Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khi người bệnh chưa quan tâm đến sức khoẻ của mình

Cập nhật ngày: 17/09/2016 - 06:12

Pháp luật đã có quy định các cơ sở bán thuốc tây không được bán các loại thuốc thuộc diện phải kê đơn mà không có đơn thuốc của bác sĩ. Tuy nhiên thực tế, không ít cơ sở bán thuốc tây vẫn “vô tư” bán thuốc theo lời khai bệnh của người mua, trong đó có cả các loại thuốc thuộc diện phải kê đơn dù người bệnh không hề có đơn thuốc của bác sĩ. Về phía người dân, khi có bệnh, không ít người đến cơ sở bán thuốc mua thuốc về uống mà không cần phải đến bác sĩ kê toa, bất chấp hậu quả ra sao...

Người dân đến mua thuốc tại một cơ sở đông y  (ảnh chỉ có tính chất minh hoạ).

MUA THUỐC VỀ SỬ DỤNG MÀ CHẲNG BIẾT TRONG ĐÓ CÓ GÌ

Để “mắt thấy, tai nghe”, tôi đến một cửa hàng bán thuốc tây ở khu vực chợ Long Hoa, huyện Hoà Thành mua thuốc. Khi nghe tôi nói là đang bị sốt, ho, nhân viên bán thuốc tự chọn thuốc, cắt ra từng viên lẻ, cho vào bọc rồi dặn cách sử dụng- mặc dù nhân viên này chẳng phải là y, bác sĩ gì cả. Quả thật, nhìn vào những bọc thuốc, tôi chẳng biết trong đó có loại nào, tác dụng ra sao. Để biết rõ hơn, tôi hỏi có kháng sinh không, nhân viên này chỉ ngay một viên trong bọc. Tôi hỏi có thể mua các loại kháng sinh khác không, nhân viên nhanh nhảu cho biết, loại nào cửa hàng có cũng bán, chẳng cần phải có toa.

Đến một cửa hàng bán thuốc tây khác trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Tây Ninh, khi nghe tôi “khai bệnh” thì nhân viên cũng nhanh nhẹn lấy thuốc, cắt nhỏ từng viên, bỏ vào bọc rồi hướng dẫn cách sử dụng. Tôi hỏi mua thêm thuốc kháng sinh loại mạnh, nhân viên bán thuốc chỉ hỏi loại nội hay ngoại rồi lấy bán chứ không hề hỏi có toa thuốc của bác sĩ hay không.

Hiện nay, hầu hết ở các cửa hàng, nhà thuốc tây, nhân viên sẵn sàng bán thuốc theo lời khai bệnh của người mua, trong đó có cả việc bán các loại thuốc thuộc danh mục phải bán theo đơn của bác sĩ. Tình trạng này vẫn tồn tại nhiều năm qua, mặc dù pháp luật đã có những chế tài để xử lý. Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định: cảnh cáo, phạt tiền 200.000- 500.000 đồng đối với hành vi bán thuốc trong danh mục “thuốc bán theo đơn” mà không có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc xử phạt đối với hành vi trên là rất hiếm.

Không chỉ ở lĩnh vực tây y, đông y cũng vậy. Tại một cơ sở kinh doanh thuốc đông y ở thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành, khi nghe nói mất ngủ, kém ăn, thì chị nhân viên lấy ngay 1 lọ thuốc có tên là “cường lực” ra bán. Quan sát kỹ, trên bao bì của lọ thuốc này có ghi tác dụng điều trị và không dùng cho phụ nữ có thai. Tuy nhiên về thành phần của thuốc gồm những dược liệu gì thì toàn tiếng Trung và điều quan trọng là không có tên đơn vị nào nhập loại thuốc trên.

Tại một tiệm thuốc bắc ở thành phố Tây Ninh, sau khi bắt mạch, người bán thuốc bốc nhiều loại dược liệu bỏ vào giấy gói lại rồi tính tiền, người bệnh chẳng biết trong đó có loại gì, tác dụng ra sao. Rủi ro có bị phản ứng thì người sử dụng chẳng biết là do loại nào. Đây là việc làm rất nguy hiểm cho sức khoẻ, nhưng không ít người chẳng hề quan tâm, dù bản thân mình có thể là “nạn nhân”.

Theo Uỷ ban MTTQVN tỉnh, trong đợt giám sát hành nghề y tế tư nhân vừa qua, tình trạng thuốc có nguồn gốc chưa rõ ràng- nhất là các dược liệu mua từ Trung Quốc, rất phức tạp.

CƠ SỞ Y TẾ TƯ NHÂN VẪN CÒN NHIỀU VI PHẠM

Cũng theo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, kết quả từ đợt giám sát công tác quản lý về hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh vừa qua cho thấy, lĩnh vực y tế tư nhân đã góp phần thực hiện xã hội hoá ngành Y tế, giảm tải cho y tế công. Ngành Y tế tỉnh đã có sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho y tế tư nhân phát triển, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Tuy nhiên, qua khảo sát tại 6 cơ sở hành nghề y tế tư nhân cho thấy, vẫn còn nhiều vi phạm như: thuê bằng cấp mở cửa hàng dược, phòng khám; bán thuốc tại cơ sở khám bệnh, không có toa thuốc, thuốc lột ra khỏi vỉ... Những vi phạm trên của các cơ sở hành nghề y tế tư nhân có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ cho người dân, bởi họ chẳng biết mình sử dụng loại thuốc gì.

Từ đó, UBMTTQVN tỉnh đề nghị Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở hành nghề y tế tư nhân nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm để phục vụ việc khám, chữa bệnh cho người dân tốt hơn.

Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, để chấm dứt tình trạng bán thuốc vô tội vạ, người bệnh cần nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ sức khoẻ của mình, khi có bệnh phải đến bác sĩ chứ không đến các cửa hàng bán thuốc mua những loại “mình không biết” về uống.

THẾ NHÂN