nhân dân Thủ đô về một Tây Ninh thân thiện, nghĩa tình.

Với sự quyết tâm lớn, với định hướng và giải pháp mang tính đột phá, đặc biệt là sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, chắc chắn tiềm năng du lịch Tây Ninh sẽ được khai thác và phát triển trong thời gian tới.

THANH NAM (ghi)