Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoà Thành, Thành phố Tây Ninh:

Khẩn trương dùng biện pháp tạm thời chống ngập

Cập nhật ngày: 20/10/2016 - 11:41

Trong những ngày qua, lượng mưa trút xuống địa phận tỉnh Tây Ninh rất lớn, nhiều con đường chính của thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành như Cách Mạng Tháng Tám, Lạc Long Quân, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Linh, An Dương Vương… bị ngập, có nơi kéo dài nhiều giờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, sinh hoạt, đời sống người dân.

Trước tình hình trên, lãnh đạo thành phố Tây Ninh, huyện Hoà Thành đã đi thị sát các nơi nước ngập, họp bàn tìm biện pháp tạm thời chống ngập. Bên cạnh đó, các giải pháp căn cơ để chống ngập cũng được bàn đến và triển khai thực hiện.

Tháo dỡ cống lắp trái phép ngăn dòng chảy con suối tại Hoà Thành.

Đào mương, lắp thêm cống lớn

Theo ông Nguyễn Thanh Long– Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Tây Ninh, sau nhiều cơn mưa nặng hạt, hệ thống mương, cống không đảm bảo thoát nước, nên gây ngập nhiều nơi trong Thành phố. Mặt khác, thời gian qua, trong quá trình đô thị hoá, do hạn chế về kinh phí, nhiều nơi làm đường nhưng không làm hệ thống cống thoát nước. Bên cạnh đó, nhiều khu vực trước đây là những bàu, trảng hay đất trống làm nhiệm vụ chứa nước mưa, nay đã bị san lấp, không còn nơi thoát nước tự nhiên khi mưa lớn, nên dẫn đến ngập nước diện rộng.

Ông Long cho biết thêm, trên địa bàn Thành phố, các hẻm số 75, 77, 79, 81, 83 thuộc hai phường Hiệp Ninh, Ninh Thạnh bị ngập nặng nhất. Khu vực này (diện tích khoảng vài ha), nước mưa ngập trên đường, tràn vào nhà dân. Thời điểm mưa lớn, có đường ngập cao đến 50cm, nhà dân ngập cao 80cm.

Cụ thể như tại hẻm 75 đường Cách Mạng Tháng Tám (thuộc khu phố Hiệp Bình, phường Hiệp Ninh) nước ngập khá lâu không rút. Qua khảo sát thực tế, ông Long cho biết, mương thoát nước hai bên con hẻm này đã có, rộng 80cm, nhưng khi ra đường CMT8, nước qua hệ thống cống đường kính chỉ 60cm, lại bị “bẻ ngoặt” vô đất nhà dân, sau đó mới thoát ra hố ga đường CMT8, nên dòng chảy bị hạn chế. Để chống ngập trước mắt, Thành phố đã xử lý bằng cách mở một nhánh thoát nước mới, lắp đặt cống đường kính 80cm cho nước thoát ra hố ga hệ thống cống đường CMT8.

Tại hẻm 83 (gần Trường mầm non Hoa Cúc), khu vực này thời gian gần đây có nhiều con đường được nâng cấp nhựa hoá, nhưng không có hệ thống cống thoát nước. Trong khi đó, dọc theo các con đường này, phần lớn nhà dân lại có nền nhà thấp hơn mặt đường, nên nước mưa không thoát được vào hệ thống cống trên các đường lớn đều đổ vào nhà dân, gây ngập khắp nơi.

Theo ông Long, phương cách giải quyết cấp bách chống ngập được Thành phố đưa ra là đào một con mương dài 400m, sâu 1m, ngang 1m, dẫn nước từ hẻm 79 ra đến đường Huỳnh Tấn Phát; đồng thời đặt cống đường kính 80cm tại các giao lộ để lượng nước tại các hẻm 79, 81, 83, 85, 87 thoát ra đường Huỳnh Tấn Phát, theo hệ thống cống thoát về suối Vườn Điều. Ngoài ra, Thành phố sẽ tiếp tục khảo sát các tuyến đường, khu nhà dân, nơi nào đất thấp sẽ đào mương thoát ra ngoài.

Khu vực đường Nguyễn Văn Rốp, Huỳnh Công Giản (thuộc khu vực phường IV) nay cũng bị ngập khoảng 20cm. Tại hẻm 78, 80 (gần Trường ngoại ngữ VATC) bị ngập nặng. Theo ông Long, tại khu vực này, trước đây có một khu đất trống thuộc quyền sử dụng của người dân, nước thoát qua khu đất này về đường Huỳnh Công Giản, đường Nguyễn Văn Rốp, chảy ra hệ thống cống đường Lạc Long Quân.

Tuy nhiên hiện nay, khu đất này được người dân xây dựng kiên cố làm quán ăn  đã ngăn dòng chảy tự nhiên trước đây. Thành phố đã vận động người dân cho đục tường, tạm thời mở 1 con mương qua khu đất này để dẫn nước về đường Lạc Long Quân. Khu vực phường IV cũng có một bàu chứa nước, nhưng nơi này hiện tại cũng bị ứ nước, không rút kịp, làm cho khu vực ngã tư đường Huỳnh Công Giản – Nguyễn Văn Rốp cũng bị ngập khi mưa.

Tại hẻm số 27 có con mương chiều ngang 1m thoát nước ra đường Lạc Long Quân, nhưng dòng nước bị chặn lại bởi một cái cống đường kính chỉ 60cm. Do đó, Thành phố sẽ đặt cống đường kính 1m để nước dễ dàng thoát ra hệ thống cống đường Lạc Long Quân.

Hẻm số 67, thuộc khu vực phường 3 cũng diễn ra tình trạng nước ngập nhưng rút rất lâu. Vì vậy, Thành phố sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp tạm thời đào mương đất để nước thoát ra hệ thống cống đường Cách Mạng Tháng Tám, nhằm “giải thoát” một lượng nước khá lớn tại một cái bàu ở khu phố 5.

Được biết, ngày 18.10, Ban Phòng chống lụt bão Thành phố họp thống nhất nhanh chóng khảo sát tất cả các điểm ngập trong Thành phố để tìm giải pháp chống ngập triệt để, lâu dài.

Con suối bị hẹp dòng chảy do bị người dân lấn chiếm.

Nạo vét, thông dòng chảy con suối qua cống Kiều

Tại huyện Hoà Thành, điểm ngập nặng nhất là khu vực đường Lạc Long Quân, đường Lý Thường Kiệt, đường Nguyễn Văn Linh… Ông Bùi Minh Cận– Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết, song song với việc thực hiện các dự án thoát nước ra cánh đồng Sân Cu, cánh đồng Ao Hồ, trước mắt, lãnh đạo huyện chỉ đạo phải tập trung giải quyết nhanh chóng hệ thống thoát nước theo con suối chảy qua các ấp Hiệp Định, Hiệp An, Hiệp Long về cánh đồng Ao Hồ.

Theo ông Cận, nước chảy từ khu vực đường Lạc Long Quân qua cống Tân Hương, 2 cống Kiều, đổ về cánh đồng Ao Hồ hiện nay bị người dân lấn chiếm, đặt cống thoát nước không phù hợp, xả rác thải... nên hạn chế dòng chảy rất nhiều. Vì vậy trước mắt, huyện tiến hành tháo dỡ một đoạn cống lắp đặt không phù hợp, sau đó nạo vét, vớt rác thải toàn bộ tuyến thoát nước theo con suối này. Trước đó, huyện cũng cho lắp đặt một hệ thống cống đường kính 80cm tại hẻm số 10 đường An Dương Vương để nước thoát ra cánh đồng Sân Cu, giải phóng lượng nước bị ngập trên đoạn đường An Dương Vương khi mưa lớn. Các dự án thoát nước ra cánh đồng Sân Cu, cánh đồng Ao Hồ cũng đang được huyện Hoà Thành khẩn trương tiếp tục thực hiện.

 Theo ghi nhận của chúng tôi, tối ngày 19.10, sau hai đợt mưa lớn, khu vực phường Hiệp Ninh, Ninh Thạnh (Thành phố), đường An Dương Vương, đường Nguyễn Văn Linh (xã Long Thành Bắc), đường Lạc Long Quân, đường Lý Thường Kiệt không còn bị ngập nước như trước đó.

Hy vọng thời gian tới, lãnh đạo huyện Hoà Thành, thành phố Tây Ninh sẽ tìm giải pháp căn cơ, đưa ra được “liều thuốc đặc trị” để không còn cảnh nước ngập khi mưa đến.

ĐỨC TIẾN