BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khám sức khỏe kiểu 'vấn đáp' 

Cập nhật ngày: 04/08/2017 - 23:36

Khám sức khỏe qua loa, kiểu hỏi - đáp “tay chân bình thường không?” thì giúp ích được gì cho người đi khám sức khỏe và cả cho đơn vị sử dụng kết quả của việc khám sức khỏe này?

Để bổ túc hồ sơ công chức giữ nhiệm vụ quản lý theo quy định chung, mới đây tôi đi khám sức khỏe.

Đầu giờ chiều, tôi đến trung tâm y tế X., lúc này cũng có một số người đến khám sức khỏe. Có người cần giấy khám sức khỏe để bổ nhiệm công chứng viên, có người để xin đi làm nhân viên bán điện thoại, có người bổ túc hồ sơ xin việc...

Việc đầu tiên là lấy giấy khám sức khỏe, người khám tự kê khai phần tiền sử bệnh, sau đó là đóng lệ phí 205.000 đồng rồi bắt đầu đi khám.

Khám mắt không quá 30 giây, y sĩ chỉ qua quýt vào mấy dòng trên bảng in sẵn để người khám đọc rồi kết luận thị lực. Khám răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng còn nhanh hơn, chủ yếu là bác sĩ hỏi, người khám trả lời và bác sĩ ký vào giấy khám sức khỏe.

“Vui” nhất là khám ngoại khoa. Bác sĩ không buồn nhìn người khám, ông vừa ký vào giấy khám sức khỏe vừa hỏi tôi: “Tay chân bình thường không?”, tôi trả lời: “Bình thường ạ”, bác sĩ đóng thêm khuôn dấu có khắc chữ: bình thường, thế là xong.

Kế tiếp, tôi đi xét nghiệm máu và nước tiểu, rồi chụp X-quang. Cứ nghĩ là phải chờ vài giờ mới có kết quả, nhưng rất nhanh sau đó tôi đã được hướng dẫn vào phòng lãnh đạo trung tâm y tế và vị bác sĩ đóng dấu vào ô kết luận: “Hiện tại đủ sức khỏe làm việc”. Vậy là tôi đã có giấy khám sức khỏe hợp lệ sau khi chỉ mất chừng 15 phút cho tất cả công đoạn khám.

Tôi nghĩ việc khám sức khỏe - theo quy định hiện hành - là nhằm phục vụ việc bổ nhiệm, sử dụng, tuyển dụng đối với công chức, viên chức, người lao động… Người đi khám cần có đủ sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và cơ quan sử dụng người lao động có thêm thông tin cần thiết để ra quyết định.

Thế nhưng, khám sức khỏe qua loa, tốc hành như thế thì giúp ích được gì cho người đi khám sức khỏe và cả cho đơn vị sử dụng kết quả của việc khám sức khỏe này?

Tôi lại nghĩ trong trường hợp của mình, không biết người cán bộ tổ chức có đọc thông tin trên giấy khám sức khỏe của tôi không, hay chỉ lướt qua, đếm cho đủ thủ tục theo quy định rồi lại cho vào ngăn kéo?

Vậy nên, các ngành chức năng cần kiểm soát để việc khám sức khỏe phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, thực chất. Kết luận sức khỏe phải là một cơ sở pháp lý quan trọng đáp ứng yêu cầu cho việc tuyển dụng, sử dụng đối với công chức, viên chức, người lao động.

Kết quả này cũng giúp người đi khám sức khỏe biết được sức khỏe hiện tại của bản thân để tiếp tục công việc, khám và điều trị nếu được cơ sở y tế phát hiện những vấn đề không tốt về sức khỏe của bản thân.

Còn nếu khám theo kiểu vấn đáp “tay chân bình thường không?” thì người đi khám sức khỏe chỉ đối phó với thủ tục hành chính, phải làm một việc vừa tốn tiền lại vừa mất thời gian.

* Ông Nguyễn Trọng Khoa (Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế):

Khám cho người khỏe khác khám cho người bệnh

Khám sức khỏe tổng quát với nhóm người được khám là người khỏe mạnh thì có khác so với khám cho người bệnh, bác sĩ có thể hỏi có gì bất thường không và nếu có bất thường thì tập trung hơn vào vị trí đó.

Nhưng kể cả khám sức khỏe cho người bình thường thì cũng cần phải khám kỹ để đánh giá tình trạng thực tế, chứ không thể chỉ hỏi rồi ghi là bình thường theo nhận định của người đến khám bệnh. Về phản ảnh này, chúng tôi sẽ đề nghị kiểm tra.

Nguồn TTO