BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khảo cứu thêm về nhân vật “ông Tuấn” 

Cập nhật ngày: 19/07/2017 - 15:13

BTN - Người ta từng biết về ông Tuấn như một bậc cao niên nhưng võ nghệ thượng thừa, có cách đi tốc hành; từ Long An lên Tây Ninh, ông với chiếc gậy tre đã đi bộ hết một buổi chiều. Người ta kể rằng, để trốn tránh sự truy bắt của thực dân Pháp, ông từ Long An đến vùng núi Bà Tây Ninh, bới đá lấp bờ làm nơi nương náu.

Chùa Thiên Phước, nơi ông Tuấn yên nghỉ.

Ở chùa Thiên Phước, nay thuộc khu phố 5, phường IV, TP. Tây Ninh có một ngôi tháp mộ, hình dáng như thường thấy trong các ngôi chùa dành cho các nhà sư quá cố. Cũng mặt bằng lục giác, cao lên 3 tầng tháp “hạ sách thượng thu”.

Ðược chăm nom chu đáo nhưng tháp mộ vẫn không tránh khỏi cảnh rêu phong, sạm màu sương gió. Mộ có gắn một tấm bia xi măng nhưng trong một lần tu sửa, bia đã bong và được dựng ở bên ngoài. Nhờ sư thầy Thích Niệm Thắng- trụ trì Hiệp Long đọc cho, thầy bảo: bia này do một người còn rất non tay về chữ Hán, nên chữ thường thiếu nét. Vậy thì phải vừa đọc vừa đoán. Và kết quả theo phiên âm tiếng Việt tạm thời:

Dòng giữa: Phật đạo Huỳnh Văn Tuấn thần vị, dòng trái: Sanh năm Nhâm Dần, dòng phải: tử năm Nhâm Dần, thọ… (mất chữ do góc tấm bia đã vỡ, không thể đoán ra). Từ những chữ còn lại, có thể suy đoán, ít ra ông Tuấn cũng thọ 60 tuổi (1890-1950). Tuy nhiên, theo những lời đồn đại, cũng có thể là ông đã tuổi 120, dựa trên tiếng tăm về võ nghệ của một võ sư nhiều năm mai danh ẩn tích.

Cách đây khoảng 15 năm, Báo Tây Ninh đã có đăng bài về ông Tuấn. Bởi lúc ấy còn chưa biết ngôi mộ ông, nên không rõ họ. Dân gian cũng chỉ gọi là ông Tuấn. Năm ấy, cái am thờ của ông vẫn còn, ở ngay trước chùa Thiền Lâm cổ thuộc khu phố cũ, phường 2. Bài báo cũng chỉ sưu tầm được chuyện về ông qua các cụ già ở xóm Chùa năm ấy đã vào tuổi “xưa nay hiếm” như hoà thượng Thích Tịnh Khai, trụ trì Thiền Lâm cổ, hoặc ông Trần Văn Chì (nay đã mất) sống trên đường Trần Hưng Ðạo.

Người ta từng biết về ông Tuấn như một bậc cao niên nhưng võ nghệ thượng thừa, có cách đi tốc hành; từ Long An lên Tây Ninh, ông với chiếc gậy tre đã đi bộ hết một buổi chiều. Người ta kể rằng, để trốn tránh sự truy bắt của thực dân Pháp, ông từ Long An đến vùng núi Bà Tây Ninh, bới đá lấp bờ làm nơi nương náu.

Ông đã từng dựng chùa ở chân núi Bà Ðen, mà cách xây dựng cũng rất lạ. Ðấy là khi ráp nối xong các bộ cột, vì kèo, ông buộc chỉ vào các đầu ngọn cây kèo, rồi buộc các sợi chỉ vào ngón tay, điều khiển các bộ cột kèo ấy từ từ đứng lên mặt đất…

Mới đây, ông chủ quán cà phê tại nơi ngày trước là am ông Tuấn còn cho biết thêm một chi tiết. Rằng khu đất có suối Vàng chảy qua ở chân núi Bà là do ông Tuấn khai phá trước tiên. Vậy nên nhiều chủ đất ngày nay ở khu vực này đều nhớ ơn ông Tuấn, coi ông như người chủ đầu tiên của khu đất Suối Vàng.

Như vậy là khoảng năm 2002 về trước vẫn còn am ông Tuấn. Ðấy là nơi khi tuổi cao sức yếu ông lui về dưỡng già và tiếp tục tu hành. Khi ấy am là một mái lều tranh, vách đất. Nhưng trên ban thờ Phật lại là cả một “kho tàng” những pho tượng đặc biệt lạ lùng do tự tay ông đẽo tạc. Xin trở lại bộ điêu khắc kỳ lạ này sau, để liền mạch câu chuyện về thân thế ông Tuấn, đến nay vẫn còn là bí ẩn với người Tây Ninh ở khu vực xóm Chùa.

Vào một ngày cuối tháng 6, lần lục tìm trong kho Thư viện tỉnh, tình cờ tôi tìm ra cuốn hồi ký của ông Huỳnh Văn Một, với tiêu đề là “Chuyện chưa quên”. Ông Một từng có thời gian ngắn được Xứ uỷ điều lên làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Tây Ninh vào năm 1951. Ông cũng là Bí thư đầu tiên kiêm Chủ tịch huyện căn cứ Dương Minh Châu vào năm 1951-1952.

Trong hồi ký này, cũng có đoạn nói về ông Tuấn, khi kể về cuộc khởi nghĩa nổi tiếng ở 18 thôn Vườn Trầu năm 1885: “Ông Tuấn là một người giỏi võ nghệ, không ai biết ông sanh quán nơi nào, khoảng năm 1887- 1888, ông đến làng Thạnh Lợi, quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An làm mướn, ông Tuấn kết bạn thân với ông Nguyễn Văn Ðăng nhà ở rạch Mương Tràm. Ông được nhân dân vùng này thương mến. Ông Ðăng gả người em gái thứ 6 cho ông. Ông Ðăng thật tâm bao bọc làm ăn, nhưng “chó săn hỉnh mũi tìm mồi/ Vợ chồng ông Tuấn nổi trôi phương nào”.

Chó săn ở đây chính là bọn “quan làng” tay sai chủ Pháp. Chúng đã đánh hơi thấy ông có thể là “một tướng lãnh của nghĩa quân Cần Vương thất bại và về đây ẩn dật”. Biết chúng sắp bắt mình, nên vợ chồng ông Tuấn đã âm thầm bỏ làng đi.

Ðoạn hồi ký tiếp theo kể: “Ai ngờ vợ chồng ông Tuấn ngược dòng Vàm Cỏ Ðông dắt nhau lên ở Suối Vàng, dưới chân núi Tây Ninh làm ăn nghi trang như một gia đình đồng bào người dân tộc ở hẻo lánh một mình, nơi đất đai rất nhiều màu mỡ, chưa có người đặt chân đến đó. Ông Tuấn ở đây khai hoang phá rừng, dỡ đất trồng khoai, tỉa đậu gây dựng một sự nghiệp nhỏ, gia đình có nhiều của cải thừa, ngoài vườn cây trái sung túc, xum xuê xoài mít trên bờ đất đỏ Suối Vàng…”

Thế nhưng, lúc này: “bọn thổ phỉ ở rải rác khắp núi rừng Tây Ninh” nên: “khoảng năm 1900, nhiều lần chúng kéo đến định “ăn hàng” gia đình ông Tuấn, các lần đó đều bị ông Tuấn đánh lui…”.

Vậy mà có lần: “hai bên đánh nhau dữ dội kéo dài, bà Tuấn thất thế sa cơ bị chúng bắt được đem dầu chai đốt, tra khảo tìm kiếm bạc vàng. Ông Tuấn nóng lòng đánh trả giải vây, bọn cướp chết nhiều hô “tâu” rút chạy bỏ thây đồng bọn lểnh nghểnh vùng rừng đất đỏ Suối Vàng. Bà Tuấn chúng đốt bị thương rất nặng, một ít lâu sau bà Tuấn qua đời, thuở ấy bà mới 33 (tuổi)…

Ông Tuấn còn một mình trơ trọi buồn tiếc không nguôi, bỏ nốt sự nghiệp tại đây lên núi lập chùa nghi trang tu niệm. Ông tạo rất nhiều đường đi lại bí mật, trong hố, trong hang, nhiều chỗ ở của ông từ chân lên chót núi không ai biết được. Những người mê tín dị đoan lên đây thấy vậy nói ông Tuấn có phép tàng hình, vừa mới nói chuyện với ông Tuấn ở đây, xây lưng đến chỗ khác đã thấy ông Tuấn đã ở chỗ đó hồi nào. Có người ca tụng ông Tuấn nói rằng: ai đến đây mà gặp được ông Tuấn là người đó có nhiều công đức… Khi cách mạng tháng 8 thành công, ông Tuấn có tiếp xúc với nhiều cán bộ, tỏ ra hết sức vui mừng. Ông nói: nay ông gần trăm tuổi thấy được nước nhà độc lập, ông vui sướng không gì hơn nhưng ông không còn ra giúp nước được nữa, ông tiếc uổng vô cùng. Năm 1948 nghe đâu ông Tuấn mất”.

Các cụ tuổi cao ở xóm Chùa từng kể: ông Tuấn mất là do một bọn Tây say rượu giết, sau khi chúng đã về chiếm lại Tây Ninh. Gia sản ông để lại cho người cháu gái có tên gọi là bà Tư chỉ là một túp lều tranh và cái bàn thờ có nhiều pho tượng và tranh thờ kỳ lạ. May mắn làm sao, vẫn còn những bức ảnh chụp tượng và ngai thờ ấy.

Nay nhìn lại, thấy nhà đơn sơ, vách đất phải bồi dán rất nhiều báo cũ ấy, lại treo những bức tranh thờ đóng khung gỗ quý đã lên nước màu đen bóng. Tranh có vẻ rất cổ xưa, mô tả một người phụ nữ dáng vẻ cao quý có hai cô gái đứng quạt hầu. Trong 7 pho tượng, có hai pho nhỏ nhất, một là tượng Phật Thích Ca và một có lẽ là Linh Sơn thánh mẫu.

Pho nhỡ tạc tượng Văn Thù Bồ tát cưỡi cọp (hay sư tử). Ðặc biệt nhất là ở ba pho tượng lớn, cao khoảng 60 cm, thầy Tịnh Khai khẳng định là do ông Tuấn tự làm bằng gỗ quý. Pho chính giữa là Phật Thích Ca. Pho bên trái Phật là tượng một người đàn ông bé nhỏ ngồi trong tư thế toạ thiền. Ở bên phải, pho tượng lớn nhất lại là một người phụ nữ, một tay ấp má, một tay vòng trước bụng, ánh nhìn sâu xa.

Cả ba pho tượng ấy đều đặc biệt sinh động, bỏ qua những quy luật tả thực để tập trung cao độ về tâm trạng; cái mà ngôn ngữ tạo hình hiện đại gọi là cách điệu. Nhìn đi, nhìn lại những pho tượng này xem, chỉ có thể nói ông Tuấn là một nghệ sĩ tài hoa.

Về chi tiết khắc trên tấm bia xi măng, có vẻ như không trùng khớp lắm với hiện thực (1948 là năm Canh Tý). Nhưng liên hệ lại với sự tích Quan Lớn Trà Vong- cũng sinh năm Dần, tử năm Dần, cũng đánh giặc cướp bảo vệ dân lành làm ăn yên ổn… Thì có thể tác giả bia ấy đã coi ông Tuấn như một sự tái sinh từ Quan Lớn Trà Vong (1722-1782), để gán cho ông họ Huỳnh và năm sinh năm mất như thế chăng?

TRẦN VŨ