BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khi cúi xuống mang giày tôi bị choáng suýt ngã 

Cập nhật ngày: 27/03/2017 - 14:55

BTNO - Hỏi: Nam, năm nay 29 tuổi. Công việc hiện tại là kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại. Có lần, khi cúi xuống mang giày tôi bị choáng suýt ngã; sau đó thức dậy sau ngủ trưa tôi bị chóng mặt xây xẩm. Bác sĩ bảo tôi bị rối loạn tiền đình và cho thuốc uống. Được 2-3 hôm tôi hết chóng mặt, nhưng hiện tại lại bị chứng tê tay chân, có khi đang sửa điện thoại thì bị tê tay suýt làm rớt điện thoại. Bác sĩ có thể cho biết tôi bị bệnh gì và cách nào trị dứt?

Hoàng N. (khu phố 2, phường IV, TP Tây Ninh)

Đáp: Chóng mặt là triệu chứng thường gặp trong rối loạn tiền đình nhưng cũng có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác như huyết áp thấp, thiếu máu não… Ngoài ra, hiện tượng tê bì chân tay khá thường gặp, có thể chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường hoặc có thể là triệu chứng của một số bệnh lý. Tê chân tay sinh lý do đứng lâu quá, ngồi xổm, ngồi vắt chân lên nhau, ngủ sai tư thế, lao động nặng, ngồi máy tính liên tục, chạy xe nhiều giờ, đứng ngồi một tư thế quá lâu. Tê chân tay cũng thường xảy ra do ảnh hưởng của thời tiết. Cũng có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc đã dùng.

Tê chân tay bệnh lý: do bệnh rối loạn chuyển hoá như đái tháo đường, cao mỡ máu, xơ vữa động mạch, béo phì. Khi mắc phải các chứng bệnh này có thể gặp triệu chứng là mất dần cảm giác ở các chi, bệnh càng nặng tê càng nhiều và có thể teo cơ. Tê chân tay cũng có thể là dấu hiệu thiếu sinh tố B1, B12, acid folic, calcium, kalium… thường gặp ở người thể lực suy kém, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em kém ăn. Cũng có thể do thần kinh ở ống cổ tay bị chèn ép, đau cột sống, viêm khớp… dẫn đến rối loạn, tê liệt dây thần kinh cảm giác. Hoặc do bệnh nhiễm độc thạch tín, thuỷ ngân và do uống rượu, sử dụng ma tuý, nhiễm trùng mạn tính.

Nếu tình trạng tê tay chân là do tư thế hoạt động, làm việc thì cần phải thay đổi và chú ý vận động để tránh máu bị dồn ép cục bộ. Bên cạnh đó, người bệnh cần phải dùng phối hợp thêm một số loại vitamin nhóm B, nhất là vitamin B12, B6, B1.

Nếu tê phù do thiếu vitamin B1 thường gặp nhất và khắc phục chủ yếu bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường các đồ ăn giàu vitamin B1. Vitamin B1 có nhiều trong gạo, lúa mì, đậu đỗ, các thức ăn động vật… Nếu không bớt thì cần phải tiêm B1 liều cao theo chỉ định của thầy thuốc. Nếu bị nhẹ, người bệnh nên uống bổ sung hằng ngày viên B complex.

Chú ý trong khi làm việc cần phải thay đổi các tư thế có thể làm tê tay chân như ngồi lâu, đứng lâu, treo mình trên dây hoặc mặc quần áo quá chật. Cần ăn uống cân bằng, đủ chất hơn để tránh bị thiếu vitamin. Nếu triệu chứng tê tay chân kéo dài, thường xuyên và khó chịu, nên đến các cơ sở y tế sớm để được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, có chẩn đoán chính xác để có cách điều trị thích hợp và kịp thời.

BS LÊ TRUNG NGÂN


Liên kết hữu ích