BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bên lề kỳ họp:

Khi đại biểu “ngại va chạm”

Cập nhật ngày: 13/07/2018 - 16:53

BTN - Qua hơn hai năm tham gia, không chỉ có đại biểu không sắp xếp được thời gian tiếp xúc cử tri, mà có đại biểu “ngại va chạm” nên không dám phát biểu, thế thì cử tri biết gửi gắm nguyện vọng vào đâu?

Hôm qua, kỳ họp thứ 9 của Hội đồng nhân dân tỉnh (khoá IX), nhiệm kỳ 2016-2021 long trọng khai mạc. Kỳ họp này sẽ xem xét 12 nghị quyết quan trọng, “sát sườn” các vấn đề xã hội được cử tri quan tâm. Tại kỳ họp, Thường trực HÐND tỉnh cũng đã đánh giá hoạt động của Hội đồng trong 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo, trong 6 tháng qua, hoạt động của Thường trực HÐND tỉnh cơ bản bảo đảm chương trình, kế hoạch đề ra. Công tác thẩm tra được triển khai kịp thời, có chất lượng; nội dung mang tính phản biện cao, phân tích đúng thực trạng những vấn đề được cử tri quan tâm.

Công tác tiếp xúc cử tri, giải quyết kiến nghị của cử tri được chú trọng, chuyển tải kịp thời các kiến nghị đến UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị để xử lý; đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kiến nghị.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thường trực HÐND tỉnh đã thẳng thắn đánh giá những mặt hạn chế, như công tác phối hợp với Uỷ ban MTTQVN tỉnh có lúc chưa nhịp nhàng; có nghị quyết triển khai thực hiện còn chậm, chưa đồng bộ, thiếu cụ thể; việc xem xét, giải quyết các kiến nghị qua giám sát có mặt còn hạn chế, chưa kịp thời…

Ðáng lưu ý, Thường trực HÐND tỉnh chỉ rõ: hoạt động của một số đại biểu và tổ đại biểu chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, có tổ đại biểu chưa tổ chức triển khai giám sát theo quy định; một số đại biểu chưa tập trung nghiên cứu tài liệu, ít có ý kiến phát biểu thảo luận tại các cuộc họp.

Nguyên nhân chủ yếu là do đa số đại biểu là lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị nên phải tham gia nhiều hoạt động chuyên môn của đơn vị mình, chưa sắp xếp thời gian nghiên cứu và tham gia đầy đủ các hoạt động của HÐND; một số đại biểu mới tham gia hoạt động HÐND còn ngại phát biểu, sợ đụng chạm… Có thể nói, đây là “hạn chế lâu năm”, nghĩa là đã bị nhận xét nhiều lần, nhưng có vẻ vẫn chưa được khắc phục hiệu quả.

Nhiều ý kiến cho rằng, một khi đại biểu đã được người dân tin tưởng bầu vào cơ quan quyền lực cao nhất, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đại diện tiếng nói nhân dân.

Ðể thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này, trước khi tham gia ứng cử Hội đồng nhân dân các cấp, chắc chắn đại biểu đã được tập huấn và phải có tâm thế sẵn sàng nhập cuộc.

Thế nhưng, qua hơn hai năm tham gia, không chỉ có đại biểu không sắp xếp được thời gian tiếp xúc cử tri, mà có đại biểu “ngại va chạm” nên không dám phát biểu, thế thì cử tri biết gửi gắm nguyện vọng vào đâu? Thật đáng buồn!

T.N