BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khẩu trang gắn máy lọc mini không ngăn được bụi mịn 

Cập nhật ngày: 13/10/2019 - 16:33

Khẩu trang gắn máy lọc mini được quảng cáo có thể ngăn bụi mịn khi ra đường nhưng tác dụng thực tế không có nhiều.

Cùng với máy lọc không khí, khẩu trang đang trở thành mặt hàng "hot" trong bối cảnh ô nhiễm không khí, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM. Dù không phổ biến như các loại khẩu trang chống bụi mịn thông thường, khẩu trang gắn máy lọc không khí mini vẫn được nhiều người tìm mua để sử dụng.

Khẩu trang gắn kèm máy lọc mini Xiaomi Purely.

Model được nhiều người quan tâm nhất là Xiaomi Purely, ra mắt từ năm 2016 và được đưa về Việt Nam dưới dạng hàng xách tay. "Hiện mỗi ngày chúng tôi bán hơn trăm chiếc trực tiếp tại cửa hàng hoặc trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử. Trong khi đó, chỉ vài tháng trước, chúng tôi nhập hàng về nhỏ giọt vì không ai mua", đại diện một cửa hàng bán đồ xách tay Xiaomi tại quận 6 (TP HCM) chia sẻ.

Bên cạnh sản phẩm của Xiaomi, thị trường còn xuất hiện các loại khẩu trang có gắn quạt mini khác, chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, như Remax Aodma FA-601 hoặc chỉ có tên mã, không có thương hiệu như N99. Cùng với model dành cho người lớn, một số cửa hàng còn bán mẫu cho trẻ em với hình trang trí ngộ nghĩnh và bắt mắt. Chúng đều được quảng cáo là lọc được 99% lượng bụi mịn PM2.5, khử mùi, khói độc... với giá 400 đến 800.000 đồng mỗi chiếc.

Hầu hết khẩu trang dạng này có gắn một thiết bị gọi là "máy lọc không khí mini" ở phía bên phải hoặc trái, có thể sạc qua cổng microUSB. Thời gian sử dụng sau mỗi lần sạc là 12 tiếng đến một ngày. 

Chị Nhật Vy ở quận Phú Nhuận mua một mẫu N99 giá 490.000 đồng. Sau 5 ngày sử dụng chị nói "không hài lòng". "Loại khẩu trang này được thiết kế để dùng vài lần, để lâu sẽ tích tụ vi khuẩn, không thể giặt để sử dụng lần sau, trong khi giá thay mới cũng hơn 100.000 đồng nếu trừ phần máy lọc. Nếu bị ướt mưa là phải mua chiếc khác", chị Vy cho biết. "Tôi thấy nó không có tác dụng như kỳ vọng so với số tiền bỏ ra".

Anh Trần Ngọc Phước, một chuyên gia công nghệ tại TP HCM, cũng đã mua và sử dụng mẫu Xiaomi Purely cách đây một tuần và cho biết không cảm nhận nhiều thay đổi so với khẩu trang thông thường. "Điều duy nhất tôi nhận thấy là mang khẩu trang có máy lọc thoáng hơn do có quạt gió, không bí như các sản phẩm bán ngoài tiệm thuốc", anh nói. "Phần tấm lọc dính bụi có thể thấy bằng mắt thường nhưng khá ít. Tôi không rõ nó có lọc được bụi mịn hay không".

Khi "mổ xẻ" thiết bị lọc, người dùng sẽ thấy cấu tạo của máy lọc khá đơn giản, chỉ gồm một chiếc quạt nhỏ, bảng mạch điều khiển để sạc, đèn báo và phần khay để đựng tấm lọc. Khi hoạt động, chiếc quạt chỉ làm nhiệm vụ đẩy gió từ ngoài vào trong. Do tốc độ quay "mô-tơ" thấp, lượng gió đẩy vào khá nhẹ, đi đường phải để ý mới cảm nhận được. Khay đặt miếng lọc bụi không sử dụng được lâu mà phải thay sau một thời gian sử dụng.

Thiết bị lọc gồm một quạt nhỏ...

và các tấm lọc bụi.

Theo ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường, một chiếc khẩu trang đạt tiêu chuẩn kháng khuẩn, loại bỏ vi khuẩn... phải đạt 5 yếu tố, gồm khả năng lọc bụi, độ ôm khít với khuôn mặt, độ thông thoáng, tính thẩm mỹ và trọng lượng. Để đạt tiêu chuẩn, chúng phải được nhà sản xuất thiết kế, sản xuất gồm nhiều lớp vải lọc, lọc tất cả hạt bụi mịn, khói độc... Tuy vậy, chưa có cơ quan nào tại Việt Nam đánh giá, kiểm chứng hoặc công bố chất lượng khẩu trang.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, thuộc chuyên khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Bình dân (TP HCM), đánh giá, các loại khẩu trang hiện nay trên thị trường, kể cả sản phẩm có gắn quạt mini, chỉ có tác dụng ngăn ngừa các loại bụi thông thường, khó chống được bụi mịn do vẫn có kẽ hở lớn và bụi vẫn lọt qua khuôn mặt qua đường này. "Các loại khẩu trang được quảng cáo ngăn bụi mịn PM2.5 thực chất đánh vào yếu tố tâm lý. Muốn ngăn bụi, chỉ có cách mang thiết bị chuyên dụng, chẳng hạn mặt nạ chống độc. Tất nhiên, chúng có kích thước lớn, khó sử dụng thời gian dài và cũng gây mất thẩm mỹ", bác sĩ Hoàng cho biết.

Nguồn VNE