BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khedol- mùa Dolta phúc hạnh 

Cập nhật ngày: 15/10/2018 - 09:35

BTN - Sene Dolta 2018 vừa qua, bà con chuẩn bị thực hành nghi thức rất chu đáo từ góc độ gia đình cho đến quy mô nghi lễ trên chùa. Chùa Khedol được nhiều lần trùng tu trang hoàng lộng lẫy, xứng đáng là “Hào quang của đoá sen gần núi”, là nơi nương náu, gửi gắm tâm linh ước vọng của bà con Khmer sinh sống bao đời ở nơi đây.

Diễu hành quanh chùa.

Khedol là một ấp của xã Thạnh Tân, thuộc thành phố Tây Ninh, nơi có đông bà con người Khmer sinh sống từ lâu đời. Cho dù trải qua bao biến thiên của lịch sử, bà con Khmer nơi đây vẫn sống chan hoà với từng mùa mưa nắng, từng thửa ruộng đồng. Tôn giáo chính của họ vẫn là Phật giáo Nam tông Khmer, gắn liền với nhiều màu sắc lễ hội trong năm. Nổi bật nhất ngoài Chol Chnam Thmay còn có Sene Dolta - lễ xá tội vong nhân - đầy chất văn hoá, thiêng liêng và niềm phúc hạnh vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch.

 

Bà con Khmer ở Khedol có tập tục khá giống với bà con Khmer Nam bộ. Nói chung, họ chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng lúa nước. Cuối tháng tư, mưa xăm xắp là bà con bắt đầu xới ruộng gieo mạ, qua tháng sáu tháng bảy là cấy ruộng xong. Sang tháng tám trời mưa nhiều, việc mùa khá rảnh nên mỗi gia đình thường đi đến thăm viếng ông bà, cha mẹ ở xa. Trong số đó, không ít người già qua đời mà con cháu không hề hay biết. Chính vì vậy mà họ thường tụ tập nhau thành từng nhóm để cùng nhau cúng bái nhớ ơn người đã mất. Sau này, họ linh hoạt hơn đưa nghi thức này vào các ngôi chùa và ổn định dần từ ngày 16 - ngày 30 tháng Bhaddapada, tức là giữa tháng 8 cho đến đầu tháng 9 âm lịch.

Lễ xá tội vong nhân của bà con Khmer được thực hiện theo đúng tinh thần của Phật giáo Nam tông Khmer. Về gốc tính Sene Dolta, có nhiều thuyết khác nhau, nhưng phổ biến sâu rộng nhất và được bà con tin tưởng nhất là câu chuyện có từ thời Ðức Phật còn tại thế.

Chuyện kể rằng: “Một hôm, vào lúc đêm khuya canh vắng, tại hoàng cung của vua Ping-pis-sara, bỗng vang dội tiếng gào thét, khóc lóc thảm thiết, kèm theo là tiếng van xin: Hãy cho chúng tôi ăn, cho chúng tôi uống với, vì chúng tôi đang đói lắm! Nhà vua bèn truyền lệnh triệu tập các nhà tiên tri đến hỏi, các nhà này cho rằng: Ðây là các ma quỷ chết oan, chết ức, không cha mẹ, không nhà cửa anh em, nay họ đến xin ăn uống.

Nếu Hoàng thượng không lo cúng tế e sợ có chuyện bắt 100 người nam, 100 người nữ và 100 con vật để làm lễ cúng tế. Nghe tin đó, bà hoàng hậu can gián: -Nếu Hoàng Thượng làm như vậy, 200 người này bị chết oan ức, những người thân của họ càng phẫn uất, vậy nó sẽ càng có hại cho mình và vương quốc.

Quốc vương nghe vậy, mới ngự giá tìm đến chùa thỉnh ý Phật Thích Ca. Phật bảo rằng: Ðó là những đầu bếp (do gian lận ăn cắp cơm gạo, thức ăn trong các lễ cúng dường ở thời Quốc vương Mahinta- cách nay đã 92 kiếp) khi chết đi thành quỷ ở cõi âm và bị phạt phải nhịn ăn, nhịn uống đến nay là 92 kiếp- nay biết Ngài (tức Quốc vương Ping-pis-sara) là chủ của họ hồi tiền kiếp, nên họ mới đến đòi ăn.

Vậy Ngài nên cúng dường, dâng cơm cho các tu sĩ, nhờ ân đức và lời kinh của các vị này chuyền phước đến bọn quỷ đó. Nhưng ma quỷ chúng ta không thể cho vật thực, đồ ăn trực tiếp được, mà phải dâng cúng vật thực đồ ăn đến các vị có giới đức rồi nhờ các vị có giới đức ấy tụng kinh hồi hướng thì các ma quỷ thuộc ân nhân đã quá cố mới thọ hưởng được do phép hồi hướng đó. Nhà vua vâng lời Ðức Phật.

Cảnh chùa vào hội.

Qua đêm thứ hai nhà vua lại nghe tiếng rên khóc tiếp. Sáng sớm hôm sau, nhà vua đến chùa chỗ Ðức Phật ngự, bạch với Ðức Phật. Ðức Phật dạy tiếp rằng: Ðêm trước ma quỷ được ăn no đầy đủ nên không rên la. Ðêm sau lại rên la là vì chỉ ăn uống đầy đủ mà chưa có đồ mặc do bị rét lạnh.

Nhà vua nghe xong, về cho người chuẩn bị y áo cùng vật thực làm lễ dâng cúng đến chư tăng và nhờ chư tăng hồi hướng tiếp. Nhà vua không còn nghe tiếng rên than của ma quỷ nữa. Từ đó về sau, mỗi năm cứ đến mùa là nhà vua lại cho thỉnh mời chư tăng đến để làm lễ hồi hướng cho ma quỷ và những người đã quá cố”.

Từ sự tích trong kinh điển Phật giáo trên, bà con dân tộc Khmer Nam bộ nói chung và Khedol nói riêng tổ chức nghi lễ Sene Dolta- xá tội vong nhân - hằng năm thành phong tục truyền đời. Nghi lễ này gắn liền với nghi thức Phật giáo, của các sư sãi tụng kinh cầu phước cho ông bà, cha mẹ, họ hàng thân tộc đã quá cố được mau chóng siêu sinh đó là một nét đẹp hết sức nhân văn.

Và phải nói thêm rằng, tuy cùng dòng chảy của văn hoá Khmer, nhưng bà con Khmer ở Khedol tổ chức Sene Dolta có khác. Cụ thể như sau: từ 15.8 âm lịch, nhà nhà quét dọn, trang hoàng lại bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên cho sạch sẽ tươm tất. Họ đến chùa Khedol, ngôi chùa hoành tráng và đẹp lộng lẫy nhất ở xứ này mời các nhà sư đến nhà tụng kinh xá tội cho vong nhân của gia đình.

Ðể thực hiện nghi thức này, mỗi gia đình đầu tiên phải dọn một cái giường, chiếu mền mới phải được xếp ngăn nắp, trên để một bộ quần áo mới, cùng trà rượu bánh trái. Xong làm một mâm cơm, xới bốn chén, đốt nhang và nến, rồi mời hàng xóm cùng ngồi xung quanh cúng và nghe sư đọc kinh. Sau ba tuần trà rượu cúng vong linh, người nhà gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào chén, đổ ly trà vào ly rượu rồi đem ra hàng rào nhà, thắp thêm cây nhang mời ma quỷ cùng ăn uống và ở lại vui chơi với ông bà cha mẹ trong ba ngày, rồi hãy về chốn cũ…

Công việc này diễn ra tuần tự, lần lượt ở các gia đình cho đến hết ngày 24.8. Ðến khuya ngày 25.8, tất cả mọi nhà đều đem lễ (cơm cúng và bánh trái hoa quả) lên chùa cùng vong linh của gia đình họ. Nghi thức này với ý nghĩa là người nhà đưa vong linh ông bà cha mẹ vào chùa để xem, nghe các sư tụng kinh lấy phước. Sau đó, các phật tử mời các sư cùng thọ thực. Ðến sáng bắt đầu tổ chức vui chơi múa hát. Các tiết mục văn nghệ được bà con ở Khedol chuẩn bị rất chu đáo và biểu diễn rất sôi nổi từ sáng cho đến xế chiều.

Sau một ngày vui vẻ, đến chiều, mọi người xin phép các sư cho rước vong linh của gia đình họ trở về nhà. Ở nhà, mọi người lại tiếp tục làm mâm cơm cúng và mời ông bà cha mẹ ở lại chơi với con cháu thêm một đêm nữa. Sang sáng hôm sau, nhà nhà làm thêm mâm cơm nữa để cúng tiễn đưa vong linh. Họ bỏ thức ăn vào các bẹ chuối hay mo cau, sau khi khấn vái thì thả xuống ao, rạch nước hay mé ruộng gần đó để tống tiễn ông bà trên đường đi có cái mà ăn…

Sau đó, họ mời hàng xóm cùng ăn uống vui chơi, ca hát cho đến hết chiều ngày. Ngày mùng 1.9 là ngày nghi lễ hoành tráng nhất. Tất cả bà con Khmer đều ăn mặc đẹp và lên chùa Khedol làm lễ. Ngày này, sư cả và các sư khác trong chùa kết hợp với ban quản trị, bà con phật tử tổ chức tụng kinh, đãi tiệc, biểu diễn văn nghệ và nhận lời chúc mừng của các cấp chính quyền địa phương. Ngày này coi như là ngày kết thúc mùa Sene Dolta của bà con dân tộc Khmer ở đây. Tất cả đều được ấm lòng và phúc hạnh viên mãn.

Trong những năm gần đây, bà con Khmer ở Khedol làm ăn khấm khá hẳn lên. Ngoài nghề trồng lúa truyền thống trên cánh đồng Khedol, bà con còn làm thêm các vụ mãng cầu và chăn nuôi bò. Cuộc sống đổi thay từng ngày, nhà cửa xây dựng khang trang, đường làng được tráng nhựa rất sạch sẽ. Chính vì vậy, đời sống văn hoá tinh thần cũng được nâng lên rất rõ rệt.

Sene Dolta 2018 vừa qua, bà con chuẩn bị thực hành nghi thức rất chu đáo từ góc độ gia đình cho đến quy mô nghi lễ trên chùa. Chùa Khedol được nhiều lần trùng tu trang hoàng lộng lẫy, xứng đáng là “Hào quang của đoá sen gần núi”, là nơi nương náu, gửi gắm tâm linh ước vọng của bà con Khmer sinh sống bao đời ở nơi đây.

Ð.T.S