Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đi hợp tác lao động nước ngoài:

Khi đi lành lặn, lúc về… liệt chi 

Cập nhật ngày: 08/05/2017 - 15:36

BTNO - Những ngày gần đây, tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu rộ lên tin đồn một phụ nữ đi hợp tác lao động tại Saudi Arabia bị liệt hai chân khi tìm cách bỏ trốn khỏi gia đình chị này đang làm thuê. Ðể xác minh làm rõ thông tin trên, chúng tôi đã tìm đến gia đình nạn nhân tên Thị Máh, 25 tuổi, ấp Chăm, xã Suối Dây.

Chị Thị Máh đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Tây Ninh.

Những ngày gần đây, tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu rộ lên tin đồn một phụ nữ đi hợp tác lao động tại Saudi Arabia bị liệt hai chân khi tìm cách bỏ trốn khỏi gia đình chị này đang làm thuê. Ðể xác minh làm rõ thông tin trên, chúng tôi đã tìm đến gia đình nạn nhân tên Thị Máh, 25 tuổi, ấp Chăm, xã Suối Dây.

Vào khoảng tháng 9.2015, Thị Máh được ông To Nal- người cùng địa phương môi giới làm hồ sơ đưa chị và chị A Xi Náh, 24 tuổi, ngụ cùng ấp Chăm đi hợp tác lao động, làm việc nhà của ông bà chủ tên Tyda Roh. Ông bà chủ phân công chị A Xi Náh nấu cơm, dọn nhà cửa ở tầng trệt, còn chị Thị Máh giặt quần áo, lau dọn nhà ở tầng 3. Mỗi ngày, hai chị làm quần quật từ 4 giờ 30 đến 22 giờ mới được ngủ. Buổi sáng được cho ăn một ổ bánh mì, không có thịt cá, rồi bắt đầu làm việc đến 15 giờ mới được cho ăn một chén cơm với thịt gà. Sau một năm đi hợp tác lao động, chị Thị Máh từ 51kg chỉ còn nặng 40kg khi trở về nhà.

Trong quá trình làm việc, do không biết tiếng Arab nên hai chị thường xuyên bị chủ nhà mắng chửi, thỉnh thoảng bị đánh bằng tay, nhất là mỗi khi đến ngày nhận tiền công hằng tháng. Mỗi tháng, chị Thị Máh được chủ trả tiền công 1.300 đồng Riyals (tiền Arab), tương đương 7,3 đến 7,5 triệu đồng Việt Nam.

TRỐN CHẠY BẤT THÀNH, RƯỚC HOẠ VÀO THÂN

Tháng 9.2016, hai người “hợp tác lao động” đòi tiền công thì bị chủ nhà đánh chửi, nhốt trên lầu 3 liên tục 4 ngày không cho ăn uống. Hai chị em quyết định cùng nhau bỏ trốn. Chị Thị Máh xé mền, nối lại làm dây cột vào ban công tầng 3 thòng xuống đất để tụt xuống. Chị Thị Máh tụt xuống trước, chẳng may chị bị vuột tay rơi xuống đất, chị té ngồi thụng người xuống không cử động được, thấy vậy, chị A Xi Náh la lên báo cho chủ nhà biết. Ông bà chủ tưởng chị Thị Máh nằm vạ. Trong cơn đau quằn quại do bị té, chị lại phải hứng chịu trận đòn của ông bà chủ chứ không được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Ðến tối, thấy Thị Máh đau đớn nhiều, sợ chị chết trong nhà nên ông chủ mới đưa chị vào bệnh viện.

Vào viện, chị được chẩn đoán gãy cột sống, bệnh viện đã mổ và kẹp inox cột sống. Chị nằm viện 3 tháng, rất may là có chị A Xi Náh nuôi bệnh, mọi chi phí chủ nhà lo, nhưng hậu quả để lại là Thị Máh bị liệt 2 chi dưới, không đi đứng được, phải ngồi xe lăn. Sau đó chị được xuất viện, rồi được chủ nhà mua vé máy bay cho chị và A Xi Náh trở về Việt Nam. Ông bà chủ “nhân từ” còn cho mỗi người 250 USD.

Sau khi hai chị về Việt Nam, có một người tên là Oanh- đại diện công ty xuất khẩu lao động ở Hà Nội vào thăm chị Thị Máh 3 lần, lần thứ 3 bà Oanh đưa cho chị Thị Máh 38 triệu đồng.

Ông Chàm Lế- cha của Thị Máh cho biết: “Từ ngày con bị bệnh, gia đình lo chạy chữa hết bệnh viện này tới bệnh viện kia, công ty hỗ trợ 38 triệu đồng không thấm vào đâu so với chi phí điều trị, hằng ngày tôi phải đi làm thuê, ai mướn gì cũng làm để có tiền chữa trị cho con, còn vợ tôi phải túc trực ở bệnh viện chăm sóc”. Mẹ chị Thị Máh, bà Thị Ty Sóh nhìn con nghẹn ngào nói: “Vợ chồng tôi thương con đứt ruột, khi đi con mạnh khoẻ, hy vọng cho con đi làm ở nước ngoài có tiền để cuộc sống đỡ vất vả. Không ngờ, con đi mới một năm, khi trở về đã trở thành người tàn phế”.

Mới đây, Câu lạc bộ nữ từ thiện tỉnh Tây Ninh đã hỗ trợ cho gia đình chị Thị Máh một con bò sinh sản trị giá 22 triệu đồng, hy vọng gia đình chị sẽ sớm vượt qua khó khăn.

Một địa điểm mở cơ sở tư vấn đưa người đi hợp tác lao động nước ngoài.

TUYỂN LAO ÐỘNG KHÔNG CẦN TRÌNH ÐỘ

Trong vai người muốn đi hợp tác lao động tại Saudi Arabia, chúng tôi hỏi thăm và được một người dân xã Suối Dây chỉ nhà ông M.R, ngụ cùng địa phương, là người trực tiếp làm hồ sơ đưa người đi Saudi Arabia làm “ô-sin”.

Vợ chồng ông M.R khá dè dặt khi tiếp xúc với người lạ, nhưng sau khi biết chúng tôi có ý định đưa người thân đi hợp tác lao động, ông M.R mạnh dạn bắt chuyện và lấy mấy bộ hồ sơ ra khoe, sắp đi làm thủ tục cho mấy người chuẩn bị đi Arab lao động. Ông M.R nói: “Hầu hết phụ nữ ấp Chăm này đều đi làm bên Arab, giờ ở nhà toàn là đàn ông”, và ông cho biết, phụ nữ muốn đi làm ô-sin có tuổi từ 21 đến 47 người ta mới nhận. Sau khi hướng dẫn chúng tôi cách làm hồ sơ, ông M.R hứa nếu giới thiệu cho ông được một người đi hợp tác lao động, khi người đó lên máy bay qua Arab, chúng tôi sẽ được nhận hoa hồng 5 triệu đồng.

Khi chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn vì nghe nhiều người đi Arab làm ô-sin bị chủ đánh đập, bỏ đói… ông M.R trấn an: “Tại mấy người đó qua bển lười biếng, hoặc… hẹn hò với trai, không làm việc nhà nên mới bị chủ đánh”. Và để chứng minh hiệu quả hợp tác lao động, ông M.R cho biết ông từng làm việc cho công ty đưa người đi Arab 9 năm: “Tôi làm lái xe bên đó nên rất rành, vợ tôi cũng qua bên đó làm với tôi”. Ông M.R còn đưa cho chúng tôi xem tờ giấy phô tô có dấu mộc của Công ty TNHH-MTV Ðào tạo và cung ứng nhân lực H. thuộc…

Trường đại học X. ở Hà Nội, là doanh nghiệp được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động số 229/LÐTBXH-GP, cấp đổi ngày 8.9.2010, bản thông báo tuyển lao động đi làm việc có thời hạn giúp việc gia đình tại Saudi Arabia, nữ giới từ 21 đến 47 tuổi, có sức khoẻ tốt, không cần trình độ học vấn, thu nhập 1.300 Riyals/26 ngày, nếu người lao động làm thêm 4 ngày nghỉ/tháng sẽ được 200 Riyals; thu nhập sau 2 năm khoảng 220 đến 260 triệu đồng...

Ông M.R cho biết thêm, tại Saudi Arabia, người lao động còn được chủ sử dụng cung cấp miễn phí ăn, ở, bảo hiểm và các phương tiện phục vụ hằng ngày, được miễn phí tất cả các khoản như đồng phục, phí khám sức khoẻ, phí làm visa, ăn ở, đào tạo, vé máy bay… Nói chung khi làm việc tại Saudi Arabia, người lao động không bị trừ bất kể khoản nào.

Chúng tôi hỏi ông M.R, vì sao công ty bao hết, người lao động không mất tiền gì cả, kể cả chi tiền hoa hồng cho người giới thiệu 5 triệu đồng? Ông M.R nói: “Do công ty bên Saudi Arabia tốt, người ta muốn giúp đỡ người lao động Việt Nam có công ăn việc làm, chứ không có vụ lợi chi, cứ an tâm đưa người nhà đi”.

Rời nhà ông M.R, chúng tôi nhìn thấy có các cơ sở đăng bảng quảng cáo Công ty cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ Inmasco- Cienco1, Văn phòng tiếp nhận hồ sơ tư vấn xuất khẩu lao động, Cơ sở tư vấn và tuyển dụng xuất khẩu lao động Saudi Arabia.

CƠ QUAN CHỨC NĂNG NÓI GÌ ?

Ông Phan Tấn Lợi, Trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Tân Châu cho biết: “Sau khi biết hoàn cảnh chị Thị Máh, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo cho cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân sự việc, đồng thời xác minh những người môi giới đăng bảng quảng cáo đưa người đi hợp tác lao động ở nước ngoài, kiểm tra hồ sơ xem cơ sở của họ có được cơ quan chức năng cấp phép theo đúng quy định hay không”.

Qua vụ việc của chị Thị Máh, ông Lợi cảnh báo đến mọi người muốn đi hợp tác lao động nước ngoài nên tìm hiểu thật kỹ, vì nếu đăng ký với các công ty không rõ nguồn gốc dễ xảy ra rủi ro. Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có công văn thông báo quy trình, thủ tục hợp tác lao động về cho phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện để huyện thông báo đến tận cơ sở cho người dân biết.

Sông Ninh

Từ năm 2012 đến tháng 10.2016, trên toàn huyện Tân Châu có 203 người đi lao động nước ngoài chưa đến hạn về. Ðặc biệt, trong đó có 163 người ở ấp Chăm, đi lao động tại Saudi Arabia, đa số là phụ nữ đi phụ giúp việc nhà.
Từ khóa
Sông Ninh